Hạnh phúc không phải là một điều ước
Đã đến lúc xác định hạnh phúc của người dân là gì, chất lượng cuộc sống của người dân như là mục tiêu của mọi chính sách quốc gia.
Hạnh phúc không phải là một điều ước
Đã đến lúc xác định hạnh phúc của người dân là gì, chất lượng cuộc sống của người dân như là mục tiêu của mọi chính sách quốc gia.
Chuyện một phụ nữ 44 tuổi tên Ohood Al Roumi mới được bổ nhiệm là quốc vụ khanh đặc trách hạnh phúc tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có vẻ như một câu chuyện Ngàn lẻ một đêm tân thời, khi mà một phụ nữ đường hoàng tham gia nội các trong một xã hội vốn dĩ được xem là nghiêng về giới mày râu.
Càng “thần tiên” hơn nữa khi bà Ohood Al Roumi phụ trách một mảng mang tên “hạnh phúc” trong nội các nước này!
Cũng “thần tiên” không kém phát biểu của thủ tướng nước này, theo đó, “hạnh phúc quốc gia không phải là một điều ước” mông lung mà nó rất hữu hình, có thể đạt được một khi các nhà lãnh đạo nắm được đâu là các ước nguyện của người dân.
Và rồi thủ tướng UAE nhấn mạnh: “Các kế hoạch, dự án, chương trình và chỉ số sẽ cung cấp những dữ kiện thông tin cho công việc của các bộ để đạt được hạnh phúc đó”.
Thật ra, câu chuyện trên không hề là một câu chuyện thần tiên! UAE đang đứng hạng 20 trên bảng xếp hạng “Báo cáo hạnh phúc thế giới” (World Happiness Report – WHR) năm 2015 của Liên Hiệp Quốc (khác với “Chỉ số hạnh phúc hành tinh” – vốn không phải là một công cụ chính thức của Liên Hiệp Quốc như WHR – để tiện so sánh: Singapore hạng 24, Thái Lan hạng 34, Việt Nam hạng 75…).
Cũng thế, phát biểu của thủ tướng UAE nêu trên không phải là một ý diệu kỳ gì, mà là một điều rất phổ thông trong công việc quản lý quốc gia: sử dụng các bảng biểu thống kê như là các bảng chỉ dẫn “cầm lái”, y hệt một tài xế hay phi công nhìn vào các đồng hồ trên “taplô” xe hay buồng lái, chứ không như là một mục đích tự thân để rồi sa đà vào “bệnh thành tích” cùng mê hồn trận của những con số – mà không ít ý kiến cho là ảo.
Bởi thế, không lấy làm lạ tại sao chương 4 của Báo cáo hạnh phúc thế giới 2015 lại mang tiêu đề là: “Làm thế nào hoạch định chính sách một khi hạnh phúc là mục tiêu?”.
Và khởi đầu bằng luận đề: “Mục tiêu của chính sách công nên là gì? Trong chương này, chúng tôi yêu cầu các nhà hoạch định chính sách công xét xem mục tiêu của họ có thật sự là niềm hạnh phúc hay sự hài lòng cuộc sống của người dân liên quan?…”.
Từ phần tư cuối của thế kỷ trước, tại một số quốc gia trên thế giới đã xuất hiện những bộ mang tên tương tự, như ở Pháp từ năm 1974 trong nội các của tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã lần đầu tiên hình thành một bộ “Chất lượng cuộc sống”.
Không hẳn phải “phú quý” như Pháp mới “sinh lễ nghĩa” như thế: một đảo quốc nhỏ là Mauritius ở châu Phi cũng có một bộ tương tự mang tên Bộ Y tế và chất lượng cuộc sống, mà sứ mệnh được trao là “nâng cao tình trạng sức khoẻ của người dân, tăng cường công bằng xã hội thông qua việc cung cấp rộng rãi hơn các dịch vụ y tế cho toàn thể dân chúng…”.
Nếu tạm lấy nhiệm vụ sau cùng này của đảo quốc Mauritius làm mục tiêu hướng đến “hạnh phúc nhân dân”, sẽ thấy bài toán “cung cấp rộng rãi hơn các dịch vụ y tế cho toàn thể dân chúng” là khó khăn như thế nào, song dứt khoát phải giải được để “tăng cường công bằng xã hội”.
Đã đến lúc xác định hạnh phúc của người dân là gì, chất lượng cuộc sống của người dân như là mục tiêu của mọi chính sách quốc gia.
Vấn đề là một khi ra khỏi “bệnh thành tích”, làm sao để nhất thể hoá ước ao của người dân với mục tiêu hay tham vọng của nhà chức trách.
Như với tôi và rất nhiều bạn bè, hàng xóm láng giềng khác, hạnh phúc cuộc sống ngay trước mắt là bớt “ùn ứ” trên các ngả ra vào nội thành để sáng sáng có thể ra khỏi nhà muộn hơn một chút và tối tối về nhà sớm hơn.
Còn với những người ở những khu hay bị ngập nước thì hạnh phúc là làm sao không còn điệp khúc “triều cường” khi mùa mưa đến…
Đừng nói những gì lớn lao, đừng khoe những con số hoành tráng… mà hãy làm được những điều thật cụ thể như vậy, đó là đơn đặt hàng đầu năm vậy.