“Cưới nhau xong là đi”, một chuyện tình trong chiến tranh
Cuộc tình thời chiến của hai người khiến người trung tá cưu binh liên tưởng đến bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, trong đó có chi tiết y chang nỗi niềm của bà Vui: “Cưới nhau xong là đi”.
“Cưới nhau xong là đi”, một chuyện tình trong chiến tranh
Cuộc tình thời chiến của hai người khiến người trung tá cưu binh liên tưởng đến bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, trong đó có chi tiết y chang nỗi niềm của bà Vui: “Cưới nhau xong là đi”.
Bà Đào Thị Vui (trái) tặng áo len cho chị gái của chồng trong ngày gặp mặt năm 2016 – Ảnh: V.Toàn |
Bà Đào Thị Vui, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), năm nay đã 71 tuổi. Bà lấy chồng năm 1968 khi làm công nhân Nông trường Trần Phú đóng tại Yên Bái. Lễ cưới được ba hôm thì chồng nhập ngũ.
Đầu xuân 2016, dẫn tôi đến căn nhà thấp mái của bà Vui, trung tá cựu binh Lê Ngọc Khánh kể: “Ngày 15-4-1968, tôi là trung đội trưởng, đại đội 3, tiểu đoàn 11 trực thuộc sư đoàn 316 (Quân khu Tây Bắc) đến Nông trường Trần Phú nhận quân. Ngay trong đêm đó, nông trường có tổ chức một đám cưới mà chàng rể là anh Lê Tiến Tửu, cán bộ quản lý đội chế biến chè và chị Đào Thị Vui”.
“Cưới nhau xong là đi”
Sau đêm động phòng của đôi vợ chồng trẻ, trung đội trưởng Khánh đến gặp họ và cho biết anh Tửu có quyết định nhập ngũ, nhưng vì mới cưới vợ nên đơn vị hoãn cho anh nhập ngũ đợt này, để đi đợt sau. Nhưng anh Tửu cương quyết “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và khẳng định mình vẫn nhập ngũ đợt này.
Khánh hỏi ý kiến chị Vui. Chị Vui nói: “Anh Tửu quyết thì tôi cũng quyết”. Chiều hôm đó anh Tửu đến đơn vị nhận quân trang rồi mặc quần áo bộ đội, mang balô đạp xe về nông trường với vợ. Theo lời hẹn, khi đơn vị hành quân qua nông trường thì anh Tửu gia nhập đơn vị.
Cuộc tình thời chiến của hai người khiến tôi nhớ đến bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, trong đó có chi tiết y chang nỗi niềm của bà Vui: “Cưới nhau xong là đi”. Sang Lào, anh Tửu là điệp báo viên vô tuyến điện cùng đơn vị trung đội trưởng Khánh.
Đầu năm 1970 đơn vị di chuyển xuống mặt trận Trung Lào thuộc tỉnh Xiêng Khoảng.
Nhìn hai bàn tay già nua của bà Vui giữ chặt di ảnh người chồng, anh Khánh tiếp tục kể về ngày 1-4-1970: “Hôm ấy bộ đội ở Xẩm Thoong bị thương quá nhiều. Đơn vị tôi đi hai ngày đường rừng mới đưa thương binh nặng ra đến cánh đồng Mường Pốt.
Anh Tửu, anh Hào vừa gác cái võng cáng một thương binh lên hai nạng cây đối diện nhau để ngồi nghỉ thì bất ngờ máy bay địch xẹt tới ném bom và hai người không thoát khỏi.
Đêm đó, lúc cùng đơn vị nhặt nhạnh thi thể anh Tửu và 13 đồng đội khác để chôn cất, tôi muốn khóc khi thấy trên chiếc bật lửa, bút kim tinh, cái lược bằng đuya-ra và khăn thêu trong ngực áo anh Tửu đều có ghi khắc hai chữ Tửu Vui.
Những vật dụng đánh dấu kỷ niệm một cuộc tình ấy được chúng tôi chôn vào lòng đất cùng với thi hài anh Tửu”.
