27/11/2024

Vì đâu yêu nhau rồi giết nhau?

Nữ sinh bị giết trong nhà trọ, nữ giáo viên bị bạn trai sát hại, những tin tức rúng động đời thường và mạng xã hội. Vì yêu mà giết nhau, tình yêu không chỉ là những câu chuyện màu hồng nữa. Vì đâu nên nỗi?

 

Vì đâu yêu nhau rồi giết nhau?

Nữ sinh bị giết trong nhà trọ, nữ giáo viên bị bạn trai sát hại, những tin tức rúng động đời thường và mạng xã hội. Vì yêu mà giết nhau, tình yêu không chỉ là những câu chuyện màu hồng nữa. Vì đâu nên nỗi?
 
 
 
 

Sự ích kỷ, mù quáng góp phần đẩy con người đến hành vi giết người mình yêu /// Shutterstock

Sự ích kỷ, mù quáng góp phần đẩy con người đến hành vi giết người mình yêu   Shutterstock

 

 
 

Thời gian qua xảy ra các vụ việc nữ sinh bị bạn trai giết hại vì mâu thuẫn tình cảm; phát hiện người yêu nhắn tin với người lạ, chàng trai giết bạn gái rồi tự tử. Yêu nhau rồi giết nhau, các vụ việc nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều hơn, khiến người ta sợ hãi và tự vấn “sao mạng sống của con người bị coi rẻ quá như vậy?”. 

 

Giết nhau vì không quản lý được cảm xúc

 
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng, chuyên gia tâm lý của dự án She Will Be Strong, nhận định, trong cuộc sống, trong mọi mối quan hệ, luôn tồn tại những mâu thuẫn, xung đột. Thay vì trầm tĩnh, suy nghĩ, tìm cách kết nối, giải quyết theo hướng tích cực, nhiều người đang yêu chọn giải quyết bằng hành động, từ bạo lực, tới đâm, giết nhau khi mà xung đột vượt quá ngưỡng chịu đựng. Mặt khác, nhiều người quá ích kỷ, coi thường mạng sống của người khác.
 
 
Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn tới những vụ việc rúng động như vợ chồng giết nhau, người yêu sát hại nhau gần đây, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Hùng nói đến nhiều khía cạnh. Nguyên nhân chính trong đó, là nhiều người trẻ thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng giải quyết các vấn đề. Nếu một người biết hướng thiện hơn, tích cực hơn, thì từ suy nghĩ tới hành vi đều tích cực. Nhưng một người, gặp tình huống nào cũng luôn suy nghĩ tiêu cực thì những hành vi của họ cũng theo hướng tiêu cực. Trong giao tiếp, khi họ không quan tâm cảm xúc của người khác, nên hành vi cũng dễ gây ra những tổn thương cho người khác. Những áp lực cuộc sống tác động thêm, khiến họ càng thêm căng thẳng, cộng hưởng vào đó là phim ảnh bạo lực, những vụ giết người được tường thuật quá tỉ mỉ ở mạng xã hội…
 
 
Vì đâu yêu nhau rồi giết nhau? - ảnh 1

Nguyễn Văn Toàn, trú Đồng Nai, giết người yêu rồi tự tử 2 lần nhưng không thành, lĩnh án chung thân    Văn Tiền

 

 

Đừng “yêu nhanh, sống gấp”

Lê Phương Uyên, nữ sinh viên ngành xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng sau câu chuyện người yêu giết nhau, có nhiều vấn đề người trẻ cần quan tâm, đó là hành vi ứng xử của con người, tác động của môi trường sống, nhận thức của cá nhân, truyền thông từ nhiều kênh (trong đó có thể kể đến các trang tin tức, mạng xã hội như YouTube, Facebook…).


“Một phần lớn trong các vụ người yêu giết nhau, đó là bản chất ích kỷ, muốn giữ người đó ở bên cạnh bằng mọi giá, và họ cũng phần nào bị ảnh hưởng từ phim ảnh, sách truyện bạo lực nên bị tác động ảnh hưởng tâm lý”, Uyên chia sẻ.

