29/11/2024

Vợ chồng ‘vênh’ nhau

Trong cuộc sống gia đình, trước khi trở thành vợ chồng, hai người đã có quá trình tìm hiểu rồi mới đến với nhau. Dù vậy, không hẳn ai cũng đoan chắc đã hiểu hết và tương hợp với bạn đời.

 

Vợ chồng ‘vênh’ nhau

Trong cuộc sống gia đình, trước khi trở thành vợ chồng, hai người đã có quá trình tìm hiểu rồi mới đến với nhau. Dù vậy, không hẳn ai cũng đoan chắc đã hiểu hết và tương hợp với bạn đời.

 

 

 

Vợ chồng 'vênh' nhau

Khi cái nết ăn cũng khác

Đứa em họ gọi cho tôi lúc đã gần 21h, với giọng khẩn cầu: “Anh ra quán… ở địa chỉ… cho em gặp một chút. Em có việc cần gặp anh”. Ra đến nơi, nhìn thấy em ngồi một mình lai rai, tôi biết rằng gia đình em đang có chuyện. Qua trò chuyện, tôi được biết: khởi nguyên của câu chuyện lần này là việc hai vợ chồng em “vênh” nhau trong ăn uống.

Chuyện là, tuần trước, thấy vợ mệt, cậu ấy đi chợ nấu ăn. Dọn cơm ra, người vợ ngao ngán khi thấy một tô hột vịt lộn cùng đĩa rau luộc. Thấy vậy, người vợ cằn nhằn chồng: “Ở đời có ai ăn hột vịt lộn với cơm bao giờ đâu”.

Vì nghĩ hột vịt lộn chứa nhiều chất dinh dưỡng nên mới mua về cho vợ mau khỏe, ai dè vợ lại càm ràm nên cậu ấy đành chữa cháy bằng cách chạy đi mua phở. Rút kinh nghiệm, hôm sau cậu ấy vào siêu thị mua thực phẩm về nấu ăn, trong đó không quên làm một đĩa rau muống xào tỏi cho có màu xanh và dễ ăn. Lần này, vợ có vẻ vui hơn nhưng vẫn phê bình món rau muống xào tỏi của chồng gay gắt.

 

Nào là “Người ta chỉ xào rau lang với tỏi, chứ chả có ai lại đi xào rau muống với tỏi cả”. Cậu em tôi cố thanh minh: “Ở các nhà hàng người ta vẫn bán đó, lần nào đi nhậu mà tụi anh chẳng ăn”. “Chỉ có mấy ông nhậu tụi anh mới ăn vậy, anh không thấy là có bao giờ em xào rau muống với tỏi đâu”- người vợ tiếp tục. Tuy vẫn chịu khó lắng nghe để êm cửa, ấm nhà, nhưng cậu em tôi phóng xe ra quán, gọi tôi ra để giãi bày.

 

Dù sống với nhau thời gian dài hay ngắn cũng không đồng nghĩa với việc giữa vợ, chồng đã thấu hiểu hết về nhau, đã thực sự tương thích nhau về mặt tâm lý. Chuyện “vênh” nhau một sở thích nào đó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: họ đến từ những vùng miền khác nhau, nhận thức, quan điểm, tính cách, sở thích, khẩu vị… khác nhau. Điều đó cũng góp phần vẽ nên bức tranh muôn màu, muôn vẻ của đời sống gia đình.

“Ta “vênh”, ta hiểu, ta thương nhau hoài”

Hôm rồi một chị bạn tôi quen đã đăng một trạng thái đầy tâm trạng trên tài khoản Facebook của mình. Trong đó, chị kể hơn 10 năm là vợ chồng mà ông xã chưa có một món quà nho nhỏ nào tặng mình. Tuy tự an ủi “có người chồng hiền lành, thương mình là đủ”, nhưng chị cũng cảm thấy “tủi và cô đơn” khi thấy bạn bè mình được chồng họ tặng quà nhân các ngày kỷ niệm, còn mình thì không!

Nhiều chị em có cùng cảnh ngộ như chủ nhân của Facebook nói trên tỏ ra thông cảm, chia sẻ và lên án các ông chồng vì thiếu quan tâm đến họ. Trong khi đấng phu quân của họ vẫn khăng khăng “đã là vợ chồng rồi thì cứ sống thật với nhau, không nên khách sáo như vậy”.

Để tường tận hơn về sự tương thích tâm lý trong đời sống vợ chồng, chúng tôi đã thảo luận nhóm trên hai nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng tuổi từ 25 – 35 và từ 36 – 45. Kết quả cho thấy đại đa số cặp vợ chồng chúng tôi trò chuyện đều thừa nhận tình trạng không tương thích về mặt tâm lý, hoặc “vênh” nhau ở một số trường hợp cụ thể trong đời sống vợ chồng của họ vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng đó là các chuyện nhỏ, nó diễn ra ở mức độ chấp nhận và có thể dung hoà được. Chỉ có một số ít các cặp vợ chồng tham gia thảo luận khẳng định sự không tương thích về mặt tâm lý đó đôi khi là khởi nguồn cho một cuộc tranh cãi, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ.

Rõ ràng, cặp vợ chồng nào có sự tương hợp về mặt tâm lý càng cao, cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc hơn. Điều này cũng không đồng nghĩa với chiều hướng ngược lại, bởi nhiều cặp vợ chồng dù khẳng định họ “vênh” nhau nhiều nhưng cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc.

Dù thừa nhận sự “vênh” nhau luôn tồn tại trong đời sống vợ chồng nhưng hầu hết các cặp vợ chồng đều khẳng định họ có khả năng tự điều chỉnh trên cơ sở “chín bỏ làm mười” để cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc, bởi “không thể tìm được sự tương hợp tuyệt đối, mà chính sự “vênh” nhau đó có khi lại làm cho cuộc sống trở nên thú vị”.

Hẳn là có lý khi trong một cuộc thảo luận nhóm, một ông chồng đã góp vui trước mặt vợ mình và mọi người bằng câu thơ như sau: “Vênh nhau là chuyện bình thường/ Ta vênh, ta hiểu, ta thương nhau hoài”.

NGUYỄN QUẾ DIỆU