29/11/2024

Chơi trò nguy hiểm!

Đứng trên chiếc bàn học sinh, từng đứa trẻ thay nhau ngã xuống “hàng rào tay” của một số trại viên khác đang quỳ hứng trên nền xi măng. Có em bị té đau, phải đưa đi bệnh viện.

 

Chơi trò nguy hiểm!

Đứng trên chiếc bàn học sinh, từng đứa trẻ thay nhau ngã xuống “hàng rào tay” của một số trại viên khác đang quỳ hứng trên nền xi măng. Có em bị té đau, phải đưa đi bệnh viện.




Trò chơi thiếu an toàn trong Trại hè thiếu niên siêu đẳng /// Ảnh: Cắt từ clip

Trò chơi thiếu an toàn trong Trại hè thiếu niên siêu đẳngẢNH: CẮT TỪ CLIP

Gần đây, một số phụ huynh phản ánh với Báo Thanh Niên về việc con họ phải trải qua trò chơi không an toàn nói trên khi tham gia Trại hè thiếu niên siêu đẳng, do Công ty cổ phần đào tạo VietFuture tổ chức.
Sau khi chơi, mấy ngày sau vẫn còn đau mông
Mở đầu clip “Trại hè thiếu niên siêu đẳng” do VietFuture phát trực tiếp cho phụ huynh xem là hình ảnh một đứa trẻ đang đứng trên bàn, chuẩn bị chơi trò ngã người xuống. Cậu bé này 3 lần làm động tác giống như cầu nguyện, chốc chốc lại quay ra phía sau dặn dò những trại viên cùng nhóm đang quỳ thành hai hàng trên nền xi măng và đan cánh tay lại để đỡ lấy cậu. Cậu bé đếm to “1, 2, 3” rồi ngã xuống.
Ở phân đoạn khác, một bạn nam cao to sau khi ngã xuống vẫn nằm tại chỗ một lúc, mặt nhăn nhó vì đau, một tay xoa xoa lưng. Cũng trong clip này, có tiếng người lớn dõng dạc: “Tất cả chúng ta đã làm tốt”, kèm theo ba lần hô: “Tất cả cố lên!”.
Bình luận dưới clip, bên cạnh một số ý kiến cho là trò chơi này vui thì có những phụ huynh lo lắng, phản bác: “Đưa con vào chỗ chết”, “Trò này là trò gì? Khi cho các em hoạt động đã qua bộ phận nào xét duyệt chưa hay chỉ cóp nhặt rồi mang vào”, “Tội cho mấy bạn phía dưới bé phải hứng bạn to”.
Một phụ huynh tên Q. cho biết: “Gia đình tôi bóp bụng đóng 6.995.000 đồng để cho con tham gia trại hè này, diễn ra từ ngày 6 – 9.6 tại khu du lịch Vườn Xoài, tỉnh Đồng Nai. Sau khi chơi về, đến mấy ngày sau cháu vẫn còn kêu đau mông. Theo tôi không nên duy trì trò chơi này nếu không có đồ bảo hộ vì nó quá nguy hiểm. Đã có một cháu tham gia cùng đợt với con tôi bị té đau phải đi bệnh viện”.
Tin tưởng đồng đội, nên không cần đồ bảo hộ ?
Ngày 13.7, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Hồ Thị Minh Phương, Giám đốc quan hệ đối tác, và ông Chu Huy Hoàng, Giám đốc chi nhánh VietFuture, tại TP.HCM.
Ông Chu Huy Hoàng giải thích: “Trò chơi ngã này có tên là Tin tưởng đồng đội. Nó chỉ được tổ chức trong trường hợp đồng đội đã tham gia cùng nhau ít nhất là hai ngày, nên có sự tin tưởng lẫn nhau”.
Theo ông Hoàng, tất cả các thành viên trong nhóm (9 – 10 người, hầu hết tuổi từ 10 – 15) xếp hàng ở phía dưới, dùng tay đan chéo thành những bậc thang để đỡ một bạn ở phía trên ngã xuống. Bạn này đứng ở bàn và sẽ hỏi các đồng đội rằng: “Tôi có thể tin tưởng các bạn không?”. Nếu tất cả mọi người phía dưới xác nhận có và với hiệu lệnh của một huấn luyện viên trưởng trong nhóm, bạn đó sẽ ngã xuống.
Vị này cũng khẳng định các trại viên đứng hoặc quỳ trên nền xi măng để hứng người ngã từ trên bàn xuống.
