28/11/2024

Ra giá ‘giải cứu’ người từ cơ sở xã hội

Sau khi lập hồ sơ chuyển người vào cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM), một nhóm công an thuộc xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) nhiều lần liên hệ với người nhà gợi ý chung chi để “giải cứu”.

 

Ra giá ‘giải cứu’ người từ cơ sở xã hội

 Sau khi lập hồ sơ chuyển người vào cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM), một nhóm công an thuộc xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) nhiều lần liên hệ với người nhà gợi ý chung chi để “giải cứu”.

 

 

 

Ra giá 'giải cứu' người từ cơ sở xã hội
Ông Tạ An Hữu (Công an xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP.HCM) gợi ý gia đình bà Y. chi 60 triệu đồng để “giải cứu” người nhà khỏi cơ sở xã hội Nhị Xuân – Ảnh cắt từ clip H.L. – Đ.P.

Bà N.T.N.Y. (57 tuổi, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Q.Bình Tân, nay chuyển qua tạm trú tại xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) cho biết tối 11-7, anh T.T.Đ. (37 tuổi, con của bà) đi nhậu với bạn tại xã Vĩnh Lộc B.

Đến khoảng 22h30, gia đình bà nhận được điện thoại từ một công an khu vực nơi bà từng đăng ký tạm trú thông báo: “Con cô chú bị Công an xã Vĩnh Lộc B bắt vì tụ tập chơi ma tuý đá”.

Muốn “giải cứu” phải chi 60 triệu đồng

Khoảng 8h ngày 12-7, bà Y. mang theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) hớt hải chạy lên trụ sở Công an xã Vĩnh Lộc B hỏi thủ tục xin bảo lãnh cho con về. Tại đây, một công an viên nói với bà Y: “Không cần xuất trình giấy tờ, để công an tự đi xác minh”.

Sau đó, bà Y. xin mang cơm vào thăm con. “Lúc lên phía trên lầu tôi thấy chỉ mình con tôi bị nhốt, những người nhậu cùng đêm trước đều được gia đình bảo lãnh về hết. Tôi hỏi mấy anh công an tại sao tôi mang đủ các loại giấy tờ tùy thân của con nhưng xin bảo lãnh không được thì họ trả lời phải chờ đi xác minh”.

Chiều tối 12-7, bà Y. tiếp tục mua cơm đưa đến cho con ăn thì được thông báo công an xã đã lập hồ sơ đưa anh Đ. vào cơ sở xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn) cai nghiện.

Lúc này ông Tạ An Hữu (25 tuổi, quê huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đang công tác tại tổ hình sự Công an xã Vĩnh Lộc B) có mặt tại trụ sở nói: “Ở đây làm hồ sơ rồi, cô không lãnh về được đâu”.

Rồi ông này khoát tay nói bà Y. đi xuống phía dưới tầng trệt trao đổi số điện thoại và hứa: “Cháu sẽ lo cho cô”.

Tối cùng ngày, ông Hữu gọi cho bà Y. đặt vấn đề: “Cô có muốn lo cho nó ra không”. Bà Y. hỏi lại lo như thế nào thì ông này giải thích: “Nếu muốn lo cho nó ra thì tôi sẽ nhờ mấy anh em nhưng phải tốn chi phí”.

Bà Y. hỏi chi phí lo lót hết bao nhiêu, ông này khẳng định chắc nịch: “Khoảng 6 chục (60 triệu đồng), gia đình đưa trước cho cháu 30 triệu đồng để lo, xong việc đưa nốt 30 triệu đồng”.

Ra giá 'giải cứu' người từ cơ sở xã hội
Ông Tạ An Hữu gợi ý gia đình bà Y. chi 60 triệu đồng để “giải cứu” người nhà khỏi cơ sở xã hội Nhị Xuân. Sau khi gặp gỡ gia đình bà Y., ông Hữu vào lại trụ sở Công an xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) tiếp tục làm việc – Ảnh cắt từ clip HL – Đ.P.

“Chỉ ăn được 
2-3 triệu đồng”!?

Sáng 25-7, gia đình bà Y. hẹn gặp ông Tạ An Hữu tại một quán cà phê trên đường Lại Hùng Cường (thuộc ấp 6A, xã Vĩnh Lộc B), cách trụ sở công an xã khoảng 200m. Vừa gặp, ông Hữu nói ngay: “Thằng này chơi ma túy lâu rồi chứ không phải mới, cho nó vào vài tháng để tịnh tâm, tu dưỡng”.

Thấy gia đình bà Y. lo lắng cho sức khoẻ của con, ông này nói như dọa: “Ở trong đó ngặt nỗi nhốt chung với xì ke, sida, HIV… nhiều lắm”.

Ông này lý giải quy trình xử lý đối với con bà Y. là sau khi được chuyển vào cơ sở cai nghiện khoảng 2 tháng sẽ được đưa ra tòa xét xử. Tòa sẽ có giấy triệu tập cha mẹ lên theo dõi, xử thêm 22 tháng nữa, tổng cộng 24 tháng.

