29/11/2024

Chuyện lạ: Mở tivi bị thu… bản quyền bài hát

Hàng trăm khách sạn bất ngờ nhận được một công văn: ‘Chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc’.

 

Chuyện lạ: Mở tivi bị thu… bản quyền bài hát

Hàng trăm khách sạn bất ngờ nhận được một công văn: ‘Chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc’. 

 

 

 

Chuyện lạ: Mở tivi bị thu... bản quyền bài hát
Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng nhận được công văn yêu cầu nộp tiền tác quyền âm nhạc – Ảnh: Trường Trung

​Lý giải việc thu tiền của hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng, VCPMC cho rằng khách sạn nào chẳng có tivi cho khách coi, mà trên tivi thì có các kênh âm nhạc, chương trình giải trí có sử dụng nhạc.

Nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Ngoài việc bị ra “tối hậu thư” yêu cầu trả tiền, nhiều chủ khách sạn còn bất ngờ khi thấy trong văn bản gửi kèm khoản thu đối với khách sạn có sử dụng… tivi.

“Tối hậu thư” đòi tiền 
tác quyền

 

Đầu tháng 5-2017, hàng trăm khách sạn 1-3 sao tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn từ VCPMC chi nhánh phía Nam thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”.

 

Công văn này nêu rõ sau ngày 10-5 nếu các đơn vị kinh doanh không phản hồi, VCPMC sẽ phối hợp với ngành chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý.

Ông L.V.C., chủ khách sạn trên đường Hoàng Diệu (Q.Hải Châu), nói khách của ông chủ yếu là người nước ngoài nên không sử dụng âm nhạc.

“Họ chưa biết chúng tôi có dùng âm nhạc gì hay không mà gửi công văn “ra lệnh” chúng tôi đến trả tiền. Riêng khoản thu đối với phòng có sử dụng tivi càng vô lý vì tôi sắm để khách xem truyền hình, chứ không hề là công cụ phát nhạc đơn thuần” – ông C. nói.

Ông Trần Thành Quý, giám đốc điều hành khách sạn Sun River (đường Bạch Đằng, Q.Hải Châu), cũng bất ngờ với khoản thu “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm.

“Đây chưa hẳn là khoản tiền lớn, nhưng tôi cho rằng đây là khoản tận thu vô lý. Khách sạn tôi sử dụng dịch vụ truyền hình cáp và đều thanh toán thuê bao hằng tháng.

Tôi là người đi mua dịch vụ của nhà đài thì tôi chỉ chịu trách nhiệm trả tiền cho nhà đài và tôi có quyền xem những chương trình trên ấy, vậy tại sao lại thu tiền của tôi?” – ông Quý nói.

Nơi nào cũng dùng nhạc!?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Trung Cẩn, giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam (người ký gửi công văn), cho biết trước đó VCPMC đã phối hợp với một số đơn vị chức năng thông báo khoản thu này. Khách sạn bất ngờ vì không đi dự họp.

“Đa số khách sạn đều mở nhạc ở khu vực kinh doanh, phòng nghỉ thông qua tivi. Trên tivi còn có các kênh âm nhạc, chương trình truyền hình giải trí có sử dụng âm nhạc như chương trình game show, giới thiệu tác phẩm, tác giả…

Đây là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại điểm b, khoản 1 điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại khoản 1, điều 23 nghị định 100/2006.

Khi sử dụng quyền này, khách sạn có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút thù lao cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại khoản 3 điều 20 của luật này” – nhạc sĩ Cẩn cho biết.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Với những khách sạn dùng bài hát không nằm trong hợp đồng của tác giả với VCPMC tại sao phải trả tiền? Nhạc sĩ Cẩn cho rằng đó chỉ là nhận định chủ quan của chủ khách sạn.

Vì hiện nay VCPMC đang đại diện cho gần 4.000 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc VN và hơn 4 triệu tác giả quốc tế.

Ông Cẩn cũng cho biết đối với các kênh truyền hình, VCPMC chỉ cấp phép giới hạn ở việc sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

“Nội dung này được quy định trong hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCPMC ký kết với các đài không bao gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong khách sạn, nhà hàng, quán bar… thông qua các kênh truyền hình.

Khoản chi phí mà khách sạn phải trả cho truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm tiền nhuận bút trả cho việc sử dụng tác phẩm âm nhạc” – ông Cẩn phân tích thêm.

Chuyện lạ: Mở tivi bị thu... bản quyền bài hát
Công văn đòi thu tác quyền âm nhạc 25 ngàn đồng/phòng/năm đối với khách sạn sử dụng tivi – Ảnh: Trường Trung

Thu sai đối tượng

Ông Hà Vỹ, trưởng Phòng quản lý văn hoá Sở VH-TT Đà Nẵng, cho biết việc thu tiền tác quyền là giao dịch dân sự, tự thoả thuận giữa các bên với nhau.

“Số tiền thu, thu như thế nào thì hai bên tự thoả thuận với nhau. Chỉ khi nào VCPMC có chứng cứ hoặc văn bản đề nghị thanh tra, kiểm tra việc thực thi quyền tác quyền, chúng tôi mới đến kiểm tra các khách sạn” – ông Vỹ nói.

Về việc thu tiền tác quyền đối với khách sạn sử dụng tivi, ông Vỹ nói sẽ nghiên cứu lại bởi việc thực hiện tác quyền âm nhạc trong trường hợp này không giống như trường hợp các chương trình trình diễn trên sân khấu.

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), việc thu tiền tác quyền âm nhạc thực ra là chuyện bình thường.

Nhưng cách mà VCPMC đang triển khai thu tiền tác quyền khiến nhiều cơ sở kinh doanh phản ứng bởi thiếu rõ ràng và pháp luật sở hữu trí tuệ chưa cụ thể được các nghĩa vụ trả phí tác quyền.

“VCPMC đang đổ đồng thu mỗi tivi ở khách sạn 25.000 đồng/phòng/năm và họ giải thích là thu quyền sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng.

Các cơ sở kinh doanh chỉ sử dụng tivi như một công cụ thường dùng, như một vật dụng thường nhật trong đời sống và rõ ràng họ không đặt hàng các nhà đài phải phát bài nhạc gì cho mục đích kinh doanh của họ, việc thụ hưởng các tác phẩm âm nhạc của khách lưu trú nếu có là thụ động.

Khách sạn không chủ động trong việc sử dụng tác phẩm để trình chiếu cho khách lưu trú” – luật sư Cao phân tích.

Cũng theo luật sư Cao, theo nội dung của luật và đối chiếu thực tế thì nên hiểu các đài truyền hình mới là bên sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm, là người làm chương trình, chủ động trình chiếu tới công chúng và việc họ sử dụng tác phẩm âm nhạc là để đảm bảo chương trình của họ hấp dẫn, thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ truyền hình của họ, hưởng lợi từ hoạt động quảng cáo…

Luật cụ thể hơn

“Để quyền sở hữu trí tuệ về âm nhạc hoặc các quyền khác về sở hữu trí tuệ được thực thi tốt, luật cần cụ thể hơn liên quan đến việc quy định rõ chủ thể nào có các nghĩa vụ gì khi sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ.

Việc gõ vào từng phòng khách sạn để đếm tivi mà thu tiền về quyền biểu diễn tác phẩm dường như đang thu sai đối tượng thực sự đang sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc”.

Luật sư Lê Cao

TRƯỜNG TRUNG