2 tỉ người thừa cân, béo phì
Nỗi lo béo phì giờ đây không còn là “độc quyền” của các nước phát triển. Những nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi cũng đang đối mặt khủng hoảng này.
2 tỉ người thừa cân, béo phì.
Nỗi lo béo phì giờ đây không còn là “độc quyền” của các nước phát triển. Những nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi cũng đang đối mặt khủng hoảng này.
Sau một giai đoạn báo động “đỏ”, theo trang Quartz của Mỹ, tỉ lệ người béo phì tại các nước thu nhập cao đã phần nào chững lại, nhưng tăng tốc ở các nước khác. Báo cáo dinh dưỡng toàn cầu 2017 cho biết thế giới hiện có khoảng 2 tỉ người hoặc thừa cân hoặc béo phì (trong khi tính đến tháng 10-2017, dân số thế giới khoảng 7,6 tỉ người).
Lối sống đô thị: nhanh, tiện và hại
Theo Viện Nghiên cứu dinh dưỡng quốc gia Ấn Độ, hơn 1/4 nam giới và gần 1/2 phụ nữ sống tại đô thị bị thừa cân. Phần lớn quá trình đô thị hóa trong tương lai dự kiến diễn ra tại các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á và châu Phi.
Khi người dân nông thôn di chuyển vào thành phố, việc tiếp cận các loại thực phẩm ăn liền tiện lợi và giá rẻ sẽ khiến họ bị cuốn vào các chế độ ăn uống kém lành mạnh.
Về ăn uống, cư dân đô thị có cơ hội thoải mái lựa chọn về ẩm thực, từ thực phẩm chế biến sẵn trong siêu thị tới thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, các chuỗi thức ăn nhanh đa quốc gia cũng ngày càng mở rộng quy mô hoạt động tại những nước đang phát triển.
Thực tế này đã làm biến chuyển thói quen ăn uống của người dân sở tại, khiến phần lớn xa rời các loại thực phẩm truyền thống lành mạnh để chuyển sang dùng đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ và các loại đồ uống nhiều đường.
Góp thêm nguy cơ cho sức khoẻ từ chế độ ăn uống thiếu lành mạnh đó là lối sống ít vận động của người đô thị. Điều tra dinh dưỡng mới đây nhất ở Ấn Độ nhận thấy đàn ông và phụ nữ tại đô thị nước này làm việc trung bình 8 tiếng mỗi ngày và hầu hết làm công việc văn phòng, thường ngồi một chỗ. Chỉ 1/4 số người trong đó có tập thể dục.
Chưa kể thời gian rảnh rỗi của cư dân đô thị cũng được “tiêu dùng” đơn điệu và thụ động như xem tivi, xem phim, chơi game tại nhà khi chi phí cho những công nghệ giải trí kiểu này ngày càng rẻ hơn, trong khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình.
Hệ quả báo động của lối sống đó là nguy cơ các quốc gia đang phát triển sẽ rơi vào cảnh huống “chưa giàu đã bệnh”. Thứ nữa, khi bệnh tật lan tràn sẽ kéo theo một hệ quả tất yếu là làm tê liệt hệ thống y tế.
Theo các kết quả khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 khoảng 1/2 trẻ em thừa cân trên toàn thế giới đang sống tại châu Á, 1/4 trẻ sống tại châu Phi.
Cần nhiều giải pháp
Một số chính phủ đã thử nghiệm những giải pháp can thiệp trực tiếp nhằm kiểm soát béo phì, như đánh thuế cao với các loại thực phẩm và đồ uống không lành mạnh. Mỹ từng tiên phong trong việc đánh thuế với nước ngọt soda. Sau đó, Thái Lan, Brunei và Singapore đã áp dụng biện pháp tương tự. Mới đây, Nam Phi tuyên bố sẽ áp dụng luật đánh thuế nặng hơn với đường kể từ tháng 4-2018.
Việc sử dụng công cụ quản lý trong cuộc chiến chống thừa cân, béo phì không chỉ dừng ở việc đánh thuế. Tại Anh, chính quyền còn đặt ra những nguyên tắc trong quảng cáo, cấm tiếp thị các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo, muối và đường cao với trẻ em dưới 16 tuổi.
Thành phố Berkeley ở California (Mỹ) nhận ra nếu chỉ dùng công cụ thuế không thôi thì chưa đủ để giải quyết vấn đề. Số tiền thu được từ đánh thuế đường đã được dùng để hỗ trợ chi phí thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và dinh dưỡng cho trẻ em. Từ đó có thể thấy tầm quan trọng không nhỏ của công tác giáo dục và nâng cao nhận thức với người dân.
Ngoài ra, cũng còn những sáng kiến khác có tầm tác động ở quy mô lớn hơn, liên quan tới quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị có khả năng tác động mạnh mẽ tới việc thay đổi, định hình lại lối sống cũng như sức khoẻ của cư dân.
Việc tăng thêm sức hấp dẫn cho các không gian công cộng, tạo ra nhiều hơn các khu vực để người dân có thể đi bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng dành cho xe đạp được xem là những giải pháp cơ bản, thiết thực để có thể “lôi kéo” người dân ra khỏi xe hơi và các căn phòng máy lạnh.
Cuối cùng, một nếp sinh hoạt lành mạnh hơn sẽ bắt đầu từ những kệ rau trong siêu thị. Chính quyền nên tạo cơ chế khuyến khích sự kết nối chặt chẽ hơn giữa hệ thống sản xuất nông nghiệp, các cửa hàng rau ở đô thị và những người bán lẻ thực phẩm.
Những sáng kiến này rõ ràng sẽ giúp người dân đô thị hiểu rõ hơn nguồn gốc thực phẩm, từ đó tăng cường nhận thức của họ về mối quan hệ giữa thực phẩm tự nhiên và lối sống lành mạnh.
10 tỉ USD
Theo thống kê của Economist Intelligence Unit thuộc Tập đoàn Economist (Anh), chi phí điều trị bệnh tật liên quan tới béo phì hằng năm tại khu vực Đông Nam Á như tiểu đường và tim mạch vào khoảng 10 tỉ USD, trong đó đứng đầu là Indonesia (2-4 tỉ USD), Malaysia (1-2 tỉ USD).