26/11/2024

Ông bố Phần Lan chia sẻ cách dạy con ‘nửa người lớn nửa trẻ con’

Anh Harri A Hakala (người Phần Lan) chia sẻ những kinh nghiệm về cách quản lý, dạy dỗ và giáo dục con cái ở độ tuổi vị thành niên.

 

Ông bố Phần Lan chia sẻ cách dạy con ‘nửa người lớn nửa trẻ con’

Anh Harri A Hakala (người Phần Lan) chia sẻ những kinh nghiệm về cách quản lý, dạy dỗ và giáo dục con cái ở độ tuổi vị thành niên.


 

Ông bố Phần Lan chia sẻ cách dạy con nửa người lớn nửa trẻ con - Ảnh 1.

Gần gũi, yêu thương và chia sẻ nhiều vấn đề với con cái là cách thức giúp con trưởng thành hơn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Tuổi dậy thì là sự bắt đầu và chuẩn bị để trở thành người lớn. Trong giai đoạn này, trẻ vẫn là trẻ con nhưng một nửa đã là người lớn về mặt tâm sinh lý.

Nghiêm khắc trong sự yêu thương

Đây là một giai đoạn khó khăn tất yếu cho cha mẹ. Trẻ cần nhiều tự do hơn, nhưng cũng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Bên cạnh yêu thương và chăm sóc, cha mẹ còn phải đóng vai “cảnh sát” và “quan tòa” để hạn chế trẻ có những quyết định sai lầm nghiêm trọng.

Tôi thường nói với con cái của bạn bè mình cuộc sống của người lớn nghe có vẻ rất vui và thú vị, nhưng các cháu phải sẵn sàng để nhận trách nhiệm và hậu quả thì mới được. Tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ và sự hiểu biết.

Tôi nghĩ người lớn nên nghiêm khắc nhưng trong sự yêu thương với trẻ. Không nên nói dối về thế giới chúng ta đang sống dù theo hướng tích cực hay tiêu cực. Bạn hãy luôn bên cạnh con trẻ khi chúng cần mình.

Theo tôi, có những vấn đề quan trọng trong việc giáo dục trẻ 12-16 tuổi là sự chuẩn bị để trẻ trở thành một người lớn thực sự, có thái độ và hành động trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Cho trẻ cơ hội mắc những sai lầm và thất bại. Tuy nhiên, cần giúp trẻ hiểu rằng có những sai lầm sẽ mang lại những hậu quả vô cùng lớn.

Vì yêu thương con, bạn không muốn trẻ phải mắc các sai lầm này. Tôi cho rằng đó là các vấn đề liên quan đến sử dụng ma túy, uống rượu bia, tình yêu – tình dục, tránh thai hoặc mang thai ngoài ý muốn… Ngoài ra, cần cùng trẻ hiểu biết về các vấn đề xã hội khác như bảo vệ môi trường, lao động, việc làm…

Ví dụ ở Phần Lan, độ tuổi quan hệ tình dục đồng thuận là 16 nhưng bạn biết đấy, có thể trẻ sẽ không chờ đến 16 tuổi hoặc khi 12 tuổi chúng đã tò mò về chuyện người lớn. Vì vậy, chúng tôi phải thoải mái thảo luận về vấn đề này với trẻ. 

Chúng tôi không thể cấm chúng yêu nhau, nhưng giới hạn có thể là: con được mời bạn gái về nhà, nhưng hai đứa không được đóng cửa và ở trong phòng riêng. Con được phép đi chơi với bạn trai, nhưng không được về nhà sau 10 giờ tối.

Hãy chắc chắn con bạn hiểu rõ về mang thai và những trách nhiệm kèm theo. Trẻ sẽ vẫn quan hệ vào một ngày nào đó, vì vậy hãy giúp con biết về tránh thai và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu cần thiết, hãy mua cho trẻ một hộp bao cao su vì có thể chúng không dám tự mình mua.

 

Có thể khi vừa bắt đầu có người yêu, con gái bạn sẽ rất áp lực trước sự thuyết phục của bạn trai rằng nên thử ăn “trái cấm” và cháu rất băn khoăn nên làm thế nào. Bạn không thể đơn giản là khuyên con chia tay với bạn trai. Thay vào đó, hãy cùng con xác định một vấn đề về nguyên tắc: cơ thể là của mình và không ai có thể bắt con làm điều con chưa sẵn sàng với cơ thể của mình.

Ông bố Phần Lan chia sẻ cách dạy con nửa người lớn nửa trẻ con - Ảnh 2.

