Cảm động tiếng đàn nuôi cha mẹ
Với cây đàn, bộ trống, hai cậu bé dáng gầy khô ngày đi học, đêm về xin đi diễn nhạc khắp các quán cà phê, buổi liên hoan, đám cưới… kiếm tiền mua thuốc cho cha mẹ.
Cảm động tiếng đàn nuôi cha mẹ
Với cây đàn, bộ trống, hai cậu bé dáng gầy khô ngày đi học, đêm về xin đi diễn nhạc khắp các quán cà phê, buổi liên hoan, đám cưới… kiếm tiền mua thuốc cho cha mẹ.
Với bộ trống, cây đàn, hai anh em Bảo và Phong mang hạnh phúc đến với mẹ cha – Ảnh: T.Thịnh |
Đó là Huỳnh Phong Bảo (11 tuổi) và Huỳnh Đại Phong (8 tuổi).
Ở một xóm nghèo thuộc xã Ninh An (thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà), hai anh em được trời phú cho một khả năng đặc biệt: biết đánh đàn, chơi trống từ khi còn chưa rõ mặt chữ dù không học qua trường lớp nào.
Học nhạc từ đồ ve chai
Nhà của hai anh em Bảo và Phong nằm tuềnh toàng ở cuối con đường đất dẫn vào thôn, nhìn từ xa thấy trơ một màu gạch đỏ. Ở thôn nghèo Ninh Ích này, người nông dân chất phác quanh năm chỉ bám lấy cánh đồng lúa, lo từng bữa ăn đã khó, chuyện cho con đi học nhạc dường như là một điều xa xỉ.
Vì thế mà cho đến tận bây giờ chị Phạm Thị Ngọc Châu, mẹ của Bảo và Phong, cũng không hiểu vì sao hai đứa con lại biết chơi nhạc nhanh đến thế. Chị kể hai vợ chồng từ nhỏ không được học hành nên lớn lên đọc viết cũng chưa tròn vành rõ chữ, nào biết gì về đàn nhạc hát ca.
Hai đứa con chị lại khác, từ ngày còn bé hai anh em Bảo và Phong đã thích nghe những bản nhạc trên tivi và say mê những âm thanh đến lạ.
“Sau những buổi chăn trâu về, hai đứa nhỏ lại lôi hết đồ đạc trong nhà: nắp nồi, chai, lọ, bát cơm… ra gõ. Thế nhưng với những đồ vật ấy, có khi thậm chí nhặt nhạnh phế liệu bên ngoài hai anh em cũng gõ được những bản âm thanh nghe rất bài bản và vui tai” – chị Châu khuôn mặt rạng rỡ khi nhắc đến con.
Cũng vì đam mê thích thú với âm nhạc mà hai anh em đã tự chế ra các dụng cụ âm nhạc “có một không hai”. Lôi từ trong gầm giường chiếc đàn guitar có thùng đàn làm bằng hộp bánh quy kim loại hình tròn, Bảo nói đây là chiếc đàn được hai anh em lấy từ một cây đàn hỏng bị vứt ngoài cánh đồng về làm lại, gắn dây cước câu cá vào thành dây đàn. Không có tiền mua trống, hai anh em làm dàn trống bằng lon bia, vung nồi để đánh mỗi ngày.
“Giờ thùng đàn bị gỉ sét nhiều, dàn trống bị hư chứ ngày xưa bọn cháu đánh ra âm thanh “ngon” lắm” – Bảo cười.
Một chuyện buồn xảy ra năm 2013 khi Bảo học lớp 3, Phong học lớp 1, anh Huỳnh Văn Vũ (cha các em, nhân lực chính của gia đình) bị tai nạn chấn thương sọ não. Bệnh viện giữ lại được tính mạng nhưng bệnh không chữa được, anh Vũ phải sống đời sống thực vật.