Ở vậy thờ chồng
Sau khi anh Tửu hi sinh, từ Yên Bái, chị Vui xin nghỉ việc rồi quay về quê nhà với mẹ, sống quãng đời đơn thân khép kín để thờ chồng. Kể từ đó, tuổi xuân cũng như hạnh phúc mong đợi của cuộc đời một người phụ nữ coi như khép lại.
Bà Vui chảy nước mắt nói với tôi và cựu binh Khánh: “Bố mẹ đặt tên tôi là Vui mà sao phận người thì ngược”.
Nhà anh Tửu ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Do đám cưới xong là đi ngay nên anh Tửu không kịp đưa vợ về giới thiệu với họ hàng nhà mình. Anh Tửu mồ côi bố mẹ từ bé, ở với một người chị gái.
Do anh không thông báo đám cưới cho gia đình nên chị Vui nghĩ nếu mình tìm về đó tự giới thiệu là dâu thì chắc không ai tin. Thế là chị cứ sống thờ chồng trong nỗi ám ảnh chưa được làm dâu suốt cho đến năm 2010.
Năm 2010, cựu binh Khánh cùng đoàn quy tập tỉnh Nghệ An sang Lào tìm mộ liệt sĩ Tửu. Ông Khánh bảo chính ông là người tuyển anh Tửu vào lính, chiến đấu cùng anh rồi cũng chính tay ông chôn cất anh ấy ở nghĩa trang Mường Pốt. Biết mộ đồng đội mà không giúp đoàn quy tập đi tìm mộ thì sống không yên.
Tại Mường Pốt, người ta thông báo cho ông Khánh biết mộ liệt sĩ Tửu đã được đưa về nghĩa trang quốc tế Việt – Lào ở Nghệ An năm 2006.
Tại nghĩa trang quốc tế Việt – Lào, ông Khánh tìm thấy 14 ngôi mộ của đồng đội mình hi sinh trong lần ném bom hồi ấy, trong đó có mộ anh Tửu.
Rồi ông đến Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) tìm danh sách liệt sĩ để thấy tên anh Lê Tiến Tửu kèm theo nội dung “khi cần báo tin cho vợ là Đào Thị Vui ở Thanh Oai, Hà Tây”.
Dù vậy, cho đến năm 2010 bà Vui vẫn chưa được hưởng chế độ gì từ người chồng đã mất.
Nhận dâu ở tuổi 65 Tháng 7-2010, ông Khánh dẫn bà Vui đến UBND xã Đông Lĩnh, Thái Bình. Hôm ấy có cả bí thư, chủ tịch xã, ông tự giới thiệu: “Tôi là Lê Ngọc Khánh, nguyên cán bộ tuyển quân đồng chí Lê Tiến Tửu và cùng đồng chí ấy sang Lào chiến đấu. Đồng chí Tửu hi sinh năm 1970, mộ đã quy tập về nước. Đây là bà Đào Thị Vui, vợ đồng chí Tửu. Giờ tôi đưa con dâu về quê hương liệt sĩ để họ hàng nhận dâu sau 42 năm kể từ khi cưới”. Nghe vậy, cả bí thư, chủ tịch xã nói: “Cảm ơn thông tin của đồng chí về liệt sĩ Tửu và đưa vợ liệt sĩ về quê chứ từ trước tới giờ gia đình và chính quyền địa phương không hề biết liệt sĩ Tửu có vợ”. Lúc này bà Vui đã 65 tuổi và vẫn còn hồi hộp vì “sợ sau 42 năm lấy chồng giờ bị từ chối làm dâu”. Tại nhà bà Lê Thị Xuân (86 tuổi, chị liệt sĩ Tửu), khi đại diện UBND xã giới thiệu xong, cựu binh Khánh đưa đầy đủ giấy tờ photo từ hồ sơ liệt sĩ của liệt sĩ Tửu báo cáo với gia đình anh Tửu. Bà Xuân giục con gọi điện báo tin gấp cho họ hàng. Trong cảnh đoàn viên, bà Xuân nhìn em dâu nghẹn ngào: “Mất cậu Tửu rồi thì còn có em dâu”. Rồi hai chị em ôm nhau như hai cây si già ngả bóng vào nhau. |