Vì sao khách VIP liên tục bị mất tiền?
Bà Chu Thị Bình không phải là trường hợp đầu tiên bị mất tiền trong sổ tiết kiệm. Trước đó đã xảy ra các trường hợp mất số tiền lớn trong sổ tiết kiệm. Rất nhiều trường hợp bị mất tiền là khách hàng VIP. Vì sao?
Vì sao khách VIP liên tục bị mất tiền?
Bà Chu Thị Bình không phải là trường hợp đầu tiên bị mất tiền trong sổ tiết kiệm. Trước đó đã xảy ra các trường hợp mất số tiền lớn trong sổ tiết kiệm. Rất nhiều trường hợp bị mất tiền là khách hàng VIP. Vì sao?
Quy trình gửi tiền của khách VIP
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại Q.3 cho biết quy trình mở sổ tiết kiệm lúc nào cũng có ít nhất 3 “tay” (như sơ đồ), kể cả mở sổ tại quầy hay tại nhà nhằm kiểm soát lẫn nhau và giảm thiểu rủi ro.
Thậm chí, có NH còn chặt chẽ hơn khi quy định quản thủ con dấu. Tức khi giao dịch hoàn tất và người có thẩm quyền đã ký trên sổ thì sẽ có người đóng con dấu cuối cùng. Chứ người có thẩm quyền cũng không được phép giữ con dấu để vừa ký vừa đóng dấu lên sổ tiết kiệm.
Quy định chặt chẽ là vậy nhưng trên thực tế mỗi NH đều có chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng VIP, thậm chí có những ngoại lệ riêng.
Để cạnh tranh và thu hút khách đến gửi số tiền lớn, nhiều NH cho phép khách hàng VIP không đến quầy, chi nhánh để giao dịch mà được phép uỷ quyền cho người khác hoặc uỷ quyền cho cán bộ NH là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của NH thay thế họ thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền…
“Từng có nhiều vụ tiền trong sổ tiết kiệm “bốc hơi” xảy ra, hoặc tiền không vào NH như vụ Huyền Như. Nhưng không ít người gửi tiền vẫn chưa có thói quen kiểm tra chéo để ngăn chặn, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc” – chuyên gia Ngô Minh Sang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giao dịch với khách hàng VIP, nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, khách VIP thường nhận được lời mời mở sổ tại nhà hay đến tận nơi đang làm việc.
Nhưng trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống, trong khi người gửi tiền lại không thực hiện các biện pháp kiểm tra chéo…
Vì vậy người gửi nên thận trọng kiểm tra nhiều chiều để đảm bảo tiền đã vào NH.
Một số vụ mất tiền từng xảy ra
* 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỉ đồng “bốc hơi” tại OceanBank
Năm 2012, 17 khách hàng đến OceanBank Hải Phòng để gửi tiết kiệm. Nhưng sau 5 năm, đầu tháng 9-2017 họ đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỉ đồng không có trong hệ thống.
Trong vụ việc này, 3 nhân viên NH bị khởi tố vì đã lừa đảo 17 khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỉ đồng nhưng số tiền này không có trong hệ thống NH.
* Sổ tiết kiệm 800 triệu còn 10 triệu
Tháng 8-2017, khách hàng gửi tiền tại một chi nhánh NH ở Phú Thọ tất toán sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng nhưng… chỉ còn lại 10 triệu đồng.
Điều tra cho thấy khi khách gửi tiền vào NH, bà trưởng phòng giao dịch ở đây hướng dẫn ký mẫu chữ ký để đăng ký giao dịch. Có 3 trường hợp người gửi tiền tiết kiệm vì tin tưởng nên nhờ bà ký hộ.
Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, bà trưởng phòng tự ý ký giả chữ ký của 3 người, sau đó rút tiền chi tiêu cá nhân.
Khách tố bị lừa ký khống, 32 tỉ đồng “bốc hơi”
Năm 2016, bà N.P.A. (Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long – nguyên giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của một NH – chiếm đoạt 32 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của bà.
Theo bà A., ông Phạm Thế Long đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại NH không.
Hai ngày sau đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm, ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy với tiêu đề “Giấy nộp tiền” nhưng không có nội dung.
Hơn hai tháng sau, bà nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống NH mới biết toàn bộ 32 tỉ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22-4, ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.