12/01/2025

Nên đóng tiền tại ngoại ra sao?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng quy định bị can, bị cáo được đặt tiền để tại ngoại là rất tiến bộ, hoàn toàn có lợi cho người dân, trong khi cũng có lo ngại với không ít người, cơ quan tố tụng.

 

Nên đóng tiền tại ngoại ra sao?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng quy định bị can, bị cáo được đặt tiền để tại ngoại là rất tiến bộ, hoàn toàn có lợi cho người dân, trong khi cũng có lo ngại với không ít người, cơ quan tố tụng.

 

 

 

Nên đóng tiền tại ngoại ra sao?

Giải pháp nào trong cách làm mới này? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia pháp lý, người dân…

* Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao):

Nên đóng tiền tại ngoại ra sao?

Giảm trách nhiệm bồi thường oan sai

Tôi cho rằng các cơ quan tố tụng cần chặt chẽ, cặn kẽ hơn trong việc đánh giá các điều kiện để bị can, bị cáo tại ngoại. Các nước làm cả rồi, còn mình cứ khởi tố là bắt tạm giam và tỉ lệ bị can được tại ngoại sau đó không nhiều.

 

Áp dụng được các quy định này sẽ giảm đi trách nhiệm bồi thường oan sai đối với những bị can, bị cáo không đủ chứng cứ buộc tội.

Lý do là vì giam một ngày là phải bồi thường tiền một ngày, tiền bồi thường này là bồi thường tổn thất về vật chất, khác hẳn bồi thường tổn thất về tinh thần nếu chỉ bị khởi tố nhưng sau đó được cho tại ngoại và tuyên không có tội.

Còn việc lo lắng rằng bị can, bị cáo được tại ngoại rồi xóa dấu vết chứng cứ hay thay đổi lời khai thì tôi cho rằng không phải là việc đáng lo lắng.

Bởi trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra và viện kiểm sát, bên buộc tội có những chứng cứ chứng minh rằng có phạm tội hoặc một số người bị truy tố đã thực hiện hành vi phạm tội. Còn các bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội chứ không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.

Ông Đỗ Đức Vĩnh 
(Viện KSND cấp cao 
tại TP.HCM):

Chống lạm dụng 
tạm giam

Tôi cho rằng đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người có dự mưu hoặc một số đối tượng không có nhà cửa, nơi cư trú ổn định thì không được đặt tiền tại ngoại.

Còn lại nếu các bị can, bị cáo có đầy đủ điều kiện theo quy định thì nên để họ tại ngoại.

Việc đặt tiền và cho bị can, bị cáo tại ngoại để gia đình hoặc bản thân họ lo cho cuộc sống của họ sẽ giảm bớt trách nhiệm của Nhà nước trong việc trông nom canh giữ.

Bởi ngoài việc giam giữ còn phải chăm lo cho sức khoẻ, đời sống vật chất và cả tinh thần cho họ nữa.

Đối với án tham nhũng thì không cần thiết giam, mà chỉ cần quản lý được đồng tiền đang bị vi phạm pháp luật, thu hồi cho Nhà nước.

Bởi thực tế sống trong điều kiện là trại tạm giam, nhà tạm giữ có thể ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, dẫn đến có thể có những lời khai không chính xác. Quan trọng hơn là chống được lạm dụng biện pháp tạm giam.

* Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nên đóng tiền tại ngoại ra sao?

Phải được đánh giá đầy đủ

Ở nước ngoài, muốn cho bị can, bị cáo tại ngoại phải trải qua một phiên tòa rút gọn. Ở đó, thẩm phán sẽ tuyên một người có được chấp nhận cho tại ngoại hay không và người đó phải đóng bao nhiêu tiền để được tại ngoại, dù người đó chỉ mới bị cảnh sát tạm giữ.

Nhưng với dự thảo này, theo thực tiễn ở nước ta, việc tạm giữ hoặc tạm giam chưa định hình được rằng người đó sẽ bị viện kiểm sát truy tố về tội gì, khung hình phạt nào, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Do vậy, việc yêu cầu đóng một số tiền nào đó sẽ mang tính tuỳ nghi, ban phát của cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát, hoặc tòa án…

Chưa nói tới việc căn cứ vào khung tiền cố định cho mỗi loại tội phạm mà không xét đến điều kiện, hoàn cảnh hoặc các giai tầng xã hội mà Việt Nam hiện nay đang có sự phân hoá rõ rệt. Điều này cũng cần được phân tích, xem xét thấu đáo.

* Ông Nguyễn Biên Thùy (chánh án TAND tỉnh Bến Tre):

Nên đóng tiền tại ngoại ra sao?

Nên gắn chip 
theo dõi

Quy định đặt tiền để được tại ngoại không mới, tuy nhiên suốt thời gian qua ở Bến Tre gần như không áp dụng được cho trường hợp nào.

Dự thảo thông tư liên tịch có quy định cụ thể về mức tiền đặt để được tại ngoại cùng những quy định cụ thể.

