29/11/2024

Gian nan đòi bồi thường bảo hiểm

Tình trạng các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra khá phổ biến nhưng các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

 

Gian nan đòi bồi thường bảo hiểm

 Tình trạng các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra khá phổ biến nhưng các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

 

 

 

Gian nan đòi bồi thường bảo hiểm

Công ty SL đóng trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bắt đầu hoạt động kinh doanh vào năm 2010.

Theo Luật bảo hiểm hiện hành, Công ty SL bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động tại Cơ quan BHXH thị xã Dĩ An.

“Quên” đóng bảo hiểm

Thế nhưng từ tháng 2-2015 đến tháng 8-2015 công ty này không thực hiện nghĩa vụ của mình cho dù hằng tháng vẫn khấu trừ tiền BHXH, BHYT và BHTN vào lương của người lao động.

Theo xác nhận của Cơ quan BHXH thị xã Dĩ An, số tiền bảo hiểm của Công ty SL trên 1,2 tỉ đồng. Để buộc Công ty SL thực hiện nghĩa vụ, Cơ quan BHXH thị xã Dĩ An khởi kiện ra tòa án.

Tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND thị xã Dĩ An quyết định Công ty SL phải nộp cho BHXH thị xã Dĩ An toàn bộ tiền BHXH, BHYT và BHTN.

Theo quy định tại điều 122 Luật BHXH năm 2014, hành vi trốn, chậm đóng tiền BHXH, BHTN hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động từ 30 ngày trở lên thì người có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Nghị định 95/2013 ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi trên và nếu người bị xử phạt không tự nguyện thi hành sẽ bị cưỡng chế theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Chủ tịch UBND có 
thẩm quyền xử phạt

Theo công văn số 105/TANDTC ngày 14-4-2016 của TAND tối cao hướng dẫn về việc thi hành Luật BHXH nêu rõ: kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2016), tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động.

Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật lao động, Luật BHXH và Luật xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy kể từ ngày 1-2-2016, việc buộc người sử dụng lao động đóng các khoản tiền bảo hiểm bắt buộc không bằng một bản án có hiệu lực của tòa án như trước đây mà bằng một quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền là chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Do vậy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND thị xã Dĩ An đã không còn hiệu lực vì giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền.

Vì thế, việc buộc Công ty SL đóng các khoản tiền bảo hiểm bắt buộc cho người lao động phải làm lại từ đầu và người chịu thiệt thòi vẫn thuộc về người lao động.

Kiện đòi bồi thường

Dù Luật BHXH năm 2014 và các nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ về các biện pháp hành chính xử lý hành vi chậm đóng các khoản tiền BHXH của người sử dụng lao động nhưng UBND và Cơ quan BHXH thị xã Dĩ An không thực hiện triệt để.

Hậu quả hành vi chậm nộp các khoản tiền bảo hiểm bắt buộc tại các doanh nghiệp kéo dài mà không bị nhắc nhở, chế tài.

Theo biên bản kiểm tra tình hình trích nộp BHXH tại Công ty SL tính đến tháng 6-2016 công ty này còn nợ trên 2,6 tỉ đồng.

Hậu quả là khi có nghỉ việc, công ty không thể giao trả sổ BHXH (có xác nhận của cơ quan BHXH về thời gian đóng các khoản bảo hiểm) cho người lao động để họ làm thủ tục hưởng BHTN.

Theo Cơ quan BHXH thị xã Dĩ An, lý do không xác nhận về thời gian đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động là do Công ty SL còn nợ các khoản tiền bảo hiểm bắt buộc. Vì thế người lao động khởi kiện đến tòa án yêu cầu buộc Công ty SL phải bồi thường tiền BHTN.

Theo hồ sơ, chị T.D. và chị T.N. khởi kiện đòi Công ty SL bồi thường tiền BHTN.

Trải qua hai phiên tòa kéo dài từ năm 2015 – 2016, bản án sơ thẩm của TAND thị xã Dĩ An và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương đều nhận định do Công ty SL không giao trả sổ BHXH (có xác nhận của cơ quan BHXH) nên người lao động không đủ điều kiện hoàn thành thủ tục đăng ký hưởng BHTN, trong khi đó thời hạn đăng ký đã hết nên buộc Công ty SL phải bồi thường tiền BHTN cho chị T.D. và chị T.N..

Thế nhưng, Công ty SL vẫn khẳng định việc trả tiền BHTN là trách nhiệm của cơ quan BHXH nên tiếp tục đề nghị Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Qua xem xét hồ sơ, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nhận thấy hai cấp tòa án đã xét xử đúng pháp luật nên không có căn cứ để kháng nghị, yêu cầu Công ty SL thi hành bản án của toà án.

Theo khoản 3, điều 47 Luật lao động năm 2012, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động làm thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho người lao động.

Nếu người sử dụng lao động không trả lại sổ BHXH dẫn đến việc người lao động không đăng ký hưởng BHTN đúng thời hạn thì người sử dụng lao động phải bồi thường.

Trong trường hợp này, người lao động phải làm đơn khởi kiện vụ án dân sự đến tòa án nơi người sử dụng lao động có trụ sở làm việc. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích của người khởi kiện bị xâm hại.

NGUYỄN MINH SƠN