‘Xúc phạm, sỉ nhục’ là gì? Cần có định nghĩa đúng!
Từ câu chuyện một bác sĩ bị xử phạt 5 triệu đồng “vì có phát ngôn xúc phạm, sỉ nhục” nên công khai thế nào là “xúc phạm”, “sỉ nhục”.
‘Xúc phạm, sỉ nhục’ là gì? Cần có định nghĩa đúng!
Từ câu chuyện một bác sĩ bị xử phạt 5 triệu đồng “vì có phát ngôn xúc phạm, sỉ nhục” nên công khai thế nào là “xúc phạm”, “sỉ nhục”.
Nhằm góp thêm góc nhìn về câu chuyện này, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật tại Pháp).
“Đầu năm 2017, là nghiên cứu sinh luật ở Pháp, tôi tham gia một chương trình nghiên cứu đa chuyên ngành về “phát ngôn thù ghét” trên mạng xã hội Việt Nam, do Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS – thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Phổ biến “phát ngôn thù ghét”
“Điều cần nhất bây giờ là các cơ quan có thẩm quyền nên nhanh chóng công khai một định nghĩa rõ ràng, hợp lý thế nào là “xúc phạm”, “sỉ nhục” người khác trên mạng, theo đúng tinh thần của luật Việt Nam. Việc này không chỉ hạn chế các phát ngôn thù ghét trên mạng, mà còn để tránh xảy ra các trường hợp tuỳ tiện hiểu và áp dụng sai luật”.
Lê Thị Thiên Hương
Trong phạm vi của chương trình này, chúng tôi nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của phát ngôn thù ghét – các phát ngôn xúc phạm, sỉ nhục, kỳ thị người khác trên môi trường mạng. Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Hải Chung cho thấy ở Việt Nam, phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội – chủ yếu trên Facebook – là hành vi khá phổ biến.
Cụ thể, có tới 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Trong đó, hơn 46% các trường hợp là vu khống, bịa đặt thông tin; 37% là kỳ thị dân tộc và hơn 29% là kỳ thị giới tính.
Với tư cách nhà nghiên cứu luật cho chương trình, tôi đưa ra kết luận rằng luật Việt Nam chưa hiệu quả trong việc hạn chế “phát ngôn thù ghét” trên mạng. Một mặt, luật chưa hoàn chỉnh trong vấn đề này.
Các quy định hiện hành mới chỉ cấm các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, vu khống, nhưng các hành vi kỳ thị chỉ bị xử phạt nếu như nó được thực hiện nhằm mục đích “chống chính quyền nhân dân”. Mặt khác, khảo sát cho hay các nạn nhân của phát ngôn thù ghét rất hiếm khi cầu cứu các cơ quan chức năng.
Tuy không thống kê được (do các toà án Việt Nam không công bố rộng rãi các bản án), nhưng số lượng các vụ bị xử phạt hằng năm mà truyền thông đăng tải chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng khác nào muối bỏ bể.
Chê năng lực chứ không xúc phạm
Khi biết thông tin bác sĩ Hoàng Công Truyện, phó khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế), bị xử phạt “vì có phát ngôn xúc phạm, sỉ nhục” bộ trưởng Bộ Y tế, tôi nghĩ đây là tín hiệu tích cực cho luật Việt Nam.
Bởi có sự điều chỉnh bởi yếu tố pháp lý, ở đây là phạt tiền và kỷ luật, thì dần dần ứng xử trên Facebook sẽ đi vào chuẩn mực hơn. Nhưng có lẽ tôi đã mừng sớm.
Hóa ra bác sĩ Truyện không hề xúc phạm ai, mà chỉ chê năng lực của bộ trưởng và đề nghị bộ trưởng nên từ chức. Đối với một người sống hơn 10 năm ở châu Âu, nơi người dân hay các chính trị gia chê bai nhau, đòi người nọ người kia từ chức diễn ra hằng ngày, tôi thấy chuyện không có gì nghiêm trọng, và nằm ngoài khuôn khổ của khái niệm “phát ngôn thù ghét” mà tôi đang nghiên cứu.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ là bác sĩ Truyện bị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh xử phạt 5 triệu đồng, vì phê bình bộ trưởng như vậy bị coi là bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y. Không chỉ thế, bác sĩ cũng bị Trung tâm Y tế huyện Phong Điền xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.
Đúng là pháp luật Việt Nam có quy định xử phạt hành vi làm nhục, vu khống người khác nói chung, và nghị định 72/2013/NĐCP cấm mọi hành vi “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” trên môi trường mạng nói riêng.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ pháp lý, việc Sở Thông tin và truyền thông kết luận bác sĩ Truyện đã vi phạm là hoàn toàn không thuyết phục. Bác sĩ Truyện bày tỏ quan điểm của mình khá rõ ràng (bộ trưởng “nên từ chức”), và theo bác sĩ là vì các lý do cụ thể (“để các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay”).
Câu chữ của bác sĩ không hề dùng các từ ngữ mang tính xúc phạm, cũng như không hề đưa tin xuyên tạc hay vu khống gì bộ trưởng.
Thiếu sót của hệ thống luật
Nhìn sâu xa hơn, mấu chốt của vấn đề ở đây là sự thiếu sót của hệ thống luật Việt Nam. Hiện nay, trong luật hiện hành của Việt Nam không hề có điều khoản nào định nghĩa rõ ràng thế nào là hành vi “xúc phạm danh dự và nhân phẩm cá nhân”, nên Sở Thông tin và truyền thông tỉnh mới tự đưa ra cách định nghĩa của sở, một định nghĩa vô cùng cứng nhắc, không hợp lý, nếu không nói là vượt quá xa tinh thần của pháp luật.
Và trên định nghĩa tự tạo ấy, sở đã phạt bác sĩ Truyện (hiện nay, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thống nhất rút quyết định xử phạt và sẽ xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện).
Rõ ràng là giờ đây Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới, đang phải đối mặt với vấn đề quản lý thông tin trên mạng. Hạn chế tin giả, hạn chế phát ngôn thù ghét là điều nên làm, nhưng tuyệt đối không nên xử phạt mà chưa đầy đủ căn cứ với những ý kiến phê bình như của bác sĩ Truyện nói trên.
“Người của công chúng” phải hứng chịu phê bình
Ở nhiều nước phát triển, luật quy định rất rõ hành vi “xúc phạm danh dự nhân phẩm”. Ví dụ như ở Pháp, hành vi xúc phạm bị luật xử phạt là việc sử dụng các từ ngữ mang tính nhục mạ, tục tĩu hạ thấp người khác mà không hề gắn với bất cứ sự việc liên quan nào cả.
Thậm chí, nhiều nước quy định rằng các chính trị gia hay người nổi tiếng được coi là “người của công chúng”, vì thế họ sẽ phải hứng chịu các lời phê bình, chê bai thường xuyên hơn người thường, và tòa chỉ xử phạt những lời lẽ vu khống hay thực sự sỉ nhục rất nặng nề mà thôi.