29/11/2024

Bị cướp mà không trình báo là vi phạm pháp luật

Ông Lê Hoàng Phong – giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) – đang bị xem xét kỷ luật về hành vi không tố giác tội phạm trong một vụ cướp mà ông là nạn nhân.

 

Bị cướp mà không trình báo là vi phạm pháp luật

Ông Lê Hoàng Phong – giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) – đang bị xem xét kỷ luật về hành vi không tố giác tội phạm trong một vụ cướp mà ông là nạn nhân.

 

 

 

 

Bị cướp mà không trình báo là vi phạm pháp luật

Ông Phong là giám đốc doanh nghiệp, là đảng viên, bí thư chi bộ cơ quan, phải nắm rõ quy định pháp luật.

Lẽ ra khi bị cướp, bất kỳ công dân nào cũng phải có trách nhiệm tố giác tội phạm, đằng này ông lại không trình báo là vi phạm pháp luật. Nếu đúng như thế, Huyện ủy và UBND huyện sẽ tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý phù hợp

Ông Trương Trung Lập (chủ tịch UBND huyện Chợ Mới)

Thượng tá Nguyễn Nhật Trường, trưởng Công an huyện Chợ Mới, cho biết cuối tuần trước ông Lê Hoàng Phong trên đường đi làm về bị 2 đối tượng chặn đường cướp chiếc xe tay ga.

Bị cướp nhưng không trình báo

Theo thượng tá Trường, mặc dù bị cướp nhưng ông Phong không trình báo với cơ quan chức năng. Chiếc xe này được đưa lên Đồng Nai rao bán nhưng không bán được, nên ngày 28-4 đưa trở về nhà một nghi can ở Chợ Mới cất giấu. Người nhà thấy xe lạ bèn gặng hỏi rồi đi trình báo công an.

 

Công an huyện Chợ Mới điều tra, truy bắt 2 nghi can. Sau thời gian thông báo, truy tìm bị hại, cơ quan chức năng phát hiện nạn nhân vụ cướp chính là ông Lê Hoàng Phong.

 

Sự việc được cơ quan công an thông báo cho UBND huyện Chợ Mới. Lực lượng chức năng đặt dấu hỏi vì sao vị cán bộ này không trình báo sự việc bị cướp xe với cơ quan công an để điều tra, truy tìm thủ phạm, tìm lại tài sản bị cướp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-5, ông Trương Trung Lập, chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết UBND huyện và Huyện uỷ đã nắm sơ bộ ban đầu về vụ việc, đồng thời chỉ đạo công an huyện thụ lý điều tra làm rõ chuyện ông Phong bị cướp xe máy và tại sao ông Phong không trình báo cơ quan chức năng, không tố giác tội phạm khi mình bị mất tài sản.

Thông tin ban đầu ghi nhận được có thể ông Phong say xỉn lúc bị mất xe, do không nắm rõ diễn biến xảy ra nên không trình báo.

Theo ông Lập, sau khi công an có kết luận điều tra, UBND huyện và Huyện ủy sẽ xem xét cụ thể và căn cứ vào quy định pháp luật, căn cứ quy định về tổ chức Đảng để có quyết định xử lý với hình thức kỷ luật về hành vi không tố giác tội phạm với ông Phong.

Phạm luật

Trước thông tin có khả năng ông Phong sẽ bị xử lý kỷ luật, nhiều người thắc mắc tại sao ông Phong là nạn nhân vụ cướp xe máy, nay công an tìm được xe, trả lại ông thì tại sao ông lại bị xem xét kỷ luật?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc xem xét kỷ luật ông Phong về hành vi không tố giác tội phạm là có cơ sở.

Theo luật gia Phạm Văn Chung, điều 314 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại điều 313 của bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.

Từ đó có thể hiểu không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, hành vi của ông Phong được thể hiện dưới dạng không hành động, cụ thể là biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại điều 313 (Bộ luật hình sự) đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo luật gia Phạm Văn Chung, việc không tố giác tội phạm còn gián tiếp gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Trong trường hợp này, chính quyền địa phương, cơ quan công an do không được trình báo vụ cướp xảy ra trên địa bàn nên không triển khai truy bắt tội phạm, xử lý vụ việc và nắm bắt tình hình tội phạm cũng như có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, ông Phong là cán bộ lãnh đạo, quản lý, lại là đảng viên. Do đó không những phải nêu cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm mà còn phải có ý thức trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm…

Tuy vậy, ông này lại không tố giác tội phạm, không kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm nên cần xem xét thái độ, tinh thần trách nhiệm của ông này đối với trật tự an toàn xã hội.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng hành vi của ông Phong chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự vì có thể có lý do khách quan nào đó như hoảng loạn, cho rằng có trình báo cũng khó tìm lại hoặc chưa kịp trình báo…

Việc các cơ quan chức năng huyện Chợ Mới xem xét kỷ luật đối với ông Phong là hợp lý, thể hiện đúng bản chất vụ việc, hành vi của người vi phạm.

PHƯƠNG TRANG – ĐỨC VỊNH