Cách nào diệt tận gốc tội ‘đại nghịch’?
Con giết cha, mẹ xưa nay khép vào tội “đại nghịch” – một loại trọng tội mà khi nhắc đến là khiến người ta ghê tởm, kinh hoàng. Thế nhưng, những câu chuyện đau lòng đó vẫn cứ xảy ra. Cách nào diệt tận gốc tội ác này?
Cách nào diệt tận gốc tội ‘đại nghịch’?
Con giết cha, mẹ xưa nay khép vào tội “đại nghịch” – một loại trọng tội mà khi nhắc đến là khiến người ta ghê tởm, kinh hoàng. Thế nhưng, những câu chuyện đau lòng đó vẫn cứ xảy ra. Cách nào diệt tận gốc tội ác này?
Mẩu tin ngắn trên Tuổi Trẻ ngày 14-12 khiến người đọc đau lòng: chiều 13-12, Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với N.V.T. (30 tuổi, ngụ xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) vì hành vi đánh đập cha mình do nghi ông lấy tiền của gia đình.
“Không có một căn bản hiếu đạo được thu nhận từ nhà trường từ tấm bé đến tuổi thành niên, những giá trị đạo đức căn bản của con người – đạo làm người – khó mà sinh sôi nảy nở tốt lành cho gia đình, cho cộng đồng.”
Huỳnh Văn Mỹ
Vậy mà, người cha bất hạnh này dù phải nhập viện vì thương tật nhưng ông vẫn còn may mắn hơn trường hợp của người cha ở xã Hưng Phú (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã bị con trai là L.V.H., 35 tuổi, dùng chĩa đâm chuột đâm chết khi y đi nhậu về bị cha la mắng (Tuổi Trẻ ngày 12-12).
Tội con giết cha, mẹ vốn bị người phương Đông xưa nay khép vào tội “đại nghịch” – một loại trọng tội mà khi nhắc đến là khiến người ta ghê tởm, kinh hoàng đối với kẻ gây tội ác và dành sự thương xót sâu xa cho các nạn nhân không may mắn có con thuộc loại nghịch tử.
Cha mẹ, từ bao đời nay, luôn dành cho con cái tình yêu thương, sự hi sinh vô bờ bến. Và con cái, như là lẽ đương nhiên, tự thân ai cũng biết yêu thương và tôn kính với cha mẹ.
Dù có khi không nuôi dưỡng được cha mẹ, hay không tuân phục được tất cả những gì cha mẹ mong muốn, thì con cái cũng không được nặng lời, không được mắng mỏ và nhất là không được hành hung đến thân thể cha mẹ – đây là điều căn cốt khác nhau giữa con người và con vật.
Vậy mà, thật nao lòng khi thử gõ cụm từ “con giết cha, mẹ” trên mạng tìm kiếm, hàng loạt trường hợp sẽ hiện ra đến nhức nhối. Càng nhức nhối hơn khi thấy người phạm tội ác này “rải đều” ở mọi lứa tuổi, từ thiếu niên, thanh niên cho đến trung niên, có kẻ suýt soát tuổi ngũ tuần.
Nhiều người con gây tội ác với cha mẹ sau khi ăn nhậu, nhưng vẫn có những đứa con đại nghịch gây án khi không bia rượu.
Có nghịch tử hãm hại cha mẹ có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định nhưng cũng có người có học vấn tương đối, có công ăn việc làm, có gia thất đàng hoàng.
Có người tước đoạt mạng sống của đấng sinh thành với tất cả sự hằn học, đầy chủ tâm xuất phát từ những mâu thuẫn không đáng kể…
Con cái hành hung, thậm chí giết chết cha mẹ vì bất cứ lý do nào cũng không thể chấp nhận. Để ngăn chặn, triệt tiêu loại tội phạm này cần sự góp sức của xã hội, của nhiều ngành, nhiều giới, từ giáo dục cho đến chế tài của pháp luật.
Nhưng giải pháp tạo hiệu quả lâu dài vẫn là từ giáo dục mà nhà trường là quan trọng.
Những bài học về ơn cha nghĩa mẹ, về đạo làm con, về hiếu thảo, về giá trị sống của gia đình phải đồng hành nhẹ nhàng, êm ái trong tâm hồn học sinh không chỉ trong trang sách giáo khoa từ mầm non đến trung học, mà còn từ những việc làm thiết thực như một thực tập lương tâm, đạo đức được trao gửi từ nhà trường.
Những câu ca dao, cách ngôn: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Bốn mùa, Xuân đứng trước / Trăm nết, Hiếu làm đầu”…, những gương hiếu thảo của người xưa/người nay phải được giảng huấn từ trang sách giáo khoa.
Tất cả sẽ là nguồn cảm thụ nuôi dưỡng sức sống của đạo lý, là lá chắn ngăn trừ những sai trái có thể nảy sinh từ con cái với đấng sinh thành.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!