“Ở Nhị Xuân chỉ cắt cơn giải độc thôi, sau đó chuyển qua một nơi khác. Trong thời gian ở lại Nhị Xuân nếu xác nhận được tình trạng cư trú rõ ràng họ sẽ hủy quyết định và cho về”.

Bà Y. hỏi trong trường hợp gia đình không lo đủ tiền để “giải cứu”, liệu con bà có được ở lại Nhị Xuân không? Ông Hữu khẳng định: “Không, phải đưa đi sao ở lại được. Một ngày dồn vô biết bao nhiêu người ở lại sao đủ chỗ”.

Ông này giải thích thêm: “Trường hợp của con cô không phải cai nghiện tự nguyện mà bị công an bắt có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện. Bây giờ muốn đưa ra phải có chủ tịch và phó trưởng công an xã ký hủy quyết định”.

Ông Tạ An Hữu viện lý do nếu hồ sơ còn ở công an xã thì làm rất nhanh. Tuy nhiên, nay lên tới phòng LĐ-TB&XH huyện nên phải làm từng bước rất lâu.

“Gia đình về chuẩn bị một cái đơn yêu cầu xác minh, photo hộ khẩu, kèm theo 2 bản CMND và 2 tấm ảnh 3×4 người bị bắt. Cái này giờ phải lên trên đó (phòng LĐ-TB&XH huyện) rút về xác minh theo đơn và đề xuất tầm một tháng đổ lại là xong”.

Bà Y. hỏi lại có chắc “giải cứu” được không? Anh này chắc nịch: “Tôi nói làm là chắc chắn 100% vì có làm một số trường hợp rồi”.

Vợ chồng bà Y. than số tiền quá lớn xin bớt chút đỉnh, ông Hữu nói: “Cái này tôi nhờ người giúp gia đình chứ ăn được bao nhiêu đâu, có 2-3 triệu bạc tiền cà phê cà pháo”.

Lo sợ tiền mất tật mang, bà Y. cần xác nhận từ ông Hữu cho chắc ăn thì anh này nói: “Người ta đã nhận giúp thì gia đình phải tin tưởng, còn không tin hỏi anh em trong công an xã có biết Hữu công an hình sự không thì rõ ngay”.

Cuối buổi gặp mặt, ông Tạ An Hữu dặn dò gia đình bà Y.: “Hợp đồng một tháng là đem ra. Ngày đó tôi điện thoại báo gia đình đi taxi cùng cán bộ tới cơ sở cai nghiện rước về. Sau đó, gia đình vào UBND xã ký bảo lãnh, đóng phạt hành chính 1,5 triệu đồng và trả thêm 700.000 đồng tiền taxi cho cán bộ đi rước người là xong”.

“Cả hai 
đều là một”

Ông Tạ An Hữu tốt nghiệp Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 (TP.HCM) năm 2016. Tháng 6-2016, ông này thực tập tại Công an H.Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và đến cuối năm thì nhận quyết định về công tác tại Công an xã Vĩnh Lộc B.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, ngoài việc bị ông Hữu ra giá chung tiền, gia đình bà Y. còn được ông Phúc (công an khu vực xã Vĩnh Lộc B) gợi ý chi 50 triệu đồng để “giải cứu” người ra khỏi cơ sở cai nghiện.

Ngày 24-7, bà Y. gọi ông Phúc xin bớt chút đỉnh vì con bà không quậy phá, nghiện hút thì ông này nói: “Nếu nó quậy phá thì tôi không có giúp, trường hợp này mình du di được”.

Bà Y. hỏi chốt lại giá tiền “giải cứu”, ông này nói thẳng: “5 chục (50 triệu đồng) đó cô, người ta báo sao tôi báo lại vậy chứ không bớt được đâu”.

Ngày 25-7, bà Y. gọi lại hỏi ông Phúc có quen biết với ông Tạ An Hữu hay không? Ông này khẳng định: “Tụi tôi làm chung mà, cả hai đều là một nên cô làm ai cũng được cả”.

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

“Không thuộc đối tượng bị đưa vào cơ sở xã hội”

Căn cứ quy định tại điều 103, 104 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; điều 8 nghị định số 221/2013/NĐ-CP, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, cá nhân hoặc tổ chức báo công an cấp xã (phường) lập biên bản, tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Sau khi hoàn thành lập hồ sơ đề nghị, cơ quan lập phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ và họ có quyền đọc, ghi chép các nội dung cần thiết thể hiện trong hồ sơ trong thời hạn 5 ngày (kể từ ngày nhận thông báo).

Trong trường hợp nêu trên, tôi cho rằng ông Đ. không thuộc trường hợp bị đưa vào cơ sở xã hội, cũng không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện.

Riêng hành vi của công an xã gợi ý “chi” 50-60 triệu đồng để “giải cứu” người tùy theo hành vi và mức độ cụ thể có thể tiến hành xử lý hình sự (hoặc hành chính) theo quy định các tội phạm về tham nhũng, cụ thể là tội nhận hối lộ.

HOÀNG LỘC – ĐỨC PHÚ