28/11/2024

Chây ì nợ bảo hiểm xã hội

Các doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đã lên đến hơn chục ngàn tỉ đồng.

 

Chây ì nợ bảo hiểm xã hội.

Các doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đã lên đến hơn chục ngàn tỉ đồng.




Cán bộ công đoàn hướng dẫn người lao động khởi kiện đòi BHXH, lương  /// Ảnh: H.N

 

 

Cán bộ công đoàn hướng dẫn người lao động khởi kiện đòi BHXH, lươngẢNH: H.N.

 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, tính đến tháng 11.2017, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước hơn 16.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 2.000 tỉ đồng thuộc diện khó đòi do các DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… làm ảnh hưởng quyền lợi của 193.000 người lao động (NLĐ).



Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ VN, từ năm 2015 đến nay, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.705 hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang. Trong đó, khoảng 20 LĐLĐ tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến toà án 187 vụ. Số còn lại không được thụ lý giải quyết. Trong 187 vụ do công đoàn khởi kiện, TAND các cấp đã hoà giải thành 28 vụ. Số còn lại toà án trả hồ sơ do không có giấy uỷ quyền NLĐ.



Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, chỉ riêng tại TP.HCM tính đến tháng 11.2017, số nợ BHXH của các đơn vị, DN đã hơn 1.900 tỉ đồng. Tình trạng chây ì, viện lý do khó khăn để nợ BHXH vẫn phổ biến. Ngoài các DN ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, nhiều DN dù có khả năng tài chính vẫn không chịu đóng BHXH.

Người lao động lãnh đủ
Theo BHXH TP.HCM, năm 2017 cơ quan này đã thanh tra chuyên ngành 300 đơn vị, kiểm tra 835 đơn vị. Sau khi thanh tra, kiểm tra, các đơn vị mới chịu khắc phục được hơn 121,8 tỉ đồng tiền BHXH. Ngoài ra, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng thanh tra và đề nghị truy thu 99,2 tỉ đồng, nhưng đến nay chỉ thu hồi được 63,1 tỉ đồng.
Tháng 11.2017, BHXH TP.HCM đã công bố danh sách 761 DN nợ BHXH từ 6 tháng, nợ từ 300 triệu đồng trở lên với tổng số tiền nợ gần 974 tỉ đồng. Trong đó, có DN nợ BHXH lên đến 57 tỉ đồng; rất nhiều DN nợ từ 3 – 10 tỉ đồng; nhiều DN đã từng bị BHXH khởi kiện (theo luật cũ), đã có bản án của tòa án nhưng đến nay vẫn không chịu khắc phục.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), cũng cho biết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN diễn biến khá phức tạp. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH dệt kim Fenix VN (100% vốn nước ngoài, KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức) nợ BHXH 23 tháng của 220 NLĐ với hơn 8,3 tỉ đồng. Ngày 24.11 vừa qua, công ty thông báo chấm dứt hoạt động và đề nghị chốt sổ BHXH cho NLĐ đến thời điểm còn nợ là tháng 12.2015. Số nợ còn lại sẽ thanh toán sau khi công ty làm thủ tục phá sản và thanh lý tài sản.
“Tuy nhiên, việc phá sản, thanh lý tài sản là cả một quá trình không đơn giản. Công ty này còn nợ nhiều khoản khác như lương, trợ cấp thôi việc, nợ ngân hàng… nên việc đòi BHXH không dễ dàng. Hiện Hepza cùng công đoàn cơ sở đang theo dõi, làm việc với công ty, đồng thời hướng dẫn NLĐ khởi kiện đòi BHXH, lương… để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”, ông Tuấn nói.
Sẽ chuyển đề nghị xử lý hình sự
Cũng theo ông Tuấn, đã gần 2 năm kể từ khi triển khai việc khởi kiện đòi BHXH theo luật BHXH mới (thẩm quyền khởi kiện đòi BHXH chuyển sang cho công đoàn), nhưng vẫn tiếp tục gặp bế tắc do quy định buộc phải có giấy ủy quyền của từng NLĐ cho cán bộ công đoàn.
Theo báo cáo, năm 2017, LĐLĐ Q.Thủ Đức tiếp nhận hồ sơ khởi kiện 46 DN nợ BHXH kéo dài hơn 9 tỉ đồng. LĐLĐ quận đã làm hồ sơ khởi kiện 3 DN nhưng đều bị toà án trả hồ sơ do gặp trở ngại về thủ tục. Quá trình vận động, thương lượng chỉ có 28/46 DN chịu thanh toán BHXH với số tiền 3,3 tỉ đồng. Ngoài ra, Trung tâm tư vấn pháp luật (thuộc LĐLĐ TP.HCM) đang thụ lý 26 vụ nhưng cũng đang gặp bế tắc về thủ tục.

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (thuộc LĐLĐ TP.HCM), luật BHXH và luật Tố tụng dân sự quy định NLĐ phải có ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ công đoàn thì mới được khởi kiện đòi đóng BHXH. Hơn nữa, việc ủy quyền là của từng cá nhân chứ không phải của cả tập thể NLĐ nên việc giải quyết của tòa án cũng chỉ là giải quyết cho từng cá nhân. “Như vậy, việc truy thu BHXH sẽ không hiệu quả, một DN nợ BHXH của cả ngàn NLĐ với số tiền hàng tỉ đồng, nhưng nếu chỉ có vài NLĐ ủy quyền thì cũng chỉ giải quyết cho vài cá nhân, DN cũng chỉ sẽ chi trả cho từng người với số tiền rất ít”, ông Triều nói.

Ngày 1.1.2018, bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, trong đó có điều khoản quy định về tội trốn, tránh, gian lận trong đóng BHXH sẽ bị xử lý hình sự. BHXH TP.HCM đã chuẩn bị danh sách các DN nợ BHXH kéo dài, đã bị xử phạt hành chính, nếu tái phạm sẽ chuyển sang đề nghị xử lý hình sự.

Hải Nam