26/01/2025

Cho vay gần trăm tỉ, có nguy cơ mất trắng

Năm người dân gom góp được gần 100 tỉ đồng cho nhà đầu tư vay để được quyền mua căn hộ với giá ưu đãi tại khu đất vàng ở quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư phủ nhận khoản vay nên vụ việc được đưa ra toà.

 

Cho vay gần trăm tỉ, có nguy cơ mất trắng

Năm người dân gom góp được gần 100 tỉ đồng cho nhà đầu tư vay để được quyền mua căn hộ với giá ưu đãi tại khu đất vàng ở quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư phủ nhận khoản vay nên vụ việc được đưa ra toà.


 

 

Cho vay gần trăm tỉ, có nguy cơ mất trắng - Ảnh 1.

Tranh chấp càng thêm phức tạp khi các cấp tòa đưa ra các quyết định ngược nhau hoàn toàn.

Từ tiền góp mua căn hộ

Bà Trần Diệu Linh (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đại diện theo ủy quyền của năm gia đình góp tiền mua căn hộ, cho biết: tháng 1-2011 bà và bốn người khác ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Phương Gia Phú (Công ty PGP) trị giá 76 tỉ đồng, mục đích để mua sàn căn hộ tại dự án Saigon Residence (11D Thi Sách, quận 1), do Công ty TNHH TTTM và Căn Hộ Sài Gòn (Công ty CHSG) làm chủ đầu tư. Vào thời điểm này Công ty PGP sở hữu 70% vốn góp.

“Tuy nhiên sau một thời gian dài, chúng tôi thấy dự án chậm triển khai, không đáp ứng đúng mong muốn của nhà đầu tư là được ký hợp đồng mua sàn căn hộ như cam kết. Vì vậy chúng tôi yêu cầu rút vốn kinh doanh thì Công ty PGP đề nghị hai bên sẽ thanh lý hợp đồng góp vốn và Công ty PGP sẽ chuyển toàn bộ số tiền góp vốn của chúng tôi sang Công ty CHSG. Đề nghị này đã được chúng tôi đồng ý” – bà Linh cho biết.

Sau đó, nhóm nhà đầu tư này đã ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng cho Công ty CHSG vay tiền với số tiền vay bao gồm cả tiền gốc (cũ) và lãi là hơn 95 tỉ đồng. Điều kiện ràng buộc là nhóm nhà đầu tư sẽ được quyền ưu tiên mua căn hộ, sàn thương mại với giá ưu đãi 48.047.000 đồng/m² tại dự án căn hộ Saigon Residence.

Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn vay tiền vào ngày 31-8-2012, Công ty CHSG vẫn không triển khai được dự án, không thanh toán gốc và lãi cho năm nhà đầu tư này dù họ đã nhiều lần yêu cầu công ty thanh toán. Vì vậy tháng 9-2015, các nhà đầu tư đã khởi kiện Công ty CHSG ra TAND quận 1.

 

Tháng 12-2016 TAND quận 1 đã xét xử và tuyên Công ty CHSG phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 138 tỉ đồng bao gồm tiền gốc và lãi. Sau đó, Công ty CHSG kháng cáo. TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm.

Cả hai bản án trên đều có hiệu lực nhưng chưa được thi hành thì tháng 5-2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định giám đốc thẩm, yêu cầu hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp tòa trước đó. 

Lý do hủy, theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, là việc cho vay giữa các nguyên đơn và bị đơn không có thực. Bởi toàn bộ số tiền này không được chuyển vào tài khoản của Công ty CHSG do phiếu thu thiếu… chữ ký của thủ quỹ. Việc Công ty CHSG ký hợp đồng với các nhà đầu tư là nhằm che đậy việc sử dụng và làm thất thoát tiền đầu tư tại Công ty PGP, chứ thực chất số tiền này không chuyển vào tài khoản của Công ty CHSG. Do đó, Công ty CHSG chỉ chịu trách nhiệm khi số tiền này vào tài khoản và phục vụ cho công ty.

Viện KSND Cấp cao: Có vay tiền!

Sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, bà Linh lập tức khiếu nại quyết định này vì cho rằng TAND Cấp cao tại TP.HCM không đánh giá đúng các căn cứ pháp lý. Theo bà Linh, các hợp đồng giữa bà và những người mà bà đại diện đều được thực hiện đúng quy trình và đảm bảo tính pháp lý.

Cụ thể: hợp đồng vay tiền đã được ký tại văn phòng của Công ty CHSG và các phiếu thu tiền đều được ký bởi người đại diện pháp luật của Công ty CHSG là tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên, kế toán trưởng của Công ty CHSG và có đóng dấu của Công ty CHSG chứ không phải cho vay ngoài đường. Hơn nữa, số tiền này đã được hạch toán trong bảng cân đối tài chính chứ không phải tiền không vào tài khoản như TAND Cấp cao nhận định. 

“Chúng tôi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại nghiêm trọng và đặc biệt số tiền của chúng tôi cho vay có nguy cơ bị mất, cho dù chúng tôi đã được cơ quan pháp luật bảo vệ bằng bản án có hiệu lực. TAND Cấp cao tại TP.HCM vẫn ban hành quyết định giám đốc thẩm như trên là trái pháp luật với những phân tích và lập luận vô lý, không có cơ sở, thiếu khách quan” – bà Linh bức xúc.

Đáng chú ý, quyết định giám đốc thẩm năm 2018 của TAND Cấp cao tại TP.HCM cho thấy ý kiến của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM thể hiện: “Số tiền trong hợp đồng xuất phát từ các hợp đồng góp vốn của nguyên đơn vào Công ty PGP và số tiền này sau đó đã được chuyển thành vốn điều lệ của Công ty CHSG”.

Cụ thể, Viện KSND Cấp cao cho rằng người đại diện theo pháp luật của Công ty CHSG ký kết là đúng thẩm quyền theo điều lệ công ty về thẩm quyền của tổng giám đốc. Việc người đại diện này có chuyển hay không chuyển tiền vào quỹ tiền mặt hay quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty CHSG thì người này chịu trách nhiệm với Hội đồng thành viên theo điều lệ công ty. 

Theo bảng cân đối kế toán của Công ty CHSG năm 2012 thì tổng tài sản của công ty là 255 tỉ đồng, nợ phải trả 258 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 99 tỉ đồng. Như vậy cho thấy hoạt động vay tiền của Công ty CHSG là có thật và đã được cập nhật trong hoạt động tài chính và báo cáo cơ quan thuế.

Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cũng cho rằng sau việc mua bán, sáp nhập, chuyển đổi, bán đấu giá và thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty CHSG thì nghĩa vụ chuyển tiếp thuộc công ty này chứ không phải thuộc trách nhiệm của các nhà đầu tư.

Sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định giám đốc thẩm, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã báo cáo Viện KSND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm với quyết định giám đốc thẩm này.

Thẩm quyền giải quyết thuộc TAND Tối cao

Theo ông Trần Văn Châu – chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, quyết định giám đốc thẩm của tòa này được ban hành bởi Ủy ban thẩm phán gồm ba người, trong đó phó chánh án làm chủ tọa. Hiện quyết định đã được ban hành nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử lại.

Do đó, nếu đương sự có thêm bằng chứng về việc thừa nhận nợ của Công ty CHSG thì đây là tình tiết mới phát sinh và cần được gửi cho TAND Tối cao để xem xét kháng nghị, giải quyết. Hiện nay thẩm quyền xử lý đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao là TAND Tối cao.

Xuất hiện chứng cứ mới?

Ngoài các chứng cứ đã có trong 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, bà Linh cho biết vào tháng 3-2013, trong một biên bản đề nghị phương án mua lại cổ phần của Công ty PGP, một phó tổng giám đốc đồng thời là cổ đông góp vốn của Công ty CHSG đã xác nhận nợ gốc và hợp đồng vay vốn 76 tỉ đồng thuộc về Công ty CHSG.

Bằng chứng này chưa hề xuất hiện trong 2 bản án trước đó, bởi chỉ sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm thì bà Linh mới thu thập được tài liệu này và đã gửi kèm đơn khiếu nại đến TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao để đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hủy bỏ quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

 

HOÀNG ĐIỆP