“Trò chơi đấy an toàn 100%, bởi vì mọi thứ đều đã được sắp đặt từ trước”, ông Hoàng nói chắc như đinh đóng cột.
PV thắc mắc: “Ban tổ chức chuẩn bị như thế nào mà khẳng định trò chơi này an toàn 100%?”. Ông Hoàng lý giải: “Trong mỗi nhóm đều có một huấn luyện viên trưởng là nhân viên của VietFuture đứng quan sát và tổ chức đội hình để cho các bé ngã. Thêm vào đó, còn có một huấn luyện viên phó là một thiếu niên đã từng tham gia chương trình. Trước khi ngã, các bé đã tìm hiểu luật chơi và đã được xem giảng viên làm thử.
Chúng tôi cũng có chuẩn bị thêm những đạo cụ như đệm hơi, mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, đây là trò chơi tin tưởng đồng đội nên các bé có quyền chọn sử dụng những đạo cụ đó hay không. Và khi các em tin tưởng đồng đội 100% và với đội hình chúng tôi sắp xếp như vậy thì trò chơi này hoàn toàn an toàn”.
PV hỏi tiếp: “Tất cả các trại viên đều phải trải qua trò chơi đó?”. Ông Hoàng nói: “Họ đều trải qua nhưng không bắt buộc phải trải qua. Một trại như vậy có khoảng 70 – 80 em thì chỉ có 1 – 2 em quá sợ ngã nên không tham gia thôi”.
Về trường hợp một trại viên bị té phải đi bệnh viện, đại diện VietFuture xác nhận em đó tên Thiên, 16 tuổi, học lớp 10 tại TP.HCM. Theo bà Phương, sau lần thứ ba thực hiện trò chơi trên, Thiên mới kêu đau.
“Thiên là người cao to nhất đội. Thiên ngã bị dập mông, do bạn ngã mông xuống, toàn bộ sức nặng dồn hết vào phần này. Thiên là người duy nhất phản hồi bị đau và chúng tôi đưa Thiên đến ngay Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chụp X-quang. Kết quả là Thiên không bị sao cả”, ông Hoàng cho hay.
Khi được hỏi sắp tới có cải thiện gì không để tăng tính an toàn cho trò chơi này, Giám đốc chi nhánh VietFuture tại TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm: “Trò chơi này an toàn 100%. Công ty chúng tôi đã tổ chức rất nhiều trại hè như thế rồi nhưng không có vấn đề gì cả”…
Sau khi nghe những phản hồi như trên, chị N. (có con tham gia Trại hè thiếu niên siêu đẳng), bức xúc: “May mà có cháu té ở phần mông, chứ nếu xảy ra trường hợp bị ngã từ phần đầu thì sao, trong khi hoàn toàn không có đồ bảo hộ? Lúc đó, ban tổ chức có đền con cho phụ huynh được không? Con chúng tôi trong độ tuổi mới lớn, nghe ai tung hô, động viên thì nhảy liều, chứ không thể lường được hậu quả”.
Thiết nghĩ các ban ngành chức năng, trong đó có Sở GD-ĐT Hà Nội (nơi VietFuture đặt trụ sở chính) cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với nội dung đào tạo không đảm bảo an toàn này.
Đâu thể đặt sinh mạng con mình vào trò chơi đó !
Tiến sĩ giáo dục Thạch Ngọc Yến, từng phụ trách Văn phòng Tư vấn trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng đối với trẻ em, tất cả các trò chơi tầm cao, tầm xa, ngã ra phía sau như vậy mà không có kê nệm để chống va đập, không an toàn thì không nên thực hiện. Các bé trong độ tuổi khác nhau, thể chất khác nhau thì không có gì đảm bảo trẻ đan tay chặt như nhau được. “Trên đời này còn có nhiều thứ khác để “tin vào đồng đội”, chứ đâu thể đặt niềm tin lẫn sinh mạng của con mình vào trò chơi tiềm ẩn nhiều rủi ro đó!”, tiến sĩ Yến nói.

 

Như Lịch