Sau mỗi cuộc chia tay, có ngay một đám cưới
Tưởng là nghịch lý nhưng điều ấy vẫn không hiếm gặp. Khi phải chia tay một mối tình đã gắn bó lâu, có những người trong cuộc lại quyết định nhanh chóng “cập bến mới” thay vì dành thời gian tìm hiểu lâu và sâu hơn ở người kế tiếp.
Sau mỗi cuộc chia tay, có ngay một đám cưới
Tưởng là nghịch lý nhưng điều ấy vẫn không hiếm gặp. Khi phải chia tay một mối tình đã gắn bó lâu, có những người trong cuộc lại quyết định nhanh chóng “cập bến mới” thay vì dành thời gian tìm hiểu lâu và sâu hơn ở người kế tiếp.
Con tim của mỗi người có lý lẽ riêng, nhưng sẽ là “cái sảy nảy cái ung” nếu không có sự tỉnh táo nhất định trong việc chọn người bạn đời.
Lười yêu lại từ đầu
Một ngày đầu hè năm 2008, bạn bè lẫn người thân của chị N.T.H.H. (Q.3, nhân viên ngân hàng) đều rất đỗi ngạc nhiên khi nhận được tấm thiệp hồng từ chị. “Cũng gần 30 rồi còn gì”, chị cười ngượng nghịu, buông thõng câu nói.
Chị biết sự ngạc nhiên đó là dễ hiểu vì chị chỉ mới chia tay người yêu cũ ngay sau tết, còn chú rể lại là người xa lạ với nhiều người.
“Đó là người đồng nghiệp theo đuổi tôi khá lâu nhưng trước đó tôi từ chối vì đã có bạn trai. Nói thật tôi cũng không rõ mình có tình cảm lứa đôi với anh hay không nhưng anh đã luôn ở kề bên khi tôi cô đơn, hụt hẫng, nhất là lúc tôi phát hiện người cũ ngoại tình. Thôi thì không cưới được người mình yêu thì đành cưới người yêu mình vậy, tôi không muốn mất thời gian để yêu đương lại”, chị H.H. thở dài.
Nếu chị H.H. quyết định “cưới vội” vì lười yêu lại từ đầu thì chị L.T.N.A. (Q.Tân Bình, nhân viên một công ty nước ngoài) lại chọn kết hôn với một “cây si” để người yêu cũ sẽ phải tiếc nuối vì không trân trọng tình cảm của chị.
“Từ ngày được thăng chức, anh ấy ngày càng có nhiều “vệ tinh” vây quanh và ngày càng “bận rộn” một cách khó hiểu. Trước đây tôi chỉ cảm sơ sơ là anh có mặt chăm sóc, còn giờ tôi bị sốt nhập viện mà anh chỉ hỏi thăm qua loa. Anh thường không rõ ràng trong những mối quan hệ nam nữ nên tôi vô cùng mệt mỏi vì ghen tuông. Gia đình anh ai cũng quý tôi, tôi muốn anh phải hối hận”, chị giải thích.
Còn nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ anh từng biết một trường hợp tương tự. “Cô ấy quyết định lập gia đình với người mới chỉ khoảng 8 tháng sau khi chia tay mối tình cũ. Nhưng tiếc là chỉ một năm sau thì lại “đường ai nấy đi”.
Phải đến gần đây cô ấy mới có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc thật sự”, anh kể. Anh cho rằng hầu hết các quyết định vội vã trên đều rơi vào phụ nữ do những áp lực, lo lắng về tuổi tác.
Buồn nhiều hơn vui?
Những tưởng bạn trai cũ sẽ buồn và hối hận, nào ngờ chính chị N.A. mới là người gánh về những bẽ bàng.
“Anh ấy vẫn sống vui và hạnh phúc, biết được điều này vừa khiến tôi uất ức vừa hối hận khôn nguôi. Điều khiến tôi day dứt nhất là chồng tôi từng rất thương tôi nhưng tôi lại không thấy hạnh phúc khi ở cạnh anh mà luôn nghĩ về người cũ. Hiện chúng tôi đã ly thân dù có với nhau một đứa con. Càng thương con tôi lại càng trách mình quá nông nổi, chỉ vì sĩ diện hão mà làm tổn thương nhiều người”, chị N.A. chia sẻ khi nhìn lại.
