10/01/2025

Tử tù Hàn Đức Long: Tôi chưa bao giờ sợ bị giải ra pháp trường

Sáu tháng kể từ ngày được minh oan trở về nhà sau 11 năm bị kết án tử hình, tử tù Hàn Đức Long, 58 tuổi, ở Bắc Giang, cho biết ông không sợ ra pháp trường nhờ niềm tin vào công lý.

 

Tử tù Hàn Đức Long: Tôi chưa bao giờ sợ bị giải ra pháp trường

 Sáu tháng kể từ ngày được minh oan trở về nhà sau 11 năm bị kết án tử hình, tử tù Hàn Đức Long, 58 tuổi, ở Bắc Giang, cho biết ông không sợ ra pháp trường nhờ niềm tin vào công lý.

 

 

 

Tử tù Hàn Đức Long: Tôi chưa bao giờ sợ bị giải ra pháp trường
Ông Hàn Đức Long – Ảnh: NAM TRẦN

Hồi tử tù còn bị xử bắn, cứ 4h sáng tôi lại nghe tiếng xà lim mở cửa và có người bị đưa đi thi hành án. Tôi chưa bao giờ sợ mình sẽ là người bị giải ra pháp trường, bởi tôi luôn có niềm tin vào công lý

Ông HÀN ĐỨC LONG

Sáu tháng sau, việc bồi thường cho ông Long vẫn chưa sắp xếp xong. Việc tìm ra ai là thủ phạm vụ án còn bỏ ngỏ… Trải lòng với Tuổi Trẻ, câu chuyện của ông không chỉ có chờ đợi mà còn những ưu tư.

Hiện tại chênh vênh

* Ông đã bắt nhịp trở lại với cuộc sống sau 11 năm ở tù hay chưa, thưa ông?

– Báo chí đưa tin gia đình tôi được đón cái tết sum vầy, tôi được công khai xin lỗi, tôi đòi bồi thường oan sai số tiền hơn 20 tỉ đồng…

 

Những thông tin đó chỉ là phần nổi trong cuộc sống của tôi. Sự thật là kinh tế gia đình tôi quá chật vật.

* Sức khỏe của ông thì sao?

– Sau khi ra tù, tôi thấy sức khỏe mình rất tệ. Một nửa người bên phải của tôi cảm giác sắp bị liệt. Thời gian rồi tôi bị đau đầu, mất ngủ, viêm họng thường xuyên.

Nhà còn 2 tạ thóc, vợ tôi bán được 1,2 triệu đồng để tôi đi khám bệnh. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nói não tôi có vấn đề nên cần nhập viện điều trị hai tuần.

Nhưng do vợ tôi đã gieo mạ, phải về cấy cho xong và thu xếp tiền nong mới có thể nằm viện. Cuộc sống hiện tại của gia đình tôi vẫn còn chênh vênh lắm.

* Nhiều người nghĩ giờ ông chỉ việc đợi nhận tiền bồi thường oan sai để an dưỡng tuổi già…

– Từ khi trở về, tôi và gia đình vẫn chưa có được cảm giác an toàn. Hôm tòa án xin lỗi tôi công khai, gia đình bị hại rất phẫn nộ.

Vừa rồi vợ tôi phải thuê một chuyến xe để tôi ra Hà Nội khám bệnh, chứ không dám đi xe khách. Có bệnh viện đã đồng ý điều trị bệnh cho tôi, nhưng sau đó đột nhiên từ chối mà chẳng có lý do gì.

Bây giờ tôi chỉ mong các cơ quan sớm giải quyết mọi việc để tôi được sống những năm tháng còn lại mà dạy bảo con cháu.

Luôn tin vào công lý

* 11 năm ở trong tù, ông có biết hành trình kêu oan của vợ ông là bà Nguyễn Thị Mai gian nan thế nào không?

– Dù vợ chẳng bao giờ than vãn nhưng tôi biết điều đó. Trước khi bị bắt, tôi làm ruộng, chăn nuôi, những ngày rảnh việc thì đi phụ hồ.

