06/11/2024

Dằng dặc thân phận bị can

Có những người bị “treo” thân phận bị can nhiều năm mà chưa biết hồi kết sẽ ra sao.

 

Dằng dặc thân phận bị can

Có những người bị “treo” thân phận bị can nhiều năm mà chưa biết hồi kết sẽ ra sao.

 

 

 

Dằng dặc thân phận bị can
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh – Ảnh: G.M.

* Bà Nguyễn Thị Hoài Anh:

“Tôi vốn là chủ doanh nghiệp, nhưng nhiều năm qua lại mang thân phận bị can nên tán gia bại sản, gia đình ly tán.

Việc làm cũng không tìm được vì không ai dám nhận một “bị can”.

Dù có tội hay không cũng phải có kết luận, chứ không thể “treo” số phận của tôi như vậy”.

1. Bà Nguyễn Thị Hoài Anh (51 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) – nguyên giám đốc Công ty TNHH SXTM DV C&A Tiền Giang (gọi tắt là C&A) – bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố, bắt tạm giam ngày 10-12-2009 về hành vi trốn thuế.

Tới tháng 5-2010, vụ án được chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Mỹ Tho thụ lý. Ngày 1-3-2010, vụ án được tạm đình chỉ, bà Hoài Anh cũng được tạm đình chỉ điều tra bị can. Lý do: “Hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định lại của Tổng cục Thuế”.

Ngày 4-11-2010 – sau 10 tháng 24 ngày bị tạm giam, bị can Hoài Anh được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Từ đó tới nay, bà Hoài Anh vẫn mang thân phận bị can. Bà Hoài Anh gửi đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng tất cả rơi vào im lặng.

 

Theo kết luận điều tra, tổng cộng bị can Hoài Anh trốn thuế hơn 711 triệu đồng. Ngày 
10-11-2010, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Mỹ Tho lại có kết luận bổ sung, số tiền trốn thuế chỉ còn 183 triệu đồng.

Trả lời về vụ án của bà Hoài Anh, một lãnh đạo Công an TP Mỹ Tho cho biết theo hồ sơ vụ việc, Cục Thuế Tiền Giang là bị hại trong vụ án này nhưng cũng là cơ quan giám định.

Tòa cho rằng như vậy là vi phạm Luật tố tụng và trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. “Vấn đề khúc mắc hiện nay là đơn vị nào sẽ có tư cách pháp nhân giám định vụ việc.

Chúng tôi đã có văn bản gửi lãnh đạo cấp trên xin ý kiến nhưng chưa nhận được văn bản trả lời chính thức” – vị này nói.

Dằng dặc thân phận bị can
Ông Vũ Văn Đảo – Ảnh: G.MINH

* Ông Vũ Văn Đảo:

“Tôi là tổng giám đốc một doanh nghiệp công nghệ, thường xuyên phải ra nước ngoài làm việc với đối tác nhưng tôi lại mang thân phận bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nếu họ có căn cứ, có cơ sở thì cứ xét xử trong một phiên tòa công khai, không thể để tôi mãi là bị can như bây giờ”.

2. Trong vụ án chìm canô làm chết 9 người tại Cần Giờ ngày 2-8-2013, cơ quan điều tra, viện kiểm sát cho rằng hai bị can Vũ Văn Đảo (giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Séc – đơn vị sản xuất canô) và Đinh Văn Quyết (giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) phải chịu trách nhiệm hình sự về vụ chìm tàu.

Cơ quan chức năng khẳng định Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết có hành vi: “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Điểm quan trọng của vụ án được viện dẫn nhiều lần là Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối đăng kiểm chiếc canô bị chìm. Nhưng sau đó phòng đăng kiểm Bộ tư lệnh Hải quân kiểm định đạt yêu cầu, cho phép lưu thông.

Vụ án được kết luận điều tra, truy tố hai lần nhưng cả hai lần đều bị TAND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Lần 1, TAND TP.HCM khẳng định không có cơ sở chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy “không đảm bảo an toàn” như cáo trạng viện dẫn.

