Không giải quyết, không trả lời báo chí là phạm luật
Trước những bức xúc khiếu nại, tố cáo của người dân, các cơ quan chức năng không xử lý hoặc không trả lời cho cơ quan báo ch
Giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân:
Không giải quyết, không trả lời báo chí là phạm luật
Trước những bức xúc khiếu nại, tố cáo của người dân, các cơ quan chức năng không xử lý hoặc không trả lời cho cơ quan báo chí khi giải quyết xong vụ việc cũng đều vi phạm luật Báo chí.
Giải quyết rồi thôi
Tháng 7.2016, bà Nguyễn Minh Phượng (ở đường Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10, TP.HCM) tiến hành xây nhà. Công trình đang thi công thì bị nhà bên cạnh khiếu nại bức tường chung nên phải ngừng.
Lý do nhà bên cạnh khiếu nại bắt nguồn từ lỗi của UBND Q.10 khi cấp giấy chủ quyền, trong thực tế là phần tường chung giữa hai nhà nhưng trong giấy không ghi rõ, nên phát sinh tranh chấp. Bị ngưng thi công 6 tháng, bà Phượng gửi đơn thư nhờ Báo Thanh Niên can thiệp. Ngay sau đó, hồ sơ đã được báo chuyển đến UBND Q.10 từ giữa năm 2016, nhưng đợi mãi chúng tôi vẫn không thấy UBND Q.10 phản hồi. Khi phóng viên liên lạc với bà Nguyễn Minh Phượng thì bà cho biết sự việc đã được giải quyết ổn thoả.
TIN LIÊN QUAN
Giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân: Lơ là, quên, không biết để đâu!
Năm 2016, Báo Thanh Niên đã chuyển cho các cơ quan chức năng trên địa bàn cả nước 826 hồ sơ khiếu nại, tố cáo của bạn đọc. Tuy nhiên, tỷ lệ trả lời bằng văn bản từ những nơi này chỉ chiếm 37,8%; 62,2% đơn thư còn lại rơi vào im lặng.
Một trường hợp khác, đó là hộ bà Dương Thị Bạch Cúc (ở 5F cư xá Đồng Tiến, P.14, Q.10, TP.HCM) phản ánh tình trạng một hộ cùng cư xá lấn chiếm lề đường rồi lập hàng rào, lợp mái bán cà phê. Ngày 14.4.2016, Báo Thanh Niên gửi công văn kèm đơn của bà Cúc đến UBND P.14, Q.10 để nơi đây giải quyết. Tuy nhiên, đến nay báo vẫn không nhận được trả lời về sự việc này.
Ngày 27.2.2017, bà Cúc cho hay sự việc đã được chính quyền giải quyết một phần, người dân cũng tạm hài lòng. Dẫu vậy, phía UBND P.14, Q.10 đã không hề phản hồi cho báo.
Do luật không có quy định chế tài ?
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Công ty luật Hồng Long, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết luật Báo chí năm 2016 cũng như luật Khiếu nại năm 2011 quy định rất rõ trách nhiệm, thời hạn của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng tải trên báo.
Tuy nhiên, theo luật sư Mạnh, trên thực tế hiện nay quy định này chưa được thực thi một cách nghiêm túc. Lý giải nguyên nhân của sự thờ ơ này, theo ông Mạnh là luật có quy định nhưng chưa đủ, chưa quy định rõ nếu cơ quan, tổ chức không trả lời báo chí thì có bị xử lý vi phạm hay không, hình thức xử lý là gì?
Về các trường hợp cơ quan, tổ chức tuy đã giải quyết vấn đề cho bạn đọc nhưng không gửi phản hồi cho báo chí biết vụ việc giải quyết như thế nào thì trách nhiệm thuộc về ai, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh phân tích: “Lẽ ra, trong trường hợp đã giải quyết xong thì cơ quan, tổ chức phải thông báo ngay cho báo chí biết. Tuy nhiên, với các trường hợp đã giải quyết nhưng không trả lời cho báo thì luật vẫn còn bỏ ngỏ, chưa quy định rõ ràng các chế tài”.
Đề cập đến vấn đề này, bà Trần Thị Tú, Phó trưởng phòng Công tác hành chính tư pháp, Cục Công tác phía nam Bộ Tư pháp, nói: “Với quy định pháp luật hiện nay thì trước sự lặng thinh của cơ quan chức năng, cơ quan báo chí chỉ có cách tiếp tục gửi công văn, phản ánh lên cơ quan cấp trên của cơ quan không trả lời cho báo mà thôi”.
Từ thực trạng đó, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân, luật sư Mạnh đề xuất: “Cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về cơ chế giám sát, chế tài được áp dụng cụ thể, rõ ràng hơn đối với thủ trưởng cơ quan không trả lời thông tin, công văn của báo chí để hướng đến việc thực thi pháp luật có hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật trong trách nhiệm phối hợp giải quyết khiếu nại giữa các cơ chức năng với cơ quan báo chí”.
Bà Trần Thị Tú đưa ra kiến nghị: “Luật Báo chí nên quy định rõ về chế tài đối với thủ trưởng cơ quan cố tình không trả lời thông tin trên báo chí cũng như công văn mà báo chuyển đến. Nếu không có quy định này thì khi báo gửi đơn thư khiếu nại của công dân lên cấp cao hơn, cấp trên lại chuyển hồ sơ xuống cơ quan cấp dưới (vì trách nhiệm giải quyết vẫn thuộc cơ quan cấp dưới). Sau đó, vụ việc có được giải quyết hay không, người đứng đầu cơ quan đó cũng không bị chế tài gì cả thì rất thiệt thòi quyền lợi của công dân, đồng thời gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm mất niềm tin của công dân vào cơ quan chức năng”.
TIN LIÊN QUAN
Một năm với đơn thư bạn đọc Thanh Niên
Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của bạn đọc trong suốt một năm qua, các PV, nhân viên của Thanh Niên có biết bao điều ưu tư trăn trở, nhưng cũng có những niềm vui, trong đó điều đặc biệt là số lượng đơn thư được các cơ quan chức năng trả lời ngày một tăng.
Thời hạn giải quyết, trả lời công dân và báo chí
Điều 39 luật Báo chí năm 2016 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết” ;
Điều 27 luật Khiếu nại năm 2011 nêu rõ: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền…, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết, thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do”.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải quyết vụ việc cho người khiếu nại, tố cáo sau khi báo chuyển công văn kèm hồ sơ đến nhưng không phản hồi cho báo là vi phạm điều 32 luật Khiếu nại năm 2011: “Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho… cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp”.
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Duy Khang – Thảo Thương