Cần quy trình đặc biệt để xử lý xâm hại tình dục trẻ em
Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, đang có những bất cập trong việc phối hợp giữa ngành y tế và công an khi giám định trẻ em bị xâm hại tình dục
Cần quy trình đặc biệt để xử lý xâm hại tình dục trẻ em\
Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, đang có những bất cập trong việc phối hợp giữa ngành y tế và công an khi giám định trẻ em bị xâm hại tình dục
Ngày 27.3, Uỷ ban Tư pháp và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc họp xem xét việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; đại diện các bộ ngành, đoàn thể liên quan và một số chuyên gia, luật sư.
TIN LIÊN QUAN
‘Thiếu chứng cứ, nhiều vụ trẻ bị xâm hại không thể đưa ra ánh sáng’
“Rất đau lòng khi những vụ biết rõ trẻ bị xâm hại nhưng không thể đưa ra ánh sáng do thiếu chứng cứ, trễ chứng cứ”, luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, bức xúc.
4 năm xảy ra 5.300 vụ
Báo cáo được các cơ quan chức năng trình bày tại cuộc họp cho thấy tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, từ 2012 – 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó có 5.300 vụ bị XHTD. Theo báo cáo của Viện KSND tối cao, từ cuối 2016 đến hết tháng 2 vừa qua đã khởi tố 168 vụ với 164 bị can, truy tố 167 vụ với 173 bị can và xét xử 158 vụ với 162 bị cáo. Báo cáo từ Bộ Y tế cho biết, hằng năm, các cơ quan giám định khoảng 2.000 vụ có dấu hiệu bị XHTD trẻ em.
Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN dẫn số liệu từ Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết riêng năm 2016, toàn quốc phát hiện 1.641 vụ xâm hại trẻ em, gồm 1.807 đối tượng, 1.627 nạn nhân bị xâm hại, trong đó có 1.248 vụ XHTD trẻ em, chiếm 77% tổng số vụ. Trong số các vụ xâm hại, tội giao cấu chiếm đến 677 vụ, hiếp dâm 446 vụ, dâm ô 189 vụ… Phần lớn đối tượng phạm tội xâm hại trẻ em là nam giới (1.756 đối tượng, chiếm tỷ lệ 97,2%), chủ yếu trên 18 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, đa phần là những người quen, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu trẻ em gái (1.358 cháu, chiếm 84%), phần lớn trong độ tuổi từ 13 – 16 (1.037 cháu), còn lại dưới 6 tuổi (120 cháu).
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, nhận thức của cộng đồng và xã hội còn hạn chế, còn tình trạng đổ lỗi cho các bé bị xâm hại. Vai trò trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng và nhà trường chưa được coi trọng. Sự phối hợp liên ngành trong thực thi chính sách và pháp luật về trẻ em chưa hiệu quả. Quy trình tố tụng kéo dài, thiếu nhạy cảm gây tổn thương cho nạn nhân và gia đình. Các bậc phụ huynh thiếu kỹ năng ứng phó khi phát hiện con bị xâm hại hoặc do tâm lý e ngại nên thường không tố giác tội phạm hoặc có thể bị đe dọa, thậm chí bị dùng tiền mua chuộc, tìm cách hòa giải…
Khi báo chí lên tiếng thì mới khởi tố
Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, đang có những bất cập trong việc phối hợp giữa ngành y tế và công an khi giám định trẻ em bị XHTD. Theo thủ tục thì phải có giấy của công an, ngành y tế mới giám định dẫn đến việc không thể lưu giữ được chứng cứ xác định hành vi xâm hại. Bà Hồng đề nghị cần cơ chế phối hợp để các cơ sở y tế địa phương có thể khám nghiệm, lưu giữ chứng cứ sau đó gửi tới cơ quan giám định.
Theo ĐBQH Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, số liệu mà các cơ quan chức năng đưa ra rất khác nhau tại cuộc họp cho thấy dường như vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. “Nhiều ngành đánh giá vấn đề là nghiêm trọng, phức tạp nhưng dựa trên cơ sở nào khi các số liệu mà cơ quan công an, kiểm sát, toà án hoàn toàn khác nhau?”, ĐB Nguyễn Thái Học đặt vấn đề. Theo ông Học, nhiều vụ việc mặc dù có đơn thư tố giác nhưng không xử lý được rồi đình chỉ. Nhưng sau khi báo chí lên tiếng, lãnh đạo cấp cao chỉ đạo thì lại khởi tố được.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, do tính đặc thù của loại tội phạm này, cần có giải pháp để phòng chống hiệu quả. Vì đối tượng đặc biệt nên quy trình khởi tố, xử lý tin báo, điều tra và kiểm sát điều tra phải đặc biệt. Bà Nga cũng đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, sớm ban hành văn bản về quy trình đặc biệt, hướng dẫn nghiệp vụ xử lý tin báo liên quan đến tội phạm này đảm bảo kịp thời hiệu quả.
Khởi tố bị can dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu
Chiều 27.3, Viện KSND TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại) của Cơ quan CSĐT cùng cấp đối với Nguyễn Khắc Thuỷ (77 tuổi, ngụ chung cư Lakeside, P.Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) để điều tra hành vi dâm ô trẻ em. Một lãnh đạo Viện KSND Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay vào năm 2014, ông Thuỷ đã thực hiện hành vi dâm ô với một cháu gái tên A. (có nhân chứng nhìn thấy) phía sau chung cư Lakeside. Sau đó, cháu A. cùng gia đình ra Hà Nội sinh sống. Mới đây, cháu A. cùng mẹ từ Hà Nội vào TP.Vũng Tàu xác nhận vụ việc với Công an TP.Vũng Tàu.
Trước đó, ngày 12.3, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Công an, Viện KSND tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ vụ việc. Đến ngày 15.3, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo Viện KSND TP.Vũng Tàu yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP.Vũng Tàu ra ngay quyết định khởi tố bị can Nguyễn Khắc Thuỷ về tội dâm ô với trẻ em.
Nguyễn Long
|
Trường Sơn