Còn chị H.H. hiện có một cuộc sống mà theo chị là “đầy đủ nhưng nhạt nhẽo”. Anh chị có đủ nếp, tẻ và mua được nhà riêng nhưng chị vẫn thấy thiếu niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống hôn nhân.
“Tôi đang “tập yêu” chồng nhưng có thử qua rồi mới biết tình yêu không phải là thứ cố ép là được”, chị H.H. tâm sự.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng những cuộc hôn nhân vội vàng trên là kết quả của một quá trình tâm lý diễn ra khi một trong hai người trải qua thời gian dài đau khổ hoặc cú sốc, sự hụt hẫng từ mối tình trước đó.
“Và khi gặp được người phù hợp nhu cầu, mong muốn nổi trội nhất thời điểm đó, họ sẽ dễ dàng chấp nhận nhau”, ThS Trang Nhung nói.
Ai thiệt thòi? “Tôi cho là cả hai. Một bên tìm điểm tựa vào lúc mình chông chênh nhất, quyết định lúc ấy kiểu “nhắm mắt đưa chân”. Một bên sau khi đạt được mục tiêu một cách đột ngột chắc gì sau này sẽ không khỏi hoài nghi về tình cảm đối phương dành cho mình?”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ.
TS tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng điều kiện cốt lõi của cuộc hôn nhân chân chính là tình yêu nhưng trong trường hợp này, quyết định kết hôn của một trong hai bên không xuất phát từ tình yêu thật sự mà vì một lý do khác mang tính cá nhân.
Khi về chung một nhà, mỗi người sẽ có xu hướng sống thật với chính mình và với người bạn đời. Lúc đó, người còn lại dễ dàng cảm nhận được tình cảm thật sự người kia dành cho mình và nhận thức rõ hơn nguyên nhân sâu xa mà người đó lấy mình.
“Không chỉ chồng hay vợ mà những đứa con được sinh ra trong một gia đình không có tình yêu thật sự giữa cha và mẹ cũng sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Khi cha mẹ không thấy hạnh phúc với cuộc hôn nhân của mình, đứa con cũng không thể cảm nhận được điều đó. Chưa kể những cuộc hôn nhân như vậy thường khó bền vững bởi thiếu đi những điều kiện cốt lõi – đó là tình yêu và sự đồng cảm”, tiến sĩ Hồng Quân nói.
“Cần tự vấn bản thân thật kỹ bằng những câu hỏi sau: Bạn có yêu và hiểu người đó thật sự không? Bạn có thể chia sẻ với họ về những vui buồn trong cuộc sống không? Và một điều không thể thiếu là bạn có dám chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân không? Nếu phần lớn câu trả lời là không hoặc chưa thì bạn cần suy nghĩ lại. Hôn nhân là việc hệ trọng, đừng bao giờ vội vàng quyết định kết hôn khi bạn chưa thật sự sẵn sàng”, tiến sĩ Hồng Quân đúc kết.
Cái gì nhanh đến sẽ nhanh đi ThS Trang Nhung cho rằng cái gì đến chóng vánh thì cũng có thể đi rất nhanh. “Có những cuộc hôn nhân vội vã nhưng sẽ tồn tại trong sự yên ấm nếu cả hai bên đều là người có trách nhiệm và biết cư xử, sau thời gian sống chung với nhau thì nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên đó là số hiếm. Tôi cho rằng phần lớn sau thời gian đầu chung sống sẽ bộc lộ mâu thuẫn (do không có nền tảng gắn kết, thời gian tìm hiểu từ trước đó nên thiếu sự bao dung, hiểu và tôn trọng nhau) dẫn đến những hệ luỵ khó lường”, ThS Trang Nhung chia sẻ. |