4 lời khuyên cha mẹ bảo vệ con an toàn trên mạng xã hội
Những lời khuyên từ các chuyên gia của Facebook sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ có biện pháp bảo vệ con em mình an toàn khi tham gia mạng xã hội.
4 lời khuyên cha mẹ bảo vệ con an toàn trên mạng xã hội
Những lời khuyên từ các chuyên gia của Facebook sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ có biện pháp bảo vệ con em mình an toàn khi tham gia mạng xã hội.
An toàn khi lên mạng là một trong những cuộc trò chuyện cần thiết giữa các thành viên trong gia đình khi bắt đầu sử dụng Internet và đó cũng là cách mà cha mẹ bảo vệ, trở thành người bạn đồng hành của con trong môi trường mạng.
Dưới đây là 4 bước giúp cha mẹ có thể bắt đầu trò chuyện, đồng hành cùng con, khuyến khích con sử dụng Internet cho mục đích tốt đẹp:
1. Nói chuyện với con về công nghệ trước khi cho con tham gia Internet và mạng xã hội
Có rất nhiều trẻ em từ 6 tuổi đã có quyền truy cập vào điện thoại hoặc máy tính bảng. Chính vì thế, cha mẹ nên chia sẻ với con về công nghệ từ sớm vào những thời điểm quan trọng như lần đầu con sử dụng mạng Internet, lần đầu sử dụng điện thoại di động hay mạng xã hội.
Ví dụ, thời điểm phù hợp để đặt ra các quy tắc cơ bản có thể là khi con bạn được sử dụng điện thoại di động lần đầu tiên. Thời điểm phù hợp để nói về việc chia sẻ an toàn là khi con đủ lớn để sử dụng Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác.
Khi đề ra những quy định cho con mình, chính các bậc cha mẹ cũng phải trở thành hình mẫu tốt của con cái. Con sẽ nhìn những gì cha mẹ làm chứ không phải những gì cha mẹ nói. Nếu cha mẹ đưa ra những giới hạn về thời gian online hoặc sử dụng mạng xã hội cho con mình, cha mẹ cũng phải thực hiện những quy định đó.
2. Dạy con trách nhiệm trên môi trường trực tuyến
Thay vì coi những hành vi trực tuyến của con là trách nhiệm của mình, các bậc cha mẹ hãy dạy con tự chịu trách nhiệm với những hành động của con, dù đó là môi trường thực hay môi trường mạng. Trước khi con muốn chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội, cha mẹ nên trao đổi để con suy nghĩ liệu nội dung đó sẽ được hiểu như thế nào. Những câu hỏi có thể là:
– Nội dung này có thể bị hiểu nhầm hay mang nội dung bắt nạt/xúc phạm người khác không?
– Liệu ai đó có thể sử dụng nội dung này để gây hại đến con không?
– Con có buồn không nếu có người chia sẻ nội dung đó với những người khác nữa?
– Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu con chia sẻ nội dung này là gì?
3. Dạy con cách kiểm soát
– Kiểm soát thông tin cá nhân
Để bảo vệ con trên môi trường trực tuyến, chính các bậc cha mẹ cũng nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và hướng dẫn con những cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát thông tin cá nhân. Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật hai lớp cho tài khoản trực tuyến của cả cha mẹ và con là những cách đơn giản nhất để bắt đầu kiểm soát thông tin cá nhân.
– Kiểm soát những gì con nhìn thấy
Trên Facebook, cha mẹ có thể chỉ dẫn cho con cách kiểm soát những gì con nhìn thấy trên bảng tin bằng cách kích chuột vào dấu ba chấm phía trên bên phải của bất cứ bài đăng nào. Nếu con không muốn thấy một bài đăng xuất hiện nữa, con có thể ẩn nó đi. Nếu con không muốn thấy bài đăng từ một người nào đó, con có thể bỏ theo dõi hoặc tạm ẩn họ. Con cũng có thể phản hồi hoặc báo cáo một bài đăng mà con thấy có nội dung bắt nạt/lạm dụng.
– Kiểm soát cảm xúc của con
Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng: mạng xã hội là con người thứ hai của con. Đừng nên chia sẻ khi tâm lý đang không ổn định như giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động. Những khi con gặp vấn đề, con nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết.
4. Sử dụng công nghệ để làm bạn với con
Khi cha mẹ muốn tìm hiểu một nền tảng mạng xã hội mới hoặc một công nghệ mới, có thể con bạn sẽ là một nguồn thông tin tuyệt vời. Con có thể sẽ hứng thú với việc được hướng dẫn cha mẹ một lĩnh vực mới, đặc biệt là công nghệ. Nếu con đã quen sử dụng những công nghệ này, đây sẽ là cơ hội để cha mẹ bắt đầu những cuộc đối thoại với con về an toàn, quyền riêng tư và bảo mật thông tin. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi con về cài đặt riêng tư khi nhờ con thiết lập tài khoản Facebook cho mình.