‘Dịch’ ghen tuông
Khi nhìn đâu cũng thấy “địch” gần “ta” trong trận chiến giữ gìn hạnh phúc thì thật đáng sợ!
‘Dịch’ ghen tuông
Khi nhìn đâu cũng thấy “địch” gần “ta” trong trận chiến giữ gìn hạnh phúc thì thật đáng sợ!
Những nghiên cứu mới về tâm lý học hiện đại cho thấy xu thế tránh tổn thương mình nên phải làm tổn thương người khác. Vì tự vệ nên phải tấn công trước và ghen chủ động, ghen dằn mặt, ghen kiểm soát, ghen ra oai là kiểu hành vi như thế |
Có thể khẳng định không ai yêu mà không ghen. Dường như ghen trở thành gia vị đặc trưng của tình yêu.
Ghen câm
Là giáo viên của một trường THPT, M.X. được nhiều người khen ngợi về độ đầm ấm của gia đình. Với người chồng là quản lý của một công ty khá bề thế, gia đình nội ngoại hai bên hòa thuận, hai con ngoan ngoãn, dễ thương…
Nhìn những bức hình chị tải lên Zalo hay Facebook, ai cũng dành tặng những lời nói đầy xúc cảm tích cực cho gia đình chị. Vậy mà chị vẫn cứ ghen. Chỉ có điều chị không nói được nên lời.
Chị cứ ghim chi li như kiểu ghi sổ chợ. Hôm nay anh ấy đi về trễ bao nhiêu phút, ngày hôm qua anh ấy đi ăn với nhân viên mới tuyển và cô nhân viên ấy nhan sắc nổi bật thế nào… Cuối tuần này vì sao anh ấy chủ động nài nỉ chở chị đi chợ nếu như không phải làm điều gì có lỗi.
Chị bảo ghen câm mệt lắm! Trạng thái cứ muốn nói mà lại thôi bởi vì chẳng biết nói gì. Muốn nói nhưng sợ chẳng đúng nên cứ chịu đựng.
Ghen câm có thể làm cho con người mệt mỏi và căng thẳng đến thế nhưng ghen lộ phỏng có ích gì? Là kỹ sư khoa học máy tính tốt nghiệp từ một trường đại học nổi tiếng, V.L. sớm thành hôn sau khi trở thành một phó phòng. Cuộc sống chung diễn ra êm đềm.
Nhưng công việc càng lúc càng dày, trách nhiệm càng cao thì anh bắt đầu cảm thấy quan hệ với vợ mình có những vách ngăn xuất hiện. Trước đó, có bao giờ vợ cà phê với bạn, hồi đó cũng chẳng thấy điểm trang. Mới cách đây một năm, chẳng thấy mặc váy mặc đầm, giờ đây lại cứ thỉnh thoảng nhắn tin cười cười bí hiểm.
Quyết định ra tay, anh tặng chiếc điện thoại thông minh cài sẵn phần mềm giám sát báo cáo. Rồi để cho chắc ăn, tỏ ra chiều vợ bằng cách rửa xe, rà thắng, anh lắp chip định vị hiện đại để phản hồi lộ trình vợ đi qua… Tình cờ vợ anh biết được qua một lần cho người bạn mượn xe.
Cuộc tranh luận nảy sinh và ghen lộ không dừng lại đó. Chị bảo anh xúc phạm mình, còn anh bảo rằng chị chán anh nên có biểu hiện ngoại tình mới lo, mới sợ. Và cảm giác tù ngục, cảm giác sống chung với một hung thần cứ lớn dần theo chuỗi ngày mệt mỏi và căng thẳng.
“Dịch” tràn
Thực ra, ghen cũng là điều tự nhiên. Nhưng chính kiểu ghen theo dịch mới là điều đáng sợ. Phải dằn mặt để cho người chung sống biết là lo liệu. Ghen khi nhan nhản các tin về ngoại tình, ly hôn với các tỉ lệ gia tăng khi người ta cứ truyền tin bằng những biểu hiện của tư duy tiêu cực.
Khi người ta ghen đó là lúc niềm tin bị lung lay hay có vấn đề trầm trọng. Hơn thế nữa, biểu hiện hay trách cứ bản thân và so sánh mình với ai đó làm phụ nữ thường mất tự tin. Song song đó, không ít người không tin vào bạn đời, thế là cứ chăm bón cho cây ghen lớn dần phủ đen cả niềm tin.
Việc so sánh người ấy với mình và phát hiện chúng ta lệch nhau nhiều quá, hay việc “tuyệt đối hóa” hình ảnh hoàn hảo của người sống chung làm cho không ít người bảo vệ mù quáng bằng những cơn ghen.
“Dịch” ghen nhiều khi xuất hiện giản đơn từ những cuồng nộ mất niềm tin nội tại và mất sự tin tưởng vào người khác nên mọi thứ cứ phải phản ứng mãnh liệt “chồm chồm” và thiếu hẳn đích đến: vì hạnh phúc.
Hay cũng chính từ áp lực của cuộc sống, từ những tác động dài lâu sự hẫng hụt tâm lý làm người ta ghen tuông đến mức gần như ghen ảo hay ghen hoang tưởng.
Chỉ cần người ấy về trễ vài mươi phút là có thể hình dung diễn tiến của sự bội phản đến tận chân tơ kẽ tóc. Và thế là hành động ghen cứ điên cuồng, dữ dội. Nhắn tin trách cứ, gọi liên tục vài chục cuộc điện thoại cho cháy máy, xỉa xói trong bữa cơm gia đình.
Rồi sự hoang tưởng ghen tuông dần đầy lên. Đó chính là một dạng rối loạn nội dung tư duy – nhận thức về tình cảm và sự chung sống. Ở mức độ nhẹ là ám ảnh về việc chồng (vợ) có nhân tình, phản bội mình, còn mức nặng là hoang tưởng những tình huống kỳ quái, không có thực để nuôi dưỡng cho cơn ghen “béo phì” đáng sợ.
Màu sắc hoang tưởng ghen tuông có khi kéo dài rất lâu, từ năm này qua năm khác mà người thân không phát hiện và dần dần trở thành một loại bệnh đáng sợ phá hỏng cả gia đình cũng như chính mình một cách tàn nhẫn.
Đứng trước những hành động trả thù tàn nhẫn bạn đời vì ghen, chúng ta hẳn có người phải tự hỏi vì sao người ta không còn yêu nhau, thương nhau mà không chia tay? Nhiều lý giải rằng do con cái, do nhiều thứ khác như sĩ diện…
Nhưng giá như người ta nên có sự kiểm soát cơn ghen để cho nhau thêm nhiều cơ hội? Điều này không thể dễ nếu mỗi con người chỉ biết yêu thương chính mình mà lại mất tự tin về bản thân, cũng chẳng còn niềm tin vào người khác và chất keo văn hoá của hành trình chung sống.