28/11/2024

Nhớ Sài Gòn mùa Vu lan

Khi đã rời xa Sài Gòn, tôi thường nhớ về nơi ấy bằng tâm thức của một người gắn bó với Sài Gòn như là quê hương thứ hai của mình.

 

Nhớ Sài Gòn mùa Vu lan

 

Khi đã rời xa Sài Gòn, tôi thường nhớ về nơi ấy bằng tâm thức của một người gắn bó với Sài Gòn như là quê hương thứ hai của mình.

 

Nhớ Sài Gòn mùa Vu lan - Ảnh 1.

Những em nhỏ được cha mẹ đưa đi chùa trong mùa Vu lan để nhớ về nguồn cội – Ảnh: DUYÊN PHAN

Và trong vô vàn nỗi nhớ của một người tha hương, đằm sâu trong tôi là nỗi nhớ về những mùa Vu lan – bông hoa đẹp mà đạo Phật đã tô điểm cho mảnh đất Sài thành.

Lần đầu tiên tôi biết đến lễ Vu lan là một ngày rằm tháng bảy cách đây hơn 20 năm. 

Tôi được một người bạn dẫn đến chùa Bát Nhã (Q.Bình Thạnh) dự một buổi lễ được tổ chức trang nghiêm và xúc động với chương trình “Bông hồng cài áo” – một chương trình thật mới mẻ và ấn tượng đối với tôi. 

Lúc đó, tôi vui sướng khi được các em trong gia đình phật tử của chùa cài lên ngực áo mình bông hồng đỏ thắm.

Cũng giây phút đó, tôi ý thức được sự hiện hữu vô cùng ý nghĩa của đấng sinh thành và tôi đã bật khóc nức nở khi nhớ về ba má tôi đang một nắng hai sương, lam lũ nơi quê nhà. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy nhiều người cũng khóc. 

Có người khóc vì hạnh phúc khi còn cha mẹ, có người khóc vì nhớ thương người thân đã khuất, có người khóc vì những ân hận muộn màng…

Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận thấy một nghi thức, một chương trình được tổ chức trong chùa có sự ảnh hưởng lớn đến tình cảm và nhận thức của con người như vậy. Từ đó, mỗi năm vào mùa Vu lan, dù bận công việc gì tôi cũng sắp xếp thời gian đến chùa dự lễ Vu lan – báo hiếu. 

Tôi cũng đưa các con đến chùa dự lễ để cùng các con được nhận những bông hồng đỏ thắm, để cảm nhận được hạnh phúc lớn lao khi cha mẹ vẫn còn và để gieo vào tâm các con hạt giống của sự biết ơn.

ớng tâm về cha mẹ

Trong thời buổi mà nhiều giá trị bị đảo lộn, chữ hiếu cũng có nhiều thay đổi và có nguy cơ bị mai một như hiện nay, lễ Vu lan – báo hiếu và chương trình “Bông hồng cài áo” của Phật giáo trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Đó là phương thức hữu hiệu đánh thức tình yêu thương, lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm của con người, đặc biệt là giới trẻ, đối với cha mẹ mình. Đó là dịp để nhắc nhở họ dừng lại bên dòng đời cuộn chảy với bao cám dỗ, bao lo toan của cuộc sống thường nhật để hướng tâm về cha mẹ.

Vu lan năm nay, tôi đang ở một nơi rất xa, cách Sài Gòn một khoảng không gian được đo bằng chiều dài của nỗi nhớ. Tôi nhớ ba má tôi, nhớ những mùa Vu lan ấm áp ở Sài Gòn, nhớ cả những mùa Vu lan đẫm nước mắt trước Phật đài khi nghĩ về những phiền muộn tuổi già mà tôi đã vô tình gây ra cho ba má.

Trong đó, tôi nhớ nhất là mùa Vu lan cách đây hơn 10 năm, khi má vào Sài Gòn thăm chị em tôi, chúng tôi đã đưa má đến chùa dự lễ để mẹ con cùng được cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm. Lúc đó, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc trên gương mặt già nua của má.

Đó là lần đầu tiên sau gần 70 năm hiện hữu trên cuộc đời này, má được cài một bông hồng đỏ để ý thức được rằng mình đang còn mẹ, mình đang hạnh phúc, dù “Mẹ bây giờ như lá úa đầu non / Xua cơn gió để xa ngày rơi rụng…”. Má đã khóc trong niềm xúc động.

Tôi thấy thương vô cùng nỗi niềm ấy của má. Nhưng không ngờ, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng má được cài trên áo mình bông hồng màu đỏ…Đón Vu lan năm nay trong cái man mác buồn của mùa thu nơi đất khách, những người con đang sống xa quê như tôi chỉ biết hướng tâm về cha mẹ và gửi đến người mình yêu thương nhất những năng lượng lành.

Và trong nỗi nhớ về những mùa Vu lan ấm áp ở Sài Gòn, tôi cũng sẽ lặng lẽ cài trên áo mình một bông hồng màu đỏ.

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện trong mùa Vu lan này để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn! 

TRẦN MAI NHÂN (từ Hàn Quốc)