Cuộc sống lúc đó vất vả nhưng cả hai vợ chồng chăm lao động nên các con luôn 
được no đủ.

Khi tôi bị bắt, vợ tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để vừa lao động nuôi các con, vừa có kinh phí đi thăm nuôi và kêu oan cho tôi.

Tôi biết những lúc rảnh việc đồng áng thì vợ tôi đi cấy thuê, phụ hồ. Mỗi năm hai kỳ họp Quốc hội là hai lần vợ và chị gái tôi lại ra Hà Nội đi rửa bát thuê để kêu oan cho tôi.

Khi trở về, tôi thấy nhà mình nghèo không khác gì nhà hoang, cảm giác buồn tủi và thương vợ vô cùng!

* Bà Mai nói rằng những lần đi thăm nuôi ông trong tù, ông đều bảo: “Dù có chết cũng phải đi minh oan cho anh”. Lời dặn dò ấy đã biến thành động lực để vợ ông vượt qua những khó khăn ấy.

– Tôi bị giam 11 năm 2 tháng 2 ngày. Lần nào vào thăm, vợ tôi cũng nói: “Mọi việc gia đình và đi kêu oan ở ngoài đã có em lo, sớm muộn gì anh cũng được minh oan. Anh cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe”.

Lúc đó tôi chỉ biết dặn vợ nếu không có tiền gửi cho tôi thì thôi, đừng vay mượn nhiều bởi sau này được minh oan, ra tù rồi thì lấy gì mà trả.

* Tại sao ông luôn giữ được cho mình niềm tin vững chắc ấy?

– Bởi vì tôi vô tội! Những nguyên tắc im lặng hay suy đoán vô tội gì đó tôi đều không rõ. Nhưng tôi chắc một điều rằng nếu không đủ cơ sở buộc tội thì dù tôi có từng nhận tội oan, sớm muộn gì cũng được trả tự do.

Vấn đề là ai sẽ là người chịu giải oan cho tôi. Con đường đi tìm công lý với gia đình tôi quá khó khăn, chật vật, nhưng cuối cùng đã thành hiện thực.

* Ngày ấy, có khi nào ông sợ mình bị mang ra thi hành án mà vẫn chưa được minh oan?

– Hồi tử tù còn bị xử bắn, cứ 4h sáng tôi lại nghe tiếng xà lim mở cửa và có người bị đưa đi thi hành án. Tôi chưa bao giờ sợ mình sẽ là người bị giải ra pháp trường, bởi tôi luôn có niềm tin vào công lý.

Vậy nên khi chào các bạn tù bị đưa đi thi hành án, tôi đều hẹn ngày được minh oan trở về sẽ đến thắp hương cho họ.

Mong không còn người như tôi

* Ông được trả tự do mà không ai báo trước. Ngày vui ấy có lẽ ông và gia đình rất bất ngờ?

– Tôi được trả về ngày 20-12-2016. Trước đó không ai báo tin cho tôi, cũng không có dấu hiệu nào để tôi đoán mình sẽ được thả.

Hôm đó 3-4h chiều, tôi đang tập thể dục trong buồng giam thì quản giáo thông báo: “Anh Long thu xếp đồ đạc”.

Tôi cứ nghĩ là dọn đồ để chuyển buồng giam như bình thường. Sau đó có một thượng úy vào buồng bảo tôi “ký vào tờ giấy này sẽ được trả tự do”.

Hôm đó tôi được đối xử rất đặc biệt. Cán bộ pha trà nóng mời tôi uống, bật thuốc lá mời tôi hút. Sau đó cán bộ đọc quyết định đình chỉ vụ án, bảo tôi ký vào và trả tự do cho tôi nhưng tôi vẫn không tin.

Trước khi ký tên, tôi còn cảnh giác viết: “Ngày hôm nay tôi được trả tự do, tôi sẽ sống và chấp hành đúng pháp luật”. Sau đó tôi được đưa lên xe đi về.

