Chữ ‘hiếu’ đọc thì dễ nhưng để những người trẻ hiểu và thực hiện sao cho tốt thì lại không đơn giản chút nào.
Khi người trẻ nghĩ về chữ hiếu.
Chữ ‘hiếu’ đọc thì dễ nhưng để những người trẻ hiểu và thực hiện sao cho tốt thì lại không đơn giản chút nào.
Một nhóm học sinh ở Hà Nội đã lập ra HANDs Project với mục đích đánh thức lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà.
Sống chậm để cảm nhận tình cảm gia đình
Cuộc sống xô bồ và vội vã, cuốn con người vào guồng quay tấp nập, để rồi dường như dần lãng quên đi những điều bình dị nhỏ bé bên mình. Đã bao giờ bạn sống chậm lại, để nhận ra ông bà, bố mẹ mình ngày một già yếu, để cảm nhận được tình cảm bà – cháu, ông – cháu lớn lao biết nhường nào? Với mong muốn giúp người trẻ hiện đại sống bớt đi những gấp gáp, chú trọng vào chữ “hiếu”, vào tình cảm gia đình, đặc biệt là tình yêu thương với người cao tuổi, HANDs Project ra đời với mục tiêu đó.
Dự án được thành lập tháng 5.2017, hiện có 90 thành viên. Thời gian đầu, để có kinh phí hoạt động, ngoài giờ học các thành viên dự án cùng nhau làm các loại nước giải khát bán tại những địa điểm công cộng. Số tiền thu được dùng để gây quỹ, mua quà tặng cho người già ở các trung tâm bảo trợ xã hội tại Hà Nội. Chỉ sau một thời gian ngắn, không chỉ “rủng rỉnh” hơn về kinh phí, dự án còn tạo được uy tín, nhận được nhiều tài trợ của một số đơn vị.
Mục đích của dự án là “Đem niềm vui cho tuổi già”, vậy mà khi tổ chức các hoạt động cho người cao tuổi, các thành viên đều có cảm giác chính ông bà đang an ủi, vỗ về và yêu thương mình. “Mỗi lần tiếp xúc với các ông, các bà ở viện dưỡng lão, có cảm giác chúng mình vẫn là đứa trẻ được bao bọc và yêu thương. Mình nghĩ đây chính là điểm thu hút nhất khi mọi người tham gia hoạt động xã hội, trao đi yêu thương và nhận lại hơi ấm”, Hương tỏ bày.
Vào hai ngày cuối tuần, gác lại sách vở và những cuộc vui chơi, các thành viên thường đến viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Hà Nội. Bắt đầu bằng buổi đầu bỡ ngỡ, ngại ngùng không biết nên làm thế nào để gần gũi và nói chuyện với người già, dần dần các bạn trẻ trở nên thân thiết hơn, biết thấu hiểu và lắng nghe, còn các ông bà trong viện dưỡng lão thì cũng dần cởi mở hơn khi chia sẻ với nhóm bạn trẻ câu chuyện về cuộc đời mình và cả những tâm tư, tình cảm.
Vũ Mai Hương (lớp 12A2 toán, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội), người sáng lập dự án, chia sẻ: “Em vẫn nhớ lần đầu tiên nói chuyện với ông bà ở viện dưỡng lão, có một cụ bà đã nắm chặt tay em như thể nếu bà không làm thế thì mình sẽ biến mất ngay vậy.
Cái siết chặt tay ấy của bà là khoảnh khắc xúc động em không bao giờ quên được”.
“Các ông, các bà tuy đã già, nhiều người mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng những tình cảm mà ông bà dành cho dự án thật đáng quý biết bao. Có lần, khi trở lại Viện Dưỡng lão Diên Hồng (khu đô thị Đô Nghĩa, Hà Nội) để tổ chức hoạt động, thấy một bà cụ đang ngồi trước hiên nhà, mình lại gần hỏi: “Bà ơi bà đang làm gì đấy” thì nhận được câu trả lời bất ngờ: “Bà đang ngóng các con đến đây”. Sự trông ngóng của các ông bà dành cho dự án cho thấy những hoạt động chúng mình tổ chức đã “chạm” được vào tình cảm của người già”, Hương nói.
“Những bàn tay” làm nên tất cả
Từ ngày 1.8 – 12.9, dự án đã tổ chức cuộc thi ảnh về người cao tuổi mang tên “Trạm – Dừng để chạm”. Tác phẩm dự thi là những bức ảnh xoay quanh đề tài “Người cao tuổi”, ghi lại những khoảnh khắc, câu chuyện, ký ức vui buồn của chính ông bà cha mẹ người dự thi hoặc người cao tuổi xung quanh.
48 bức ảnh gửi về tham dự cuộc thi là 48 câu chuyện. Có bạn kể về mảnh ký ức, miền tuổi thơ gắn với ông bà, có bạn bày tỏ sự thương cảm với người già neo đơn, lại có người thông qua bức ảnh nói lên sự cảm phục của bản thân đối với những người tuổi đã già nhưng vẫn miệt mài lao động…
Đoàn Thiên Tâm (học sinh lớp 12A5 Trường THPT Phước Hòa, H.Phú Giáo, Bình Dương) có cha mẹ là công nhân cạo mủ cao su đã lớn tuổi.
Giải nhất cuộc thi đã được trao cho một bạn trẻ có bức ảnh xúc động về tình yêu của ông bà mình – những người đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng tình cảm họ dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thời son trẻ. Thành công nhất của cuộc thi ảnh này chính là đã tạo ra một sân chơi để xoá nhoà đi khoảng cách về thế hệ, để người trẻ trực tiếp thể hiện tình yêu thương của mình với người già, đó cũng là một cách để nói về chữ “hiếu”.
Gần đây nhất, nhóm đã tạo ra điều kỳ diệu khi tổ chức thành công “Lễ hội đèn lồng handmade” vào ngày 16.9. Gần 1.000 chiếc đèn lồng đầy màu sắc, đủ mọi hình thù được làm từ vỏ chai, vỏ lon đã được trưng bày tại một trung tâm thương mại, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Để có được những chiếc đèn lồng rực rỡ đó, các thành viên đã phải mất mấy tháng chuẩn bị, từng nét vẽ trên mỗi chiếc đèn lồng chứa đựng biết bao mồ hôi công sức và tình yêu mà thành viên dự án gửi gắm. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đèn lồng sẽ được ủng hộ cho trẻ em mồ côi và người già neo đơn.