01/11/2024

Điều tra bổ sung nhiều đại án vì lấn cấn tội danh tham ô

Thời gian qua, khi xét xử các vụ đại án đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc điều tra, truy tố về tội tham ô tài sản hay các tội danh khác…

 

Điều tra bổ sung nhiều đại án vì lấn cấn tội danh tham ô

Thời gian qua, khi xét xử các vụ đại án đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc điều tra, truy tố về tội tham ô tài sản hay các tội danh khác…

 

 

 

minh hoa 10-7

Theo các chuyên gia pháp lý, việc xử lý một số vụ án nổi cộm trong thời gian gần đây mà không điều tra, truy tố về tội tham ô tài sản là chưa đúng quy định của pháp luật.

Trả hồ sơ điều tra lại

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phải khởi tố bổ sung vụ án; khởi tố bị can đối với ông Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương – Oceanbank) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN) về tội “tham ô 
tài sản”.

 

Trước đó, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố về ba tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Một trong những vấn đề toà yêu cầu điều tra làm rõ là việc Nguyễn Xuân Sơn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, tổ chức chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật để chiếm đoạt số tiền 246 tỉ đồng của Oceanbank.

Tuy nhiên Viện KSND tối cao lại truy tố Nguyễn Xuân Sơn về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác.

Một vụ án gây rất nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia là Huỳnh Thị Huyền Như(nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM).

Huyền Như từng bị xử phạt tù chung thân cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Khi xử phúc thẩm, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên huỷ một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm.

Thế nhưng sau đó Viện KSND tối cao cho rằng Huyền Như không tham ô tài sản như ý kiến của tòa phúc thẩm. Khi thụ lý vụ án, TAND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Huyền Như là tham ô tài sản chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ khác nhau về mức án

Theo quy định của Bộ luật hình sự, tội tham ô tài sản có mức án cao nhất là tử hình. Trong khi mức hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chung thân.

Các tội danh khác như cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các tội danh này không chỉ là mức án mà còn liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Khi vụ án Huyền Như được đưa ra xét xử lần đầu tiên, nhiều luật sư đã có quan điểm cho rằng phải truy tố Huyền Như tội tham ô tài sản chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các chuyên gia cho rằng nếu Huyền Như lừa đảo thì bản thân Như phải bồi thường khoản tiền đã chiếm đoạt của khách hàng gửi tại VietinBank (khoảng 4.000 tỉ đồng).

Trong khi nếu Như bị truy tố về tội tham ô tài sản của VietinBank thì thiệt hại của khách hàng gửi tiền là do VietinBank 
gánh chịu.

Điều tra bổ sung nhiều đại án vì lấn cấn tội danh tham ô
Huỳnh Thị Huyền Như lãnh án tù chung thân về tội lừa đảo trong khi nhiều ý kiến cho rằng Như phạm tội tham ô

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự, Viện nhà nước pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng về mặt luật định, tội tham ô tài sản và một số tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý về kinh tế có dấu hiệu rất giống nhau, dễ gây nhầm lẫn.

Bởi chủ thể của tội phạm đều là người có chức vụ quyền hạn trong quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, điểm khác nhau quan trọng nhất là hành vi “chiếm đoạt tài sản”. Các tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay… thì không có dấu hiệu chiếm đoạt mà là dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tức là người phạm tội không hề biến tài sản của Nhà nước thành của mình mà chỉ gây thua lỗ, lãng phí, thất thoát. Còn tham ô tài sản thì người phạm tội cố ý chuyển tài sản của Nhà nước thành của mình.

Theo ông Hưng, Bộ luật hình sự đã quy định rõ dấu hiệu của từng tội danh, tuy nhiên hiện cách giải thích và áp dụng pháp luật trong những vụ án cụ thể lại có sự khác nhau.

“Để giải quyết đúng đắn các vụ án trên nhằm đảm bảo công lý thì cần thu thập đầy đủ chứng cứ, đánh giá chứng cứ và tranh tụng công bằng. Ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng và người bào chữa phải được toà án xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng” – TS Hưng nêu ý kiến.

Bất thường khi hành vi tham ô bị truy cứu tội khác

Ông Hà Tiến Triển (nguyên thẩm phán toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội) nhận định hiện nay có một số tội danh lẽ ra phải bị xử lý về tội tham ô tài sản nhưng cơ quan tố tụng lại điều tra, truy tố, xét xử về một số tội danh khác là điều bất bình thường.

“Trước đây, khi còn xét xử những vụ án như thế, tôi đều huỷ án yêu cầu điều tra, xét xử lại. Quan điểm của tôi là hành vi chiếm đoạt tiền của cơ quan nhà nước do mình quản lý phải bị xử lý về hành vi tham ô tài sản” – ông Triển cho biết.

TÂM LỤA