Nếu giận chồng, hãy lấy len đan một con búp bê
Khi chia tay, anh buồn vì vợ không nhận ra rằng: trước đám cưới là tình yêu, còn sau đám cưới người ta cần tình thương nhiều hơn.
Nếu giận chồng, hãy lấy len đan một con búp bê
Khi chia tay, anh buồn vì vợ không nhận ra rằng: trước đám cưới là tình yêu, còn sau đám cưới người ta cần tình thương nhiều hơn.
Anh làm bên phòng tuyển dụng của một đơn vị giáo dục. Chị là giáo viên tiếng Trung đến xin việc. Anh gặp chị và cảm thấy ấm áp ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Anh tin là nhân duyên đã đưa chị đến đúng thời điểm khi anh cũng đang có ý định học thêm tiếng Trung để hỗ trợ công việc. Và chị thành gia sư tích cực cho anh.
Tình cảm hồn nhiên lên xanh như chồi non trong mùa xuân đang tràn nhựa sống.
Ngỡ tưởng một bé trai kháu khỉnh chào đời là quả ngọt cho cuộc hôn nhân viên mãn của hai người trẻ thuộc thế hệ 8X này.
Đùng cái, tôi nhận tin họ ly thân rồi ra tòa chia tay để “giải thoát” cho nhau. Lý do: vẻ ngoài bảnh trai, tính tình điềm đạm, cách sống quan tâm, chu đáo của anh trong cuộc sống ở thời điểm bắt đầu làm cha, làm mẹ không còn là sự rung động, trân trọng trong lòng chị nữa.
Nó không giải quyết được bài toán kinh tế chị cần, khi hai người vẫn phải thuê một phòng trọ hẹp ở Hà Nội để sống, rồi chi phí trong việc chăm sóc cho một đứa trẻ, nhu cầu làm đẹp của người phụ nữ.
Chị nhìn sang những người bạn cùng tuổi, thấy họ sao may mắn khi không phải mệt mỏi với áp lực về kinh tế, tự do du lịch, mua sắm.
Chị nhận ra trước hôn nhân là hoa hồng, còn sau hôn nhân thì mọi thứ cần đối diện là rau muống.
Anh buồn vì chị chỉ nhận ra được đến đó mà không nhận ra rằng: trước đám cưới là tình yêu, còn sau đám cưới người ta cần tình thương nhiều hơn.
Anh nhận ra điều này khi nhớ đến một đoạn viết về yêu và thương đã đọc:
“Yêu là hương, thương là mùi. Hương thoáng qua, mùi thì nhớ mãi. Hương làm ta ngất ngây. Mùi khiến ta nghiện ngập. Yêu là cảm xúc và thương là cảm nhận. Cảm xúc có thể lúc này lúc khác. Cảm nhận thì định vị lâu dài.
Yêu là muốn đi theo. Thương là muốn đi cùng. Đi theo rồi cũng mỏi gối chùn chân. Đi cùng thì sẽ đồng hành đồng điệu.
Yêu là khát khao. Thương là chờ đợi. Khát khao có thể tiếp cho ta năng lượng nhưng mong manh. Còn chờ đợi lại khiến ta vững tâm. Yêu là muốn. Thương là cần”. (Hoàng Anh Tú)
Anh khóc. Chị khóc. Họ khóc cho sự lầm lẫn giữa yêu và thương, cho niềm tin không vượt qua được áp lực về tài chính cho một gia đình nhỏ.
Tình yêu phải đủ từ – bi – hỉ – xả
Tôi nhớ trong khóa tu diễn ra tại Làng Mai (Thái Lan) dịp đầu năm 2018, tôi được nghe các quý sư chia sẻ về quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh về mối quan hệ giữa vợ chồng trong hôn nhân, rằng có hiểu mới có thương – là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo.
Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận nếu không muốn chọn “án tù chung thân” cho cuộc đời mình.
Tại buổi nói chuyện này, hơn 500 thiền sinh gồm cả các bạn trẻ, thanh niên, những người đã lập gia đình, các bậc trung niên đều bày tỏ sự tâm đắc và thấm thía với việc Phật dạy về tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.
“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc mỗi ngày.
“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực.
“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.
“Xả” là không phân biệt, kỳ thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân.
Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hóa nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.
Tôi nhớ câu chuyện được nghe về hai vợ chồng già nọ ở một vùng quê khi biết bà sắp chia tay với mình, ông hỏi bao nhiêu năm qua bà có buồn gì về ông không? Bà mỉm cười bảo ông lấy cái hộp để dưới chân giường lên: “Trước khi tôi về nhà chồng, mẹ tôi có dặn rằng khi nào tôi giận ông, tôi đừng nói năng chi hết, chỉ cần đem len ra đan một con búp bê”.
Ông lão lần mở chiếc hộp ra, thấy có một con búp bê. Ông lặng người đi, mắt rơm rớm: “Thế ra, mấy chục năm sống cùng nhau, bà chỉ giận tôi có một lần thôi sao?”. Nhưng ông thấy bên dưới đáy hộp có một số tiền. Ông đếm thấy số tiền không hề nhỏ. Ông hỏi bà số tiền đó từ đâu ra? Bà mỉm cười: “Là số tiền tôi đã bán những con búp bê tôi từng đan.”
Thực tế là trong cuộc sống, làm gì có ai sinh ra đã hợp nhau. Mọi thứ tưởng chừng “hiểu”, “hợp” trước hôn nhân đôi khi chỉ là ngộ nhận trong men say.
Còn sau hôn nhân, yêu tức là hiểu, để rồi từ hiểu đó mở đường dẫn đến với thương trong bền vững. Mà nói theo quan niệm của đạo Phật, để hiểu được nhau mỗi người đều cần học một chút nhường nhịn, một chút chịu đựng, thêm một chút nhẫn nại, cố một chút hi sinh và tập cách chôn vùi đi cái ta của bản ngã. Chỉ có như vậy tình yêu thực sự mới được nảy nở và thêm bền vững giữa hai người.
Còn bạn, bạn đã đủ gia vị cho tình yêu của mình chưa?