Mất tiền vì mời phải luật sư ‘dỏm’
Một người tự xưng là luật sư ký hợp đồng bào chữa với người thân của bị can, sau đó biến luôn, không chịu trả lại tiền ứng trước.
Mất tiền vì mời phải luật sư ‘dỏm’
Một người tự xưng là luật sư ký hợp đồng bào chữa với người thân của bị can, sau đó biến luôn, không chịu trả lại tiền ứng trước.
Cơ quan CSĐT Công an Q.Thủ Đức đang xác minh đơn của chị Văn Thị Thanh Thủy (34 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) tố cáo ông Trần Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả luật sư
Trong đơn tố cáo, chị Thuỷ cho biết em trai của chị là Văn Tấn Ninh đang bị truy tố về tội giết người. Mong muốn có luật sư bào chữa cho Ninh, gia đình chị Thủy tìm đến Trần Văn Tuấn. Tuấn tự xưng là luật sư thuộc văn phòng luật sư Vi Bảo, có thể bào chữa cho em trai chị Thuỷ.
Tuấn còn cho chị Thuỷ xem ảnh Tuấn chụp cùng các luật sư, thẩm phán và kiểm sát viên, đồng thời nói thường xuyên đi toà và tham gia nhiều vụ án lớn.
Ngày 25-12-2017, ông Tuấn mang theo hợp đồng dịch vụ pháp lý của Công ty TNHH MTV Qua Naf (có địa chỉ trụ sở tại P.8, Q.Gò Vấp) do ông làm giám đốc đến nhà chị Thuỷ. Tại đây, ông Văn Giỏi – cha chị Thuỷ – ký hợp đồng bào chữa và đưa cho ông Tuấn 30 triệu đồng.
Trong thời gian này, ông Tuấn thường nhắn tin nói mình đang tiến hành làm thủ tục đăng ký bào chữa cho bị can Ninh. Chị Thuỷ xin được đi theo nhưng Tuấn từ chối. Nghi ngại, chị Thủy đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để hỏi thủ tục bào chữa cho em mình đến đâu.
Cơ quan này trả lời do chưa cung cấp giấy tờ có xác nhận về mối quan hệ của ông Trần Văn Tuấn với bị can Ninh nên chưa đủ cơ sở để làm thủ tục đăng ký bào chữa cho Ninh.
Thấy tình hình có vẻ không ổn, chị Thuỷ và ông Giỏi nhiều lần gọi điện yêu cầu ông Tuấn trả lại tiền nhưng ông Tuấn không hợp tác. Sau đó, tại Công an P.6 (Q.Gò Vấp), ông Tuấn viết giấy cam kết trả tiền cho gia đình chị Thuỷ vào ngày 19-1 nhưng cho đến nay ông Tuấn vẫn không trả tiền.
Thách thức tố cáo
Trong thời gian cơ quan công an thụ lý đơn tố cáo của chị Thuỷ, ông Tuấn nhiều lần nhắn tin thách thức chị Thủy và gia đình tố cáo ông Tuấn đến cơ quan công an.
Theo xác minh tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM, Công ty TNHH MTV Qua Naf đăng ký kinh doanh 21 ngành nghề nhưng không có chức năng tư vấn pháp lý.
Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Công ty TNHH MTV Qua Naf và ông Văn Giỏi, Tuấn giải thích Công ty TNHH MTV Qua Naf tức là văn phòng luật sư Vi Bảo.
Tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM không có văn phòng luật sư Vi Bảo như thể hiện trên hợp đồng. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng xác nhận người tên Trần Văn Tuấn (sinh năm 1986) không phải là luật sư.
Tại địa chỉ có trụ sở Công ty TNHH MTV Qua Naf, chủ nhà cho biết: “Tôi cho thuê nhà một tháng chỉ 5 triệu đồng nhưng ông Tuấn không trả tiền nên tôi đuổi đi cách đây gần 3 năm, từ đó tới nay rất nhiều người đến đây đòi nợ như thế này”.
Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Văn Tuấn – người bị tố cáo – nói: “Khi dùng pháp nhân Công ty TNHH MTV Qua Naf ký hợp đồng pháp lý với ông Văn Giỏi, tôi có nói rằng đây chỉ là cam kết để thực hiện giao dịch, gia đình chị Thủy đồng ý.
Nhưng khi cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp giấy tờ xác nhận mối quan hệ giữa tôi và bị can Ninh thì tôi có nói gia đình chị Thuỷ ký uỷ quyền nhưng họ không đồng ý.
Sau đó tôi nói sẽ cử một người là luật sư tham gia vụ án, chị Thuỷ cũng không chịu và hủy hợp đồng. Trong hợp đồng, tôi không xưng danh là luật sư mà chỉ xưng là người bào chữa”.
Tiếp nhận thông tin này, chị Thủy nói: “Ông Tuấn nói không đúng, khi đưa hợp đồng ông Tuấn nói ba tôi phải ký vô đó, khi nào ba tôi không còn thì tôi mới được ký. Ký xong, nộp công an thì mới cấp giấy cho luật sư bào chữa.
Ông Tuấn đưa ra nhiều thông tin để nói là luật sư, nhưng đến khi không thể làm thủ tục bào chữa, ông Tuấn mới yêu cầu gia đình tôi ký giấy uỷ quyền nhưng ông Tuấn không là luật sư, không quan hệ gì với gia đình thì làm sao tôi ký uỷ quyền cho ông ấy”.
Có dấu hiệu lừa đảo
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), Công ty TNHH MTV Qua Naf không phải là tổ chức hành nghề luật sư nên việc giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý là không đúng quy định pháp luật.
Khách hàng có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng này vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của nó.
Theo khoản 2 điều 72 BLTTHS 2015 thì người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Ông Tuấn không thuộc trường hợp nào trong 4 trường hợp nêu trên nên không thể tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa.
Luật sư Chánh còn nói nếu trước đó ông Tuấn đưa ra thông tin sai lệch, gian dối hoặc tự nhận mình là luật sư, rồi thông qua hình thức ký hợp đồng dịch vụ pháp lý (không đúng quy định) để nhận tiền thì hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những điều cần biết khi thuê luật sư
Luật sư là một chức danh pháp lý được cấp chứng chỉ hành nghề bởi Bộ Tư pháp và hoạt động theo Luật luật sư và bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Luật sư có thể hoạt động với tư cách cá nhân hoặc tổ chức, nhưng cả hai hình thức này đều phải đăng ký và được cấp phép.
Mọi giao dịch dịch vụ pháp lý của luật sư với khách hàng đều phải được lập thành hợp đồng và luật sư đại diện ký nhân danh với một trong các tên gọi: văn phòng luật sư, công ty luật (TNHH hoặc hợp danh) hoặc cá nhân hành nghề và phải đóng dấu đối với tổ chức.
Khi ký giao dịch, người ký hợp đồng không nhân danh tên gọi là luật sư A, B… hoặc một trong các hình thức tên gọi nói trên thì chắc chắn đó không phải là tổ chức hành nghề luật sư.
Để nhận biết luật sư thật hay giả, người dân cần đến văn phòng của họ để giao dịch, tại văn phòng sẽ có bảng hiệu luật sư, nhân viên và thiết bị làm việc.
Người dân cũng có thể tìm hiểu trên mạng để tra cứu thông tin tổ chức, cá nhân của họ hoặc đến tổ chức quản lý nghề nghiệp luật sư là đoàn luật sư các tỉnh thành để tìm hiểu thêm.