Ly dị không chỉ là chuyện người lớn
Thực tế những cuộc ly thân hay ly dị đều ở mức đỉnh điểm của mâu thuẫn không thể hoà giải.
Ly dị không chỉ là chuyện người lớn
Thực tế những cuộc ly thân hay ly dị đều ở mức đỉnh điểm của mâu thuẫn không thể hoà giải.
Và phần nhiều những cuộc chia tay (vì ngoại tình, vì quan điểm, vì kinh tế…) thường để lại nhiều hệ lụy. Hệ lụy lớn nhất chính là những đứa trẻ, sau cuộc chia tay của cha mẹ, hình ảnh về ba hoặc mẹ có thể xấu xí theo từng ngày.
Có tiền dễ sinh hư?
Anh chị hàng xóm với tôi từng có cuộc sống gia đình êm ấm, khá giả. Vậy mà chỉ vì sự ham vui của vợ khi tiền bạc rủng rỉnh, kéo theo sự tiêu xài xa xỉ cho việc làm đẹp, ăn chơi, rồi trong một lần đi với đối tác, chị đã không kiểm soát được bản thân. Một lần thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba… và rồi chị bị phát hiện.
Tưởng chừng chị ăn năn, hối lỗi nhưng “ngựa quen đường cũ”, chị vẫn thi thoảng có những chuyến đi qua đêm bất thường và mâu thuẫn vợ chồng ngày càng lên cao.
Chồng chị vốn hiền lành, kinh doanh thu nhập tốt, song bị vợ cắm sừng cũng đâm ra chán nản, muốn khẳng định cho vợ biết mình cũng không thua kém. Thế là anh lại dính vào một mối tình “già nhân ngãi, non vợ chồng”.
Thật trớ trêu, khi vụng trộm với bồ anh cũng bị phát hiện. Vậy là bà ăn nem ông ăn chả cũng chẳng khác gì nhau. Khi không còn níu kéo được, họ đã làm đơn ra tòa, hai đứa con ở với chị, còn anh đi thuê trọ một nơi khác.
Trường hợp khác, gia đình anh bạn cùng quê với tôi cũng vừa mới phải đưa nhau ra tòa. Anh thường đi công tác xa, chị là giáo viên trung học, những năm đầu dù thuê trọ họ vẫn sống hạnh phúc cùng đứa con trai kháu khỉnh.
Tuy nhiên, vì vợ là con gái duy nhất nên anh chiều theo ý vợ mà chuyển về bên nhà ngoại ở. Và mẹ vợ kinh tế khá nên thường lo tươm tất cho cả gia đình, anh mặc cảm và thường xuyên bất đồng với mẹ vợ. Rồi khi mâu thuẫn đỉnh điểm vợ chồng đều thống nhất ly dị, đứa con trai ở với chị.
Đừng để con chịu nỗi đau gấp đôi
Khi sống trong gia đình cha mẹ luôn mâu thuẫn, nhiều trẻ chưa hiểu gì chuyện đời nhưng hằng ngày bị mẹ hoặc cha truyền những tư tưởng xấu về người đã sinh thành ra chúng để lôi kéo về phía mình.
Ở câu chuyện thứ nhất, sau khi ly hôn, chị cấm không cho anh đến nhà và cũng cấm không cho các con tiếp xúc với cha. Hằng tháng, chị nhận tiền từ tài khoản của anh để nuôi con. Các con chị mỗi khi ai đó nhắc đến cha thì chúng trả lời ngay: “Mẹ nói ba là người xấu, ba cháu bỏ hai con đi với người khác”.
Ở câu chuyện thứ hai cũng tương tự, sau khi cha mẹ ly dị, đứa bé bị ảnh hưởng nhiều tư tưởng của bà ngoại và mẹ. Hai người phụ nữ gần gũi bé nhất luôn vẽ ra hình ảnh xấu xí của người cha để gieo rắc trong đầu bé.
Có lần anh bạn tôi chở con đi chơi, đứa con 5 tuổi nói với ba: “Ba ơi! Sao ba không thương con mà đến gặp con làm gì. Chỉ có bên ngoại mới thương con”. Anh bạn tôi vừa thương con vừa bức xúc nên gọi điện cho chị để rõ đầu đuôi. Chị trả lời ngay: “Tôi nói với con vậy đó!”.
Theo những nghiên cứu tâm lý, những quá khứ đen tối thời thơ ấu thường để lại dấu ấn tiêu cực suốt cuộc đời. Trẻ sẽ thường mang theo cảm giác tự ti, mặc cảm, khó hoà nhập với các bạn. Trẻ lớn lên bao giờ cũng có khoảng trống trong lòng. Đặc biệt, khi trẻ bị cha hoặc mẹ nhồi nhét những tư tưởng xấu về người kia, lớn lên trẻ càng căm ghét và hận thù.
Chỉ khi trưởng thành, hiểu rõ cuộc đời trẻ mới có thể bao dung, tha thứ hoặc bỏ qua những vết thương lòng đó. Nhưng khó mà chữa lành bởi đã hằn sâu những vết đau quá khứ.
Hậu chia tay, có không ít người đã tỏ ra đắc thắng vì đã kéo con về phía mình. Nhưng xin đừng dùng đứa trẻ làm công cụ trung gian để đối đầu với “đối phương”. Nhân cách con trẻ vì thế cũng bị méo mó, lệch lạc vì chạy theo mục đích riêng của người lớn.
Dù thế nào đi nữa, khi cha mẹ “đường ai nấy đi” đừng để trẻ gánh lấy gánh nặng tinh thần thêm nữa. Nếu đã giải phóng cho nhau, cần nói với những đứa trẻ khi chúng đủ hiểu biết rằng: Cha mẹ vì không hợp nên không chung sống được nhưng cha mẹ lúc nào cũng thương yêu con. Mỗi người nên vì tương lai con trẻ mà để cho trẻ có cơ hội được gặp cha hoặc mẹ chúng thường xuyên, không chỉ để tình cảm cha – mẹ và con cái gắn kết, cộng hưởng mà còn có thể giáo dục con nên người.
Hi vọng khi ly hôn, cha mẹ có những cách ứng xử văn hóa để con trẻ không phải chịu thêm những tổn thương.