 

 
Theo Uyên, người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội hơn, nhiều công cụ hỗ trợ để tìm kiếm bạn bè. Tìm hiểu rồi nếu phù hợp có thể tính tới yêu, tuy nhiên cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ càng, đừng “yêu nhanh, sống gấp” để rồi có lúc vỡ mộng. “Trong mọi mối quan hệ, khó mà chắc chắn được là người đó có bạo lực, thậm chí giết người mình yêu hay không . Bởi có rất nhiều người, lúc yêu thương thì rất tử tế, đến lúc chia tay thì lộ bản chất. Tuy nhiên, nếu có sự chọn lọc kỹ lưỡng, mỗi người có những tiêu chí nhất định để chọn người yêu, ví dụ giỏi về năng lực, biết cách ứng xử… Những điều này ta có thể quan sát, kiểm chứng trong đời thật, sẽ hạn chế được nhiều rủi ro đáng tiếc”.
 

Cần có những nguyên tắc sống của chính mình

 
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Hùng cho hay, để dẫn tới tình yêu, mỗi người đều phải trải qua quá trình tìm hiểu, từ quen, tới thân, rồi mới tới yêu, nhưng hãy tìm hiểu dựa trên lý trí, đừng chỉ dùng cảm xúc: “Chọn người yêu là một quá trình tìm hiểu. Cần dựa trên các tiêu chí cốt lõi của một con người tốt, từ các nét tính cách tốt, công việc, các mối quan hệ xã hội, cách ứng xử của người ấy với những người thân và người khác. Dân gian Việt Nam có câu: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Tuy nhiên, cách hành xử của một con người được biểu hiện bằng hành vi trở thành thói quen kèm theo thái độ của họ. Vì vậy, cần phải tỉnh táo, sáng suốt để biết loại trừ khi nó không phù hợp với nguyên tắc của bản thân”.
 
 
Chuyên gia tâm lý cũng khuyên các bạn trẻ xây dựng tình yêu cần dựa trên nền tảng lịch sự, tế nhị, tôn trọng nhau. Tình yêu không phải sự sở hữu, yêu cũng không phải là lệ thuộc, mỗi người cần sự độc lập, không chỉ về tài chính, kinh tế, đừng lợi dụng hay phụ thuộc vào người còn lại. Muốn người khác cư xử với mình ra sao, hãy làm điều đó với họ.
 
 
Theo thạc sĩ Hùng, có những nguyên tắc sống của chính mình để không vướng vào những rắc rối của cuộc đời, là một trong những giải pháp hạn chế bớt những rủi ro của những mối quan hệ. Mỗi cá nhân cần tôn trọng chính mình trước khi trông chờ điều ấy từ người khác.
 
 
Học từ tấm gương cha mẹ
Gia đình là cái nôi xây dựng nhận thức, nhân cách của mỗi con người, tuy nhiên trong các gia đình hiện đại, theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng, nhiều bậc cha mẹ cho rằng cho con một đời sống vật chất no đủ, đi học trường tốt là trọn vẹn, mà sự kết nối giữa cha mẹ và các con ít dần. Tâm sự với con, dạy con những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống, trân trọng mạng sống của chính mình và những người khác luôn là bài học cần thiết và quan trọng với bất cứ đứa trẻ nào, và càng làm sớm càng tốt.
 
“Tấm gương cha mẹ không chỉ là hình ảnh cha mẹ trước mặt các con, mà còn là cách cha mẹ nói với nhau, hành xử với nhau, kết nối với người hàng xóm, đồng nghiệp… những gì các con chứng kiến, nghe được, cảm nhận được từ cha mẹ đều ảnh hưởng tới tâm hồn, nhân cách mỗi người con. Những đứa trẻ từ nhỏ đã chứng kiến bạo lực gia đình, cha đánh mẹ, mẹ chửi cha, cha mẹ hành hung người khác ít nhiều bị những tổn thương trong tâm lý, trong một lúc nó sẽ bùng nổ thành những hành vi tiêu cực…”, thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng phân tích.
 
 
 
 THUÝ HẰNG