30/11/2024

Có phải gánh nợ cho người thân?

Vừa qua, có vụ một ca sĩ đăng thông tin bị chủ nợ tới tận nhà gây áp lực để đòi khoản nợ của mẹ đã vay mượn trước đó.

 

Có phải gánh nợ cho người thân?

Vừa qua, có vụ một ca sĩ đăng thông tin bị chủ nợ tới tận nhà gây áp lực để đòi khoản nợ của mẹ đã vay mượn trước đó.

 

 

 

Có phải gánh nợ cho người thân?

Vụ việc này cũng đặt ra vấn đề pháp lý về cho vay, mức lãi suất, những rắc rối nảy sinh khi đòi nợ trong những vụ tương tự.

Mượn nợ, 
làm khổ người thân

Cụ thể giữa tháng 12-2016, ca sĩ này chia sẻ trên mạng rằng mình đang gánh cho mẹ số nợ rất lớn trong nhiều năm. Theo lời ca sĩ này, người mẹ đã mượn tiền của rất nhiều người. Các chủ nợ thường xuyên đến nhà hoặc đến nơi biểu diễn đưa giấy mượn nợ để đòi ca sĩ này.

Tương tự, từ 3 năm nay cha ruột và vợ của anh T.T.K. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) rất mệt mỏi khi chủ nợ kéo đến đòi số tiền nợ hơn 700 triệu đồng.

Đây là số tiền anh K. vay mượn nhiều người, nhiều lần để đi đánh bạc ở Campuchia. Ông T.V.B. (cha anh K.) cùng những người con khác đã gom tiền nhưng chỉ trả được một phần.

“Nó thì bỏ nhà đi rồi. Còn tôi ở nhà chịu cảnh người ta tới đòi nợ, chửi bới thậm tệ, vừa xấu hổ với hàng xóm vừa không biết đào đâu ra tiền trả cho nó” – ông B. cho biết.

Tình huống vay nợ rồi không có khả năng trả, chủ nợ tìm đến nhà đòi người thân không phải là hiếm. Một số trường hợp khi không thể đòi được nợ, chủ nợ thuê “xã hội đen” đến tận nhà đe doạ, hành hung, thậm chí lấy tài sản của người thân con nợ để “cấn” nợ.

Ai vay người đó trả

Theo các chuyên gia pháp lý, pháp luật đã quy định rõ về việc vay và trả nợ. Luật sư Huỳnh Văn Nông cho biết đối với hai trường hợp trên, người thân không phải trả nợ thay.

Theo điều 20 Bộ luật dân sự hiện hành, những người vay nợ kể trên là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tự chịu trách nhiệm về hành vi vay nợ của mình, người thân không phải chịu trách nhiệm. Việc các chủ nợ tìm đến nhà những người này đòi nợ là trái pháp luật.

Trường hợp ca sĩ này hoặc người thân của anh K. đứng ra làm cam kết trả nợ thay hoặc có ký cam kết bảo lãnh khoản vay, chủ nợ mới có quyền yêu cầu người thân trả nợ.

Còn theo luật sư Lê Trung Phát, nếu chủ nợ có những hành vi như đe doạ dùng vũ lực, dùng vũ lực với người thân của người vay nợ… là vi phạm pháp luật.

“Quan hệ giữa chủ nợ và người vay nợ là quan hệ dân sự, phải diễn ra trên nguyên tắc bình đẳng thoả thuận. Nếu người thân của người vay nợ bị đe dọa, họ có quyền báo cơ quan công an địa phương để kịp thời can thiệp” – luật sư Phát nói.

Trường hợp chủ nợ có những hành vi xâm phạm đến tính mạng và sức khoẻ, tài sản, tuỳ mức độ chủ nợ có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…

Còn với trường hợp chủ nợ lấy tài sản của người thân người vay nợ để cấn trừ, luật sư Nông cho biết hành vi này có thể phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản.

Tùy tính chất của việc cưỡng đoạt, hành vi này có thể bị phạt từ 1-20 năm tù, bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng tùy mức độ (điều 135 Bộ luật hình sự).

Kiện ra toà để đòi nợ

Theo luật sư Phát, khi nợ đến hạn mà con nợ không trả, chủ nợ có quyền khởi kiện vụ án tại toà án cấp quận huyện nơi bị đơn cư trú theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Chủ nợ phải chuẩn bị các chứng cứ chứng minh việc cho mượn và cam kết trả nợ của người vay.

Trong quá trình khởi kiện, chủ nợ có thể yêu cầu t án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tránh con nợ thực hiện một số hành vi lẩn tránh việc trả nợ.

Theo quy định tại điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự, t án có thể phong toả tài sản của người vay nợ để đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc.

Luật sư Nông lưu ý kể cả khi đã có bản án về việc trả nợ, chủ nợ cũng không có quyền thực hiện những hành vi như đe doạ, dùng vũ lực hoặc cưỡng chế tài sản của người vay nợ.

“Đó là những hành vi trái pháp luật. Việc cưỡng chế tài sản nếu có cũng thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án. Nếu chủ nợ thực hiện những hành vi này thì có thể phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích…” – luật sư Nông nói.

Đòi nợ thuê 
phải đúng luật

Hiện nay có một số công ty đòi nợ thuê hoạt động. Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo nghị định 104 được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Lúc này, chủ nợ đến ký hợp đồng dịch vụ đòi nợ thuê với các doanh nghiệp này là phù hợp quy định pháp luật. Đây là hợp đồng uỷ quyền được ký kết giữa chủ nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định pháp luật.

Luật sư Chánh lưu ý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp thích hợp thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ; thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ…

Pháp luật nghiêm cấm doanh nghiệp đòi nợ thuê có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của người vay nợ.

Mặt khác, nếu tổ chức, cá nhân nào không được cấp phép nhưng hoạt động dịch vụ đòi nợ thì tuỳ trường hợp có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều chỉnh mức lãi suất cho vay

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-1-2017, điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Lãi suất cơ bản hiện nay là 9%/năm. Tức là lãi suất vay không được vượt quá 13,5%/năm.

Kể từ ngày 1-1-2017, điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có điều chỉnh về mức lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất vay do các bên thoả thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, lãi suất theo thoả thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Nếu lãi suất trong thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không thỏa thuận rõ và có tranh chấp về mức lãi suất, lãi suất sẽ bằng 50% mức lãi suất giới hạn nói trên (tại thời điểm trả nợ).

So sánh quy định về lãi suất cũ và mới cho thấy: Bộ luật dân sự năm 2015 quy định luôn mức lãi suất cao nhất được thoả thuận trong các hợp đồng dân sự vay tài sản là 20%, không phụ thuộc vào mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.

YẾN TRINH ([email protected])