Tuy nhiên, tôi thấy hơi lo ngại ở chỗ những người có tiền để đặt là những người có điều kiện kinh tế, vậy liệu họ có bỏ trốn ra nước ngoài không?

Bởi thực tế đã có nhiều người biết mình có thể bị khởi tố đã bỏ trốn do việc quản lý con người của mình chưa được tốt, đường biên giới lại dài, các đối tượng sẽ đi theo đường tiểu ngạch vượt biên thì khó khăn cho việc truy nã.

Ở nước ngoài, việc quản lý những người này đều dễ dàng và thậm chí họ có gắn chip, nhưng ở Việt Nam thì chưa thể. Nhưng nếu được thì cũng nên thực hiện việc gắn chip để theo dõi những người này, nhằm đảm bảo phục vụ toàn bộ quá trình tố tụng.

* Ông T.H.A. 
(39 tuổi, ở Cà Mau, bị can đang được tại ngoại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản):

Đỡ bị dùng nhục hình

Bản thân tôi đã bị tạm giam gần 3 năm, vụ án đã 5 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm nhưng không tuyên án được. Việc cho tôi tại ngoại là cơ quan điều tra tự cho, tôi cũng như gia đình không có đơn xin tại ngoại.

Tôi không bàn rộng đến những tội danh khác, nhưng với án kinh tế thì việc cho bị can tại ngoại để có thể khắc phục hậu quả là cần thiết.

Nhiều vụ án bị bắt tạm giam thì bị can đều khai bị mớm cung và dùng nhục hình. Từ đó dẫn đến việc người ta nhận đại từ không có tội thành có tội, hoặc từ tội ít mà thành tội nhiều. Điều đó gây ra oan sai.

Nếu cho đặt tiền để tại ngoại thì bị can có điều kiện để cung cấp chứng cứ và đỡ bị dùng nhục hình, hoặc tố cáo cơ quan điều tra đã dùng nhục hình.

Các tội không được đặt tiền tại ngoại

Dự thảo thông tư liên tịch do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao và TAND tối cao quy định chi tiết những tội danh không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm gồm:

– Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

– Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

– Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm về ma tuý, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đua xe trái phép.

– Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã.

– Bị can, bị cáo phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

– Bị can, bị cáo nghiện ma tuý.

– Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức.

– Bị can, bị cáo là người tái phạm nguy hiểm…

Về mức tiền đặt, viện kiểm sát, toà án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm với mức từ: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng (có khung hình phạt theo quy định của BLHS 2015 là đến 3 năm tù); 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 7 năm tù); 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 15 năm tù).

* Canada: Luật tại ngoại được quy định thẳng trong hiến pháp. Nếu bị can không gây nguy hại cho xã hội, không cản trở quá trình điều tra thì được nộp tiền bảo lãnh. Tuy nhiên ngay cả khi vô tội, nếu như dư luận xã hội cho rằng bị can là thành phần nguy hiểm không nên phóng thích thì bị can… sẽ bị từ chối quyền bảo lãnh. Canada không bắt buộc phạm nhân phải thế chấp tài sản hay giấy tờ khi bảo lãnh.

Ấn Độ: Luật bảo lãnh chiếu theo điều 21 hiến pháp nước này về quyền tự do cá nhân. Luật tại ngoại của Ấn Độ không phân biệt công dân sở tại với người ngoại quốc. Tuy nhiên, theo T án tối cao New Delhi, toà án “sẽ đưa ra một số điều kiện khác để đảm bảo bị can đến dự phiên tòa đầy đủ”.

* Czech: Bị can phạm tội không quá nghiêm trọng chỉ cần viết cam kết dự phiên toà xét xử là đã được xét tại ngoại. Tội xâm phạm thân thể người khác (cưỡng hiếp, giết người) thì không được bảo lãnh.

Anh và Xứ Wales: Trước khi dự phiên toà đầu tiên, bị can có thể nộp tiền bảo lãnh cho cảnh sát trưởng khu vực. Điều này dẫn đến nhiều tiêu cực như mức bảo lãnh quá cao, tội nghiêm trọng cũng được tại ngoại… khiến các nhà chức trách phải đưa ra Đạo luật Westminster (1275), giới hạn phạm vi bảo lãnh của cảnh sát.

Mỹ: Luật bảo lãnh phụ thuộc vào tòa án ở mỗi bang, điều này tương ứng mức tiền bảo lãnh sẽ khác nhau tuỳ theo tiền lệ án đã xét xử trước đó. Số tiền bảo đảm có thể cao ngất ngưởng hoặc miễn phí nếu như bị can phạm tội về tôn giáo hay tự do ngôn luận. Chẳng hạn thanh niên da màu 18 tuổi Allen Bullock phải trả mức bảo lãnh lên tới 500.000 USD vì… đập phá xe cảnh sát năm 2015.

DUY KHÔI

HOÀNG ĐIỆP ghi