‘Nuy’ chưa bị phạt, câu cá vẫn vô tư
Nhiều hành vi gây hại cho cộng đồng như kinh doanh ở chung cư; “khoe thân” nơi công sở, đền chùa… bị cấm nhưng không có quy định chế tài, xử phạt.
‘Nuy’ chưa bị phạt, câu cá vẫn vô tư
Nhiều hành vi gây hại cho cộng đồng như kinh doanh ở chung cư; “khoe thân” nơi công sở, đền chùa… bị cấm nhưng không có quy định chế tài, xử phạt.
Trên thực tế đang có nhiều hành vi xâm hại đến lợi ích của cộng đồng không bị xem là vi phạm pháp luật để phải chịu các chế tài phù hợp. Từ chỗ chính quyền chỉ đơn thuần cấm đoán và kêu gọi ý thức tự giác chấp hành mà kết quả thực thi của các cá nhân, tổ chức hết sức phập phù.
Chỉ được yêu cầu “mặc ngay quần áo vào”
Hẳn mọi người còn nhớ chỉ hai tuần sau khi video clip “Anh không đòi quà” được phát hành trên YouTube, nhiều bạn trẻ các vùng miền đua nhau chế lại video clip này để tung lên mạng.
Trong các video clip đều có cảnh nữ nhân vật chính đi giữa đường phố lần lượt cởi bỏ đồ đạc, quần áo, chỉ còn lại… áo ngực và quần lót.
Những hình ảnh “gợi cảm” đó làm nhiều người nghĩ ngay đến hành vi vi phạm quy định nếp sống văn minh, từng được nghị định 73/2010 quy định mức chế tài.
Theo đó, hành vi “không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hoá, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” có thể bị phạt từ 60.000 – 100.000 đồng.
Ngặt nỗi nghị định 73/2010 đã được thay thế bằng nghị định 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội…) mà với nghị định 167/2013 thì việc không mặc gì hay chỉ mặc quần áo lót nơi đông người không còn bị xem là hành vi vi phạm hành chính.
Bấy giờ, cơ quan có thẩm quyền đã vận dụng nghị định 75/2010 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa) để phạt các cô gái thích khoe thân về việc vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, mà cụ thể là “mặc trang phục, hoá trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam”.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tới đây có ai đó vì thích và nghiện “nuy” (không có “hơi hám” biểu diễn nghệ thuật) mà mặc kệ nơi công cộng hay công sở, đền, chùa…? Khi ấy lực lượng chức năng chỉ còn cách nửa mặn nửa ngọt “mặc ngay quần áo vào” để dân tình đỡ thất kinh.
Lệnh cấm bị phớt lờ
Chung cư để ở chứ không được làm cửa hàng hay văn phòng vì sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, như: tăng quy mô dân số, lưu lượng người ra vào, ảnh hưởng an ninh trật tự, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật…
Vì lý do này mà Luật nhà ở 2014 quy định các căn hộ chung cư đều có mục đích chung duy nhất là để ở và nghiêm cấm hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.
Căn cứ vào đó, nghị định số 99/2015 của Chính phủ hướng dẫn: Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật nhà ở có hiệu lực thi hành (1-7-2015) thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành.
Sau ngày 10-6-2016, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.
Tuy nhiên thực tế thì khác hẳn. Theo thống kê của Sở KH-ĐT TP.HCM, hiện TP có cả ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký trụ sở tại các chung cư. Mặc dù vào tháng 11-2016 sở này đã phát thông báo yêu cầu các DN di dời nhưng đến nay vẫn còn khá nhiều DN án binh bất động.
Gần đây, UBND TP đã chỉ đạo các quận huyện gửi văn bản yêu cầu các đối tượng kinh doanh thực hiện nghiêm quy định trên. Điều đáng nói là nếu DN vẫn khư khư “cãi lệnh” thì không biết chính quyền sẽ chế tài sao vì hiện không có quy định.
Do được ban hành trước khi có Luật nhà ở 2014 nên nghị định 121/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…) không quy định hành vi dùng nhà chung cư vào mục đích kinh doanh là vi phạm.
Tại thời điểm này, dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 121/2013 dự kiến phạt từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Thông tin này chỉ để tham khảo chứ không thể áp dụng ngay được.
Cấm cứ cấm, câu cứ câu
Ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau khi cải tạo, chính quyền đã thả xuống đây hàng chục tấn cá để vừa tạo cảnh quan, vừa cân bằng sinh thái. Thế mà hằng ngày có nhiều người đã đến kênh để câu cá bất chấp biển cấm. Tại kênh Tàu Hủ – Bến Nghé cũng có tình trạng câu cá tương tự.
Trong hoạt động thuỷ sản, nghị định 103/2013 chỉ xử phạt các hành vi khai thác các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác, vi phạm các quy định về thời gian cấm khai thác hay khai thác các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác…
Đối với hành vi câu cá trên các tuyến kênh nội ô, có lẽ do không tiên liệu được loại vi phạm này nên nghị định trên đã không điều chỉnh.
Do vậy, như ý kiến của một lãnh đạo Sở NN&PTNT TP.HCM là “sẽ tham mưu để Chính phủ bổ sung việc xử phạt hành vi câu cá trên các kênh rạch, ao, hồ trong khu vực đô thị”.
Còn trước mắt các cơ quan có thẩm quyền cố gắng vận dụng các quy định đang có để xử phạt… gián tiếp.
Chẳng hạn, áp dụng nghị định 46/2017 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) để xử phạt người câu cá có hành vi dừng, đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường.
Hoặc áp dụng nghị định 93/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thuỷ nội địa) để xử phạt hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông; hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện…
Chính quyền phải có thái độ trước các vi phạm Luật pháp và đạo đức là hai công cụ dùng để điều chỉnh hành vi của các cá nhân cho phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng. Theo đó, khi đã xác định những quy tắc, chuẩn mực mà mọi người buộc phải thống nhất thi hành, các cơ quan có thẩm quyền cần đồng thời ban hành các biện pháp chế tài kèm theo để qua đó những người vi phạm phải chịu các hậu quả pháp lý bất lợi. Mức chế tài cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất của hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại… Với nguyên tắc này, nếu đã xác định cấm sử dụng nhà chung cư vào các mục đích không phải để ở, cấm câu cá trên kênh rạch nội ô vì có thể làm ảnh hưởng đến môi trường, cấm các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị…, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung các quy định về việc chế tài nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Khi thể hiện được thái độ của Nhà nước đối với những hành vi vi phạm pháp luật, các chế tài đó sẽ có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, góp phần hạn chế vi phạm, đảm bảo được việc tuân thủ pháp luật. |