Thú thật lúc trên xe, tôi vẫn không tin rằng mình được trả tự do. Chỉ đến khi xe về đến UBND xã Phúc Sơn, trưởng công an xã ký xác nhận thì tôi mới tin mình đã được trở về.

* Được biết ông đang hoàn tất hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai. Ông có mong muốn, gửi gắm gì không?

– Tôi là người dân lao động, cổ cày vai bừa. Tiếng nói của tôi ít người nghe. Nhưng tôi mong Bộ Công an, Viện KSND tối cao sớm điều tra xem ai là người đã giết hại cháu bé, đồng thời phải xử lý những người đã viết đơn vu oan cho tôi.

Tôi tự hỏi những người đã vu khống tôi, đánh đập tôi, cố tình làm sai, gây oan ức cho tôi có phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào?

Tôi mong cán bộ làm sai phải bị nghiêm trị để công lý được hiện diện trên đời, để không còn một ai phải rơi vào trường hợp như tôi nữa.

Trước đây tôi bị truy tố về ba tội giết người, hiếp dâm trẻ em và hiếp dâm. Do không chứng minh được tôi phạm tội hiếp dâm nên cơ quan điều tra đã đình chỉ, nhưng đến giờ chưa xin lỗi.

Tôi đã làm đơn và đến tận Viện KSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu xin lỗi nhưng chưa thấy trả lời. Tôi mong sớm được xin lỗi và bồi thường oan sai để ổn 
định cuộc sống.

* Ông PHẠM Văn Hà (Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội):

Gấp rút tiến hành 
các thủ tục

TAND cấp cao tại Hà Nội đang tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Hàn Đức Long. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh hiện nay của ông Long. Toà án đã phân công một phó chánh án phụ trách việc bồi thường để tiến hành gấp rút các thủ tục, giúp ông Long sớm ổn định cuộc sống.

Cho đến thời điểm tòa án xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long (ngày 25-4), các cơ quan tố tụng vẫn chưa tìm ra thủ phạm thực sự của vụ án. Điều đó khiến gia đình bị hại bức xúc và buổi xin lỗi đã diễn ra trong sự hỗn loạn. Hình ảnh đó đã nhắc nhở chúng tôi phải có trách nhiệm hơn nữa khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Luật sư Lê Xuân Thảo (Đoàn luật sư Hà Nội, người hỗ trợ đòi bồi thường oan sai cho ông Hàn Đức Long):

Hành trình đòi bồi thường gian nan

Hành trình thu thập hồ sơ đòi bồi thường cho ông Long hiện cũng gian nan không kém hành trình kêu oan cho ông. Tòa án đang yêu cầu gia đình cung cấp các hoá đơn để chứng minh thu nhập thực tế bị mất, chi phí kêu oan…

Việc đó rất khó khăn. Đơn giản như việc vợ ông Long đi kêu oan cả trăm chuyến đều không giữ tờ hoá đơn nào. Hay như thu nhập từ việc phụ hồ, chăn nuôi cách đây 11 năm làm sao thống kê được đầy đủ?

Tôi thấy luật nên quy định số tiền bồi thường cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe. Hoặc nếu bị tuyên án tử hình oan thì được bồi thường bao nhiêu, án chung thân thì được bồi thường bao nhiêu để giảm bớt các thủ tục phiền hà cho người bị oan.

Bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Hàn Đức Long):

Đoạn đời muốn quên

Trước khi bị bắt, chồng tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng giờ được trở về, nỗi oan ức đã lấy đi của gia đình tôi nhiều thứ. Ra tù, chồng tôi trở thành con người khác. Anh có vẻ lẩn thẩn, hay cáu gắt với con cháu khiến gia đình không thể yên tâm.

Nhiều người đến nhà chơi hay hỏi ngày xưa trong tù anh sống ra sao, có lúc vui thì chồng tôi trả lời, buồn thì thôi. Riêng tôi và các con không bao giờ dám hỏi. Tôi sợ chồng tôi buồn. Đó là đoạn đời mà cả gia đình tôi đều muốn quên…

TÂM LỤA thực hiện