28/11/2024

70.000 người gốc Việt không giấy tờ sắp được Campuchia cấp ‘thẻ xanh’

Những người Việt không quốc tịch ở Campuchia có thể sớm trở thành công dân hợp pháp của nước này, chính phủ Campuchia cam kết trong một cuộc họp ngày 27-2.

 

70.000 người gốc Việt không giấy tờ sắp được Campuchia cấp ‘thẻ xanh’

 

Những người Việt không quốc tịch ở Campuchia có thể sớm trở thành công dân hợp pháp của nước này, chính phủ Campuchia cam kết trong một cuộc họp ngày 27-2.

70.000 người gốc Việt không giấy tờ sắp được Campuchia cấp thẻ xanh - Ảnh 1.

Các em học sinh người Việt tại lớp học tình thương trên Biển Hồ ở Campuchia – Ảnh: DUY LINH

Theo báo Phnom Penh Post, có thể hiểu kế hoạch mới của chính phủ Campuchia đối với những cư dân không quốc tịch, không giấy tờ ở nước này giống như chương trình thẻ xanh của Mỹ.

Giống chương trình thẻ xanh của Mỹ

Phát biểu trong cuộc họp ngày 27-2 của Bộ Nội vụ Campuchia, ông Nouv Leakhena – người đứng đầu Cục di trú Campuchia, nói kế hoạch là sự thừa nhận của chính phủ Campuchia đối với những người không có quốc tịch đang sinh sống trên đất Campuchia, bao gồm cả người Việt.

“Nhiều người sống 20, 30 năm ở Campuchia, thậm chí trước cả thời Khmer Đỏ. Họ đâu còn nhà cửa hay dòng họ gì ở Việt Nam. Việc này không nên ghép vào chuyện dân tộc. Chúng ta phải tôn trọng luật quốc tế”, ông Leakhena nói.

 

Theo các quan chức Campuchia, những người chứng minh được đã tới Campuchia trước năm 2012 có thể được cấp một loại giấy tờ có thời hạn 2 năm, cho phép họ trở thành “thường trú nhân” tương tự như chương trình thẻ xanh của Mỹ. 

Điều đó đồng nghĩa những người đã mất hết giấy tờ, mang thân phận “người không quốc tịch” hàng chục năm qua ở Campuchia sẽ sớm nhận được chứng nhận cá nhân mới.

Trước đó, bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách Campuchia đã bắt đầu thu hồi giấy tờ bị cho là “bất bình thường” của hàng chục ngàn người gốc Việt. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Phnom Penh sẽ trục xuất những người này như một số tờ báo phương tây đưa tin.

Nhóm này, cùng với những người không quốc tịch, sẽ đăng ký với chính quyền, với tư cách người nước ngoài nếu đáp ứng được các điều kiện đưa ra.

“Không phải tất cả đều sẽ được công nhận là thường trú nhân. Khi những người này đến đăng ký, chúng tôi vẫn phải kiểm tra lý lịch các thứ. Nhưng tôi tin là gần như tất cả đều sẽ được”, ông Leakhena cho biết.

Việc trở thành thường trú nhân có thể mở đường cho việc trở thành công dân hợp pháp của Campuchia. 

Theo quy định hiện hành, người nước ngoài sau thời gian 7 năm sinh sống ở nước này, nói thông thạo tiếng Khmer, có thể nộp đơn xin trở thành công dân Campuchia.

Tăng nguồn thu thuế

Động thái mới của chính quyền Campuchia nhận được sự hoan nghênh của một số nhóm hoạt động nhân quyền. 

Tuy nhiên, theo bà Lyma Nguyen, luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt nam trong phiên toà xét xử Khmer Đỏ, Phnom Penh nên linh hoạt trong cách xử lý vấn đề người Việt ở Campuchia.

Theo bà Lyma, nhiều người Việt sở hữu giấy tờ hợp pháp và đã là công dân Campuchia hẳn hoi nhưng vẫn bị tước mất giấy tờ, mất thân phận hợp pháp. Và cho dù đáng lẽ họ đã là công dân Campuchia, họ vẫn sẽ mất ít nhất 7 năm để trở về thân phận cũ.

“Chính quyền nên xem xét dưới góc độ cá nhân, về các mối quan hệ gia đình, làng xóm của người đói”, bà Lyma nói.

Trong một tuyên bố mang tính trấn an các tiếng nói phản đối của dư luận, ông Leakhena nói trọng tâm của chương trình “thẻ xanh Campuchia” không phải là bước đi nhằm hợp thức hóa thân phận của người Việt không quốc tịch ở Campuchia. 

Chỉ ra các động thái gần đây ở Thái Lan và Malaysia, ông Leakhena cho rằng chính phủ chỉ đang cố gắng kiểm soát người nhập cư ở Campuchia và người Việt chỉ là một trong số này. Mục đích chính là nhằm tăng nguồn thu thuế từ các lao động nước ngoài bất hợp pháp ở Campuchia, vốn đã khiến nước này thất thoát gần 23 triệu USD trong năm 2017.

Các quan chức di trú Campuchia thừa nhận phần lớn lao động nước ngoài bất hợp pháp là người Trung Quốc. Họ theo các dòng vốn đầu tư đổ vào Campuchia, tham gia vào các công trình xây dựng casino, khách sạn và tạo ra những hệ lụy về mặt xã hội đối với Campuchia.

Theo ông Leakhena, bắt đầu từ ngày mai (1-3), trong vòng 1 tháng, những người sử dụng lao động nước ngoài ở Campuchia phải đến trình báo và xin cấp giấy phép lao động cho lao động mà họ đang thuê. Quá thời hạn trên những lao động không đăng ký sẽ bị trục xuất về nước.