Người dân tới thăm thấy hai đứa bé thơ ngây ngồi trên manh chiếu đánh đàn gõ trống, chốc chốc lại lay lay vai anh Vũ cứ ngô nghê hỏi: “Con đàn hay không ba? Ba cười đi ba”. Thấy thương quá, người dân góp tiền mua cho hai anh em một chiếc đàn organ và một bộ trống với hi vọng sau này có thể đi diễn phụ giúp gia đình.
Chưa từng tiếp xúc với cây đàn, bộ trống; cũng chưa ai dạy về nốt nhạc đồ, rê, mí…, nhưng chỉ cần vài tháng hai anh em đã đánh được điêu luyện. “Bọn cháu nghe nhạc từ tivi, điện thoại, về tự mày mò đánh cho giống. Ban đầu hơi khó nhưng mò mãi rồi cũng ra và nhớ được” – Phong kể.
Đi diễn nhạc mua thuốc cho cha mẹ
Chị Châu bị bệnh tim khuyết tật vận động nên không làm được việc nặng. Từ ngày anh Vũ bị tai nạn, cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc. Thấy Bảo và Phong chơi nhạc nên mỗi khi có dịp đám cưới, liên hoan, sinh nhật, người trong làng thường mời hai anh em biểu diễn lấy tiền phụ giúp gia đình.
Tiếng lành đồn xa, câu chuyện cảm động về hai cậu bé nghèo tại thôn Ninh Ích được nhiều người ở tận Vạn Giã, huyện Vạn Ninh hay Ninh Đa, Ninh Giang (Ninh Hoà)… cũng gọi hai anh em đến diễn.
Tiệc lớn, tiệc nhỏ, biểu diễn góp vui ở quán cà phê chủ yêu cầu gì hai anh em đều cố làm được, nếu cần hát thì Bảo và Phong cũng hát luôn. Mỗi lần đi diễn ở đâu đều có mẹ hoặc bà nội đi theo.
Lặng nhìn hai đứa con vui đùa khúc khích trước sân nhà, chị Châu sụt sùi: “Hai đứa chăm lắm, đi xa đâu cũng đi. Có bận trời mưa lớn, mà tiệc đám cưới ngoài Vạn Ninh cách cả mấy chục kilômet hai đứa vẫn xin đi. Về lúc 2h sáng, người ướt như chuột lột, tắm rửa nghỉ ngơi trong chốc lát sáng mai lại cắp sách tới trường”.
Đi diễn được bao nhiêu tiền hai anh em đều đưa hết cho mẹ để mua thuốc cho cha và lo cho việc học hành. Chị Châu kể cứ mỗi khi đi học về tới nhà là hai anh em lại mở nhạc lên chơi, các em bảo: “Chơi nhạc ba nghe được, ba vui!”.
Thầy Phan Đình Lâm, hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngũ Lão (xã Ninh An) – nơi Bảo đang học, chia sẻ: “Chuyện hai đứa nhỏ đang tuổi ăn học mà phải lăn lộn kiếm tiền nuôi mạ nuôi cha thật sự xúc động và là bài học cho cả những người lớn”. Nhà trường và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ Bảo và Phong trong học tập và các chế độ miễn giảm học phí.
Những lời chia sẻ Chứng kiến hai anh em Bảo và Phong đánh đàn, chơi trống trong đám cưới, biết được câu chuyện cảm động về tình gia đình, nhiều người đã gửi tới những lời chia sẻ động viên. Trong số ấy có lá thư của một cô giáo dạy nhạc ở TP.HCM viết: “Học trò của mình được học nhạc cũng hơn ba năm, nhìn cây đàn chỉ biết ngắm, cho đi học để biết với người ta mà đến bây giờ đánh một bài nhạc còn chưa ra hồn. Mai mốt về Ninh Hoà chơi sẽ dẫn hai con đến thăm hai em để chúng thấy được những bạn cùng tuổi, cùng trang lứa khổ thế nào nhưng vẫn rất giỏi…”. |