Lần 2, cơ quan điều tra, viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm. TAND TP.HCM lại trả hồ sơ yêu cầu làm rõ các nội dung: dựa vào tiêu chí nào nếu không công nhận kết quả của phòng đăng kiểm Bộ tư lệnh Hải quân để kết luận sử dụng canô sai mục đích, chở quá số người quy định?

Sau khi bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần hai, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, bị can để chờ kết quả trưng cầu giám định.

Bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết được thay đổi biện pháp ngăn chặn thành cấm đi khỏi nơi cư trú. Từ đó tới nay, cả hai bị can này miệt mài kêu cứu khắp nơi để được làm rõ thân phận có tội hay vô tội của mình.

Dằng dặc thân phận bị can
Ông Nguyễn Văn Chính – Ảnh: S.LÂM

* Ông Nguyễn Văn Chính:

“Hơn 40 năm qua, tôi không có một giấc ngủ ngon. Tôi chỉ mong mình còn sống tới lúc được tham dự phiên toà giải oan cho đời mình”.

3. Dù không còn là thân phận bị can, nhưng ông Nguyễn Văn Chính (74 tuổi, huyện Bến Lức, Long An) 40 năm qua vẫn bị “treo” trên đầu một bản án mà ông luôn cho rằng mình bị oan sai.

Theo lời ông Chính, ngày 20-7-1976, lúc đó ông đang là phó Phòng thương nghiệp – vật tư huyện Bến Lức (Ty Thương nghiệp Long An) thì bị bắt giải về giam lỏng ở văn phòng UBND huyện.

Cùng bị dẫn giải với ông Chính còn có cả kế toán trưởng cơ quan là ông Nguyễn Tấn Điểm.

“Họ không cho tụi tui đem theo giấy tờ, sổ sách gì cả, chỉ ra lệnh cho chúng tôi trong vòng ba ngày phải lập lại bảng kết toán việc phân phối trong vòng sáu tháng đầu năm 1976” – ông Chính cho biết.

Hơn ba ngày sau (24-7-1976), ông Chính bị khai trừ Đảng và bị bắt giam vì tội tham ô. Đến ngày 26-10-1978, ông Chính mới được đưa ra xét xử và bị phạt 3 năm tù giam về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”.

Theo bản án, ông Chính có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lấy hàng hóa của Nhà nước tiêu xài cho cá nhân, lấy tiền công quỹ kinh doanh thu lợi riêng và thiếu nợ cơ quan nhà nước, tổng số tiền sai phạm là 15.955 đồng 96 xu (tiền cũ).

Mãn hạn tù, ông Chính luôn đau đáu tìm bằng chứng cho những “lỗi lầm” của mình. Thời gian sau, tòa có văn bản thể hiện số tiền 9.637 đồng 05 xu mà ông Chính bị cho là tham ô đang nằm ở Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Long An.

Nguyên do là kế toán trưởng và một nhân viên dưới quyền ông Chính… chuyển nhầm. Đối với các khoản còn lại, ông Nguyễn Tấn Điểm khẳng định hiện ông còn giữ đầy đủ các chứng từ thể hiện chi tiêu hợp lệ, đúng mục đích.

Cho rằng mình bị oan, ông Chính gõ cửa khắp nơi. Tháng 7-2003, TAND tối cao gửi giấy báo yêu cầu ông Chính cung cấp chứng cứ và hướng dẫn sang Viện KSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

Điều đáng nói, từ lúc bị tuyên án đến thời điểm này ông Chính vẫn chưa từng được thấy bản án của mình. Phải sau rất nhiều phen lên xuống xin xỏ, tháng 12-2014 ông Chính mới cầm được bản sao bản án do TAND tỉnh Long An trích lục.

Đủ hồ sơ, nhưng con đường giải oan của ông Chính vẫn cứ xuôi ngược và dài ra mãi. Hồ sơ bị chuyển hết cơ quan này sang cơ quan nọ.

Mãi đến ngày 13-6, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM mới có giấy cho biết đã nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị tái thẩm của ông Chính.

GIA MINH – SƠN LÂM