Anh Harri A Hakala (người Phần Lan) – tác giả bài viết

 

Chia sẻ về mọi vấn đề

Hãy nói chuyện với trẻ như bạn bè về mọi vấn đề, như hút thuốc lá và bia rượu. Tâm sự cả những thất bại hay ân hận của mình trong vấn đề về bia rượu. Dù vậy, có thể trẻ rất tò mò và vẫn thử hút thuốc hay nhậu nhẹt. 

Nếu trẻ làm vậy, hãy hỏi xem trẻ cảm thấy thế nào về trải nghiệm đó, cùng trẻ phân tích những lợi ích hay tác hại của việc dính dáng tới rượu bia. Trẻ tập tành hút thuốc, uống rượu có thể vì giao du với nhiều bạn bè xấu. Vì vậy, hãy để mắt đến cả bạn bè của con mình.

Bạn không thể thô bạo cấm trẻ không chơi với bạn này, bạn kia, vì điều đó chỉ khiến chúng làm điều ngược lại. Thay vào đó, hãy làm thời gian của trẻ bận rộn bởi những điều khác một cách tự nguyện. Cần sớm tạo cho trẻ một sở thích lành mạnh từ nhỏ như âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, sáng tạo… 

Theo tôi, thể thao là tốt nhất vì nó không những tốt cho sức khỏe mà còn dạy chúng ta về cách ăn uống khoa học. Từ ý thức giữ gìn sức khỏe, phong độ, cơ thể qua tập thể thao, trẻ biết tại sao nên tránh xa bia rượu, ma túy.

Ngày nay, trẻ và cha mẹ đều có thuận lợi là có nhiều tài liệu trên mạng cũng như từ các tổ chức chính quyền, phi chính phủ hoặc tôn giáo nói về các vấn đề này. Nếu bạn không nói chuyện chân thành với trẻ, có thể trẻ sẽ vẫn học được bài học, nhưng từ các nguồn khác hoặc với cái giá đắt hơn.

Ông JOHN BAYARONG (người Philippines):

Để con học từ chính sai lầm của chúng

Tôi có con trai 13 tuổi, vừa bước vào độ tuổi thiếu niên mà nhiều cha mẹ lo ngại. Có lẽ sự thay đổi lớn nhất chính là việc con tôi có những sở thích mà tôi và vợ không hiểu được. Chính vì vậy mà con không còn hoàn toàn làm theo ý chúng tôi như trước đây. Khi con còn nhỏ (trước khi bước vào độ tuổi thanh thiếu niên), thường chúng tôi sẽ là người quyết định con cần gì và muốn gì vì con chưa có cơ sở, động cơ, sở thích hay lập luận để chống lại những lựa chọn mà chúng tôi đưa ra. Tuy nhiên, điều này đã khác đi nhiều.

Tôi cố gắng luôn nhắc mình nhớ rằng con tôi đang ở độ tuổi “vừa làm vừa học”, tức chúng sẽ học hỏi từ chính sai lầm của mình nên tôi không đưa ra quá nhiều quy tắc hay quy định để quản lý và giới hạn con tôi. Thay vào đó, tôi và vợ khá “dân chủ” và cho con đưa ra hầu hết các quyết định lớn cũng như lựa chọn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt tích cực và phiến diện của nó.

Nhìn chung dù là cha mẹ Âu hay Á thì đều mắc phải một sai lầm chung, đó là bảo vệ con quá mức. Điều này khiến con lớn lên thiếu sự tự tin, không thật sự tin tưởng bản thân và tự ti. Đồng thời, những đứa trẻ này sẽ luôn tìm kiếm sự đồng tình và sự “cho phép” dù trực tiếp hay gián tiếp ở người khác. Chúng trở nên thiếu sự chủ động, sáng tạo và trở thành đối tượng của việc uy hiếp.

Nhìn nhận được điều này, tôi tự đưa ra giới hạn cho bản thân và vợ khi giáo dục con trai, thay vì đưa ra một danh sách những gì con được và không được làm. Đó là sự an toàn. Miễn tôi đảm bảo an toàn được cho con tôi thì điều gì con cũng được phép làm nếu con nói con thích. Ví dụ như khi con tôi muốn leo lên một cái cây, tôi sẽ cho con làm nhưng cố gắng đứng gần để đảm bảo không có điều gì xấu xảy đến với con.

Như vậy, tôi không chỉ ủng hộ được con trong những gì con muốn làm, mà còn nhận được sự tin tưởng của con. Điều này cho phép tôi “quản lý con từ xa” và định hướng con gián tiếp vì tôi được con tin tưởng.

 

 

HỒNG VÂN ghi