23/12/2024

Bao giờ xử ‘tội phạm thịt thối’?

Trong năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 3.886 vụ mua bán, vận chuyển ‘thịt thối’, tiêu huỷ 200 tấn thịt các loại. Tuy nhiên, không có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  

Bao giờ xử ‘tội phạm thịt thối’?

 

Trong năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 3.886 vụ mua bán, vận chuyển ‘thịt thối’, tiêu huỷ 200 tấn thịt các loại. Tuy nhiên, không có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.





Một cơ sở buôn bán vú heo thối Trung Quốc (tại Q.Bình Thạnh) bị phát hiện - Ảnh: Công Nguyên

 

 

Một cơ sở buôn bán vú heo thối Trung Quốc (tại Q.Bình Thạnh) bị phát hiện – Ảnh: Công Nguyên

 


Trường hợp ông Cao Chí Đông (36 tuổi, quê Bến Tre) 8 năm buôn bán vú heo thối từ Trung Quốc về VN, bị bắt nhiều lần nhưng chỉ bị xử phạt hành chính, khiến dư luận bức xúc bởi thịt thối, thực phẩm bẩn ngày càng hoành hành, đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng.

Mới nhất, ngày 25.12.2015, UBND Q.12 (TP.HCM) ra quyết định xử phạt hành chính ông Đông 21 triệu đồng về các hành vi: kinh doanh không phép, không giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y… buộc ông này phải chịu gần 10 triệu đồng chi phí tiêu huỷ hơn 2,5 tấn vú heo thối (Thanh Niên phản ánh vụ việc ngày 23.12.2015). 

 
 
Bao giờ xử ‘tội phạm thịt thối’? - ảnh 1
Trong năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện 3.886 trường hợp vận chuyển, buôn bán sản phẩm, phụ phẩm động vật hôi thối, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đã xử phạt tổng cộng 6 tỉ đồng, tiêu huỷ 200 tấn thịt các loại. Tuy nhiên, không có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bao giờ xử ‘tội phạm thịt thối’? - ảnh 2
 
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

 


Liền sau đó, ngày 28.12.2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu UBND TP.HCM xử lý nghiêm hành vi của ông Đông, đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Liên tục bị bắt
Điều khiến dư luận bức xúc là khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Đông thừa nhận trong 8 năm qua ông mua vú heo có nguồn gốc Trung Quốc từ đầu nậu ở các tỉnh phía bắc để bán lại cho các quán ăn ở TP.HCM và ông đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.
Tháng 5.2012, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM bắt giữ hơn 10 tấn chân gà và 3,2 tấn vú heo thối đang vận chuyển từ TP.Hải Phòng vào TP.HCM, trong đó có 1 tấn vú heo thối của ông Đông.
Ngày 26.1.2014, Trạm thú y Q.12 và các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở của ông Đông tại P.Đông Hưng Thuận, Q.12 phát hiện 100 kg vú heo thối không có giấy chứng nhận kiểm dịch, ông Đông bị xử phạt 3,5 triệu đồng.
Ngày 22.12.2015, cơ quan chức năng bắt giữ tại cơ sở ông Đông ở QL1 (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) 2,5 tấn vú heo thối không có giấy chứng nhận kiểm dịch… Ngoài ra, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Chi cục Thú y TP.HCM) cho biết đã nhiều lần xử phạt hành chính những lô hàng vú heo thối liên quan đến ông Đông.
Vú heo thối Trung Quốc tại cơ sở ông Đông

Vú heo thối Trung Quốc tại cơ sở ông Đông


Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, xác nhận ông Đông nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử lý hành chính về hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn và cho rằng: “Mỗi lần bắt là ông này bỏ hàng và chuyển địa điểm kinh doanh khiến việc xử lý rất khó khăn!”. 

