Trộm vào nhà, phòng vệ sao cho hợp pháp?
Mới đây, Công an Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố ông Lê Minh Phương (50 tuổi) về hành vi giết người, khi dùng kiếm chém trọng thương một thiếu niên lén vào nhà trộm cắp.
Trộm vào nhà, phòng vệ sao cho hợp pháp?
Mới đây, Công an Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố ông Lê Minh Phương (50 tuổi) về hành vi giết người, khi dùng kiếm chém trọng thương một thiếu niên lén vào nhà trộm cắp.
Vụ việc khiến nhiều người băn khoăn không biết phải bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và phòng vệ như thế nào khi có trộm đột nhập nhà?
TIN LIÊN QUAN
Chém kẻ trộm, chủ nhà bị khởi tố tội giết người
Thấy có người lẻn vào cửa hàng bán tạp hóa của gia đình, ông Lê Minh Phương dùng kiếm chém nhiều nhát khiến người này ngã gục.
Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 23.11, ông Phương nghe vợ báo có trộm vào nhà, bực tức vì trước đó thường bị mất trộm, ông lấy kiếm chém loạn xạ trong bóng tối (nơi có tiếng sột soạt) và trúng N.Đ.T (15 tuổi, kẻ đột nhập) khiến T. bị thương tật 61%.
|
Luật sư (LS) Nguyễn Trung Chính (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng khi vung kiếm chém, người thực hiện hành vi buộc phải nhận biết hành vi của mình là nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây thương tích cho người khác nên dù có nhìn thấy hay không cũng cấu thành tội phạm. “Có thể chủ nhà từng bị mất trộm nhiều lần nên bức xúc, nhưng luật pháp đã quy định hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là phạm tội. Việc bị kích động về tinh thần do lỗi của kẻ trộm chỉ có thể được xem là một tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của chủ nhà mà thôi”, LS Chính nói.
Thế nào là “phòng vệ chính đáng”?
Thạc sĩ, luật gia Phạm Đức Hoan (Hội thẩm Nhân dân TAND TP.HCM) cho rằng luật VN hiện chưa quy định cụ thể quyền của chủ nhà được phép ứng xử khi người khác xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Kẻ trộm vào nhà dù với ý định cướp hay trộm cũng đều là vi phạm pháp luật, nhưng việc chống trả của gia chủ phải ở mức cần thiết thì mới được xem là phòng vệ chính đáng. Điều 15 bộ luật Hình sự quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Còn theo ông Vũ Phi Long, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, trong trường hợp này cần xem xét tính tương quan giữa hành vi của chủ nhà với hành vi của kẻ trộm. “Nếu chủ nhà biết rõ kẻ trộm chỉ có một người, là thiếu niên, không có hung khí trong tay và cũng không có dấu hiệu uy hiếp gì đáng kể nhưng vẫn dùng hung khí tấn công gây thương tích thì hành vi của chủ nhà đã cấu thành tội phạm”, ông Long nói. Tuy nhiên, theo ông Long, không phải chỉ khi kẻ trộm có hành vi tấn công trước, gia chủ chống trả mới được xem là phòng vệ chính đáng. “Có trường hợp chủ nhà không biết rõ kẻ trộm, do đột nhập nhà bất ngờ, hoặc kẻ trộm mang theo súng, dao kiếm… trong một lúc hoảng sợ, người chủ nhà đã quơ đại hung khí đánh kẻ trộm dù kẻ trộm chưa ra tay, nhằm ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra, thì cơ quan chức năng phải xem xét thật kỹ lưỡng và vẫn có thể đưa vào diện phòng vệ chính đáng”, ông Long phân tích.
LS Bùi Quang Nghiêm (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng trường hợp này cần xem xét trong hoàn cảnh cụ thể. “Phòng vệ chính đáng là chủ nhà buộc phải chống trả, nếu không thì tính mạng, sức khỏe có thể bị đe dọa. Như vậy, nếu kẻ trộm có hành vi tấn công chủ nhà, hoặc chưa tấn công nhưng nếu chủ nhà không tấn công trước thì có thể dẫn đến tính mạng, sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình bị uy hiếp. Lúc này, hành vi tấn công của chủ nhà không thể bị xem là giết người mà phải xem là phòng vệ chính đáng”, LS Nghiêm nói, nhưng cũng nhìn nhận: “Trên thực tế, việc xác định có phải là phòng vệ chính đáng hay không không hề đơn giản mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, về điều kiện, hoàn cảnh thực hiện hành vi và kể cả ý thức chủ quan của người tiến hành tố tụng”, LS Nghiêm nói.
Bình tĩnh ứng phó
Theo một cán bộ công an TP.HCM, khi có kẻ trộm đột nhập nhà, chủ nhà cần hết sức bình tĩnh. Nếu kẻ trộm chưa phát hiện ra chủ nhà còn thức và đang theo dõi chúng, cần cố gắng giữ yên lặng và tranh thủ ghi nhớ đặc điểm nhận dạng kẻ trộm để sau đó cung cấp cho cơ quan công an. Trường hợp kẻ trộm manh động thì cũng phải bình tĩnh xử lý, có thể dùng lời nói (như thuyết phục) hoặc hành động khác để phân tán sự tập trung của kẻ trộm rồi tận dụng cơ hội để thoát khỏi sự nguy hiểm. Chỉ nên chống trả, khống chế và bắt kẻ trộm khi thấy mình đủ khả năng, nhưng cũng phải trong giới hạn cần thiết. Khi bắt, khống chế được kẻ trộm phải báo ngay cho cơ quan chức năng, tuyệt đối không được hành hung, gây thương tích cho kẻ trộm vì luật không cho phép.
“Người dân cần phải xem tính mạng con người là trên hết, tìm mọi cách để thoát thân, bảo vệ tính mạng của mình và người thân, đừng vì tiếc của mà hành động dẫn đến nguy hiểm cho chính mình, cũng như quá bức xúc mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của kẻ trộm thì chính mình lại trở thành tội phạm”, cán bộ công an nói.
Tại Canada, người dân có quyền bảo vệ tư gia của mình bằng hành động phòng vệ “hợp lý theo tình huống”. Chủ nhà có thể sử dụng vũ lực “gây chết người” để tự vệ trong trường hợp không còn biện pháp nào khác và nhận thấy kẻ xâm nhập đặt ra mối đe doạ đến tính mạng hoặc thân thể, theo trang KruseLaw. Tại Mỹ, luật pháp cũng cho chủ nhà có quyền tương tự. Trong trường hợp kẻ xâm nhập đã bị buộc tội sát nhân hoặc cố ý tấn công người khác trước đó, chủ nhà có thể dùng mọi biện pháp phòng vệ và phải chứng minh được mối đe doạ đối với bản thân. Tuy nhiên, mức độ vũ lực được dùng để chống trả kẻ xâm nhập phải cân xứng với mối đe doạ được nhận thấy, theo Hãng FindLaw. Ngoài ra, tại một số bang, luật quy định chủ nhà có nghĩa vụ phải tìm giải pháp “rút lui” để giữ an toàn trước khi dùng đến bạo lực. Trong khi đó, ở một vài bang lại cho phép chủ nhà có thể ngay lập tức tấn công kẻ xâm nhập mà không cần phải đánh giá tình hình… (Bảo Vinh)
|
Hải Nam