27/12/2024

Được sử dụng thẻ BHYT cũ tới tháng 6-2016

Bệnh nhân chạy thận thuộc diện nghèo, cận nghèo đang khó khăn bởi chưa có thẻ BHYT năm 2016. Trong khi đó, các bệnh viện chỉ chấp nhận việc gia hạn thẻ năm 2015 với điều kiện phải có thêm một số thủ tục khác.

 

Được sử dụng thẻ BHYT cũ tới tháng 6-2016

 

 

Bệnh nhân chạy thận thuộc diện nghèo, cận nghèo đang khó khăn bởi chưa có thẻ BHYT năm 2016. Trong khi đó, các bệnh viện chỉ chấp nhận việc gia hạn thẻ năm 2015 với điều kiện phải có thêm một số thủ tục khác.

 

 

 

 

Bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng
Bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – Ảnh: Việt Dũng

Hơn tám năm chạy thận nhân tạo, dù có thẻ bảo hiểm y tế người nghèo nhưng kinh tế gia đình anh H.H.N. (26 tuổi, ở phố Hàng Đồng, Hà Nội) vẫn kiệt quệ. Từ ngày 1-1, tình cảnh anh N. càng khó khăn hơn khi thẻ bảo hiểm y tế cũ hết hạn, chưa có thẻ bảo hiểm y tế mới nên mỗi tuần anh phải tạm ứng khoảng 2 triệu đồng để chạy thận nhân tạo.

Thêm thủ tục

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, những trường hợp như anh N. hiện lên tới 16 triệu người. Đây là những người nghèo, cận nghèo, thuộc diện Nhà nước cấp miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, các văn bản liên quan đến diện chính sách nêu trên đều đã hết hạn từ cuối năm 2015, Bảo hiểm xã hội VN có đề xuất gửi Chính phủ đề nghị trong thời gian chờ đợi văn bản hướng dẫn mới vẫn tiếp tục gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo đến hết tháng 6-2016.

Dù đã được gia hạn nhưng thực tế cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm nhiều nơi lại “đẻ” thêm thủ tục.

Tại bệnh viện anh N. đang chạy thận nhân tạo, nơi đây đòi bệnh nhân về địa phương lấy giấy xác nhận được bình xét thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo kèm đơn đề nghị để bệnh viện gửi cơ quan bảo hiểm, nếu cơ quan bảo hiểm chấp nhận thì bệnh viện mới tạm dừng thu phí khám chữa bệnh trong thời gian chờ thẻ.

“Gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, năm 2016 chúng tôi thuộc nhóm hộ cận nghèo, được hỗ trợ phần lớn chi phí mua thẻ bảo hiểm nhưng gia đình chưa nhận được danh sách này. Đi hỏi đường dây nóng của Bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm, họ nói cứ về phường.

Ngày 12-1 chúng tôi về phường, lãnh đạo phường đi họp hết. Bí quá, tôi đành đi mua bảo hiểm y tế tự nguyện hi vọng có thể đỡ chi phí, nhưng thẻ bảo hiểm tự nguyện mua ngày 12-1 nên ngày 17-2 mới dùng được, thứ sáu tới lại phải đi tạm ứng 2 triệu đồng để chạy thận” – anh N. than thở.

Theo ông Phạm Lương Sơn – trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN: “Bảo hiểm VN đã có thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh về kéo dài thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo tới tháng 6-2016. Nếu cơ sở nào đòi thêm thủ tục là vi phạm hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội VN”.

Nhiều nguy hiểm 
với bệnh nhân

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, nếu không có bảo hiểm y tế thì tất cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo, kể cả người giàu, sẽ khó khăn vì chi phí cho một bệnh nhân khoảng 7-9 triệu đồng/tháng.

Theo ông Dũng, giới chuyên môn tính toán mỗi bệnh nhân thận nhân tạo chạy 3 buổi/tuần mới đảm bảo sức khoẻ, còn cắt giảm buổi chạy thận sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ, nguy hiểm nhất là thừa kali, phù phổi cấp do thừa nước, không kiểm soát được huyết áp…

Ông Dũng cho biết hiện bệnh nhân chạy thận nhân tạo và lọc thận qua màng bụng khoảng 20.000 người, một tỉ lệ đáng kể trong đó là người nghèo, cận nghèo.

Ông Dũng còn nói hiện tại khoa ông cũng có những bệnh nhân nghèo, cận nghèo hết hạn thẻ bảo hiểm y tế, “nhưng chúng tôi giải quyết theo tinh thần linh động nên bệnh nhân ở khoa tôi vẫn được chi trả như bình thường”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một cơ sở y tế có khoa thận nhân tạo ở Hà Nội cho biết cơ sở này có năm bệnh nhân chạy thận nhân tạo thuộc diện nghèo, cận nghèo, hiện tất cả bệnh nhân phải đóng tiền.

“Bệnh nhân chưa nộp cho chúng tôi xác nhận thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thì chúng tôi lấy đâu ra cơ sở để miễn. Chúng tôi hướng dẫn bệnh nhân kỹ lắm chứ, có người đến nói thôi bác sĩ cho em chạy một buổi/tuần, tôi bảo họ chạy thế thì đi cấp cứu ngay. Chúng tôi không ép ai phải bỏ buổi chạy thận cả” – vị đại diện này cho biết.

TP.HCM: hoàn tất việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh – trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội TP.HCM, toàn bộ đối tượng người nghèo, cận nghèo của TP.HCM được Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM lập danh sách đưa qua Bảo hiểm xã hội TP để in thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện nay toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng người nghèo (117.278 thẻ), cận nghèo (28.272 thẻ) năm 2016 được chuyển về hết các địa phương để phát cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Xê – phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP – cho biết 2016 cũng là năm TP.HCM thực hiện chuẩn nghèo mới theo quy định của Chính phủ nhưng để thuận lợi cho người dân, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP lấy tiêu chuẩn đối tượng người nghèo 2014-2015 làm chuẩn để lập danh sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân năm 2016.

L.TH.H.

LAN ANH