Thầy trò TP.HCM sáng tạo dạy – học
Sài Gòn đi để yêu, One day trip Saigon, Văn hoá mạng… những dự án do thầy trò các trường ở TP.HCM thực hiện khiến nhiều người ồ lên tán thưởng.
Thầy trò TP.HCM sáng tạo dạy – học
Sài Gòn đi để yêu, One day trip Saigon, Văn hoá mạng… những dự án do thầy trò các trường ở TP.HCM thực hiện khiến nhiều người ồ lên tán thưởng.
Ông Thiên Kim, lớp 12D3 Trường THPT Marie Curie, giới thiệu bản đồ du lịch Sài Gòn cho khách tham quan – Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Đây là một số trong 168 sản phẩm vào vòng chung kết cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2017-2018” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Trải nghiệm Sài Gòn qua chương trình của học trò
Đội trên đầu chiếc nón lá vẽ những biểu tượng nổi tiếng của Sài Gòn, em Hà Phước Gia An, học sinh lớp 5/6 Trường tiểu học Phùng Hưng (Q.11, TP.HCM), mau mắn giới thiệu với khách: “Dự án của tụi em mang tên “Sài Gòn đi để yêu”.
Đây là vòng quay các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo của thành phố. Quay trúng tên địa điểm nào, chị sẽ đoán tên và trả lời một câu hỏi về địa điểm đó. Nếu đúng sẽ nhận được một phần quà”.
Sau khi khách tham quan quay, Gia An rành mạch thuyết minh về lịch sử và những thông tin lý thú của từng địa điểm.
“Em rất vui khi làm dự án này. Tụi em được đi tham quan và tìm hiểu nhiều nơi, lại còn được tiếp xúc trò chuyện cùng khách nước ngoài. Em còn biết dùng phần mềm thiết kế tờ rơi nữa!” – Gia An hào hứng chia sẻ.
Còn dự án “One day trip Saigon” được thầy trò Trường THPT Marie Curie thực hiện từ tháng 10-2017.
Qua quá trình đi thực tế các địa điểm, phỏng vấn và khảo sát ý kiến của du khách, nhóm thực hiện dự án đã phân tích, tổng hợp, lên kế hoạch để đưa thông tin của các di tích, kiến trúc, những nét đẹp văn hoá, ẩm thực và con người Sài Gòn đến với mọi người.
“Tụi em đã dùng các phần mềm thiết kế để đơn giản hóa bản đồ Sài Gòn, làm nổi bật 15 địa điểm tham quan mà tụi em đã chọn lọc. Tụi em muốn gắn kết khách du lịch với Sài Gòn và những người sinh sống ở đây” – Ông Thiên Kim, lớp 12D3, chia sẻ.
Bên cạnh bản đồ cầm tay, nhóm thực hiện dự án đã sáng tạo một mã code để mọi người quét và vào thẳng trang web giới thiệu chi tiết về từng địa điểm tham quan. Các bài viết được nhóm viết bằng song ngữ Việt – Anh.
Trong tương lai, nhóm sẽ tìm hiểu, khảo sát thêm nhiều địa điểm khác, và phát triển trang fanpage trên mạng xã hội với những bài viết, câu chuyện, hình ảnh về Sài Gòn.
Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội
“Có lần em bình luận về một vấn đề trên Facebook, vài bạn đã nhảy vào “ném đá” và chửi mắng em thậm tệ. Em rất sốc và tổn thương kinh khủng.
Em biết không chỉ mình em gặp phải vấn đề này mà rất nhiều bạn khác cũng vậy” – Đặng Khang Ninh, lớp 8A1 Trường THCS Phú Lợi (Q.8), chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án “Văn hóa mạng” của nhóm mình.
Ninh cho biết thêm: “Tụi em đã làm và phát cho học sinh cùng phụ huynh toàn trường hai cuốn cẩm nang, phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội an toàn và văn minh hơn”.
Một số giải pháp của Ninh và các bạn về sử dụng mạng xã hội một cách văn hoá như: luôn bảo mật thông tin trên mạng xã hội; chỉ kết bạn với người mà bạn biết ngoài đời thực; luôn cảnh giác trước những lời rủ rê; tuyệt đối không gặp gỡ người lạ quen qua mạng khi chỉ có một mình; cân nhắc trước khi đăng bài hay chia sẻ bài viết; không tùy tiện sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội…
Chúng tôi mong muốn hằng ngày, hằng giờ trên lớp, các em học sinh luôn luôn được phát huy sự năng động, sáng tạo của mình. Và thầy cô thể hiện đúng tinh thần của người hướng dẫn, định hướng
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)