 
 
Lập chuyên án để điều tra
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12, cho biết qua kiểm tra bước đầu ghi nhận, địa bàn tiêu thụ thịt thối của ông Cao Chí Đông không chỉ ở Q.12 mà còn ở các quận, huyện khác. Do vậy, Công an Q.12 đang lập chuyên án để điều tra. Trong khi đó, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, ngay sau khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ ông Cao Chí Đông, UBND TP đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp UBND Q.12, Công an TP và các sở ngành liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra.
Đình Phú

 


Ông Phát cho biết thêm, trong năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện 3.886 trường hợp vận chuyển, buôn bán sản phẩm, phụ phẩm động vật hôi thối, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đã xử phạt tổng cộng 6 tỉ đồng, tiêu huỷ 200 tấn thịt các loại. Tuy nhiên, không có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý, nhiều phương tiện bị phát hiện nhiều lần vận chuyển thịt bẩn vào TP.HCM tiêu thụ. Điển hình, từ tháng 3 – 7.2015, xe khách Mai Lan BS 66B-003.15 đã 5 lần bị phát hiện vận chuyển tổng cộng gần 2 tấn thịt gà làm sẵn bốc mùi hôi thối từ Đồng Nai vào TP.HCM (lần mới nhất ngày 14.1.2016). Mỗi lần bị bắt, tài xế xe này chỉ bị xử phạt hành chính rồi sau đó chiếc xe này tiếp tục… chở thịt thối! Tương tự, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Chi cục Thú y TP.HCM) cũng nhiều lần phát hiện xe khách BS 93N-0035 chạy tuyến Bắc Giang – Bình Phước chở vú heo thối nhập lậu từ Trung Quốc. Thế nhưng, sau khi nộp phạt vi phạm hành chính, xe này vẫn lại tiếp tục chở thịt thối!
“Hành vi đã đủ cấu thành tội phạm”
Trả lời Thanh Niên vì sao đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Huỳnh Tấn Phát cho rằng pháp luật hiện chỉ quy định xử lý hành chính đối với hành vi buôn bán thực phẩm bẩn với tình tiết tăng nặng chứ không thể truy tố, xử lý hình sự được. “Chính vì luật chưa chặt chẽ, xử lý quá nhẹ nên những người buôn bán thịt bẩn vẫn tiếp tục tái phạm sau khi bị bắt. Đây là một trong những vấn đề mà chi cục thú y đã nhiều lần kiến nghị phải thay đổi”, ông Phát nói.
Trong khi đó, theo luật sư (LS) Nguyễn Thanh Thanh, Đoàn LS TP.HCM, việc sản xuất, buôn bán thịt thối, thực phẩm bẩn có tẩm ướp các hoá chất là vô cùng nguy hiểm, gây hại sức khỏe, tính mạng của nhiều người sử dụng. Việc này, người thực hiện đã có hành vi cố ý, dù biết nguy hiểm nhưng họ vẫn bất chấp. Xét về ý thức chủ quan thì hành vi này đã đủ cấu thành tội phạm, do đó cần phải bị xử lý hình sự. LS Đào Duy Tân (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng: “Cơ sở của ông Đông đã từng bị xử lý hành chính nhiều lần thì không có lý do gì cứ xử lý hành chính hoài”.
Còn theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), hành vi sản xuất, kinh doanh thịt thối hay tẩm hoá chất vào thịt thối để tẩy mùi là vô cùng nguy hiểm, làm hại sức khoẻ người tiêu dùng, gây hậu quả về lâu dài. Theo bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016) quy định tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì: Người nào thực hiện một trong các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm như sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ thực phẩm có sử dụng chất cấm… thì bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 – 5 năm; nếu gây ra hậu quả chết người có thể bị phạt tù tối đa 20 năm. “Có nghĩa, chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hoá chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như trước nữa. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn”, LS Chánh nói.
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho biết nguyên tắc tố tụng là một hành vi không được đưa ra xử lý 2 lần. Tuy nhiên, sau khi đã xử phạt hành chính, nếu nhận thấy hành vi đó có dấu hiệu hình sự thì: thứ nhất, chính cơ quan ban hành quyết định (xử phạt hành chính trước đó – PV) ra quyết định hủy quyết định hành chính, chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để công an xác minh, khởi tố vụ án; thứ hai, nếu cơ quan xử phạt hành chính vẫn cho rằng họ xử lý đúng thì cơ quan cấp trên hoặc cơ quan công an có quyền đề nghị chuyển hồ sơ qua để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, lúc này quyết định hành chính tự khắc bị huỷ.
Phan Thương


 

Công Nguyên – Hải Nam