69% học sinh buồn rầu và trầm cảm: Giải pháp nào cho nhà trường, phụ huynh?
69% học sinh buồn rầu và trầm cảm: Giải pháp nào cho nhà trường, phụ huynh?
Trong một khảo sát do chuyên gia tâm lý thực hiện, khoảng 55% học sinh có biểu hiện ’em cảm thấy cô đơn’ và 69% có biểu hiện ’em cảm thấy thất vọng, buồn rầu và trầm cảm’.
|
Học sinh cần môi trường giáo dục tích cực C.Q.T |
Học sinh và giáo viên cần môi trường tích cực
Tại hội thảo nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh do phòng GD-ĐT Q.3 (TP.HCM) tổ chức, chuyên gia tâm lý Giang Thiên Vũ đã đưa ra kết quả khảo sát về hành vi và biểu hiện trầm cảm đang tồn tại trong học sinh hiện nay.
Với khảo sát các biểu hiện tiêu cực của học sinh, ông Vũ đã thực hiện thăm dò với 400 học sinh ở bậc THPT. Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 55% học sinh có biểu hiện “em cảm thấy cô đơn” và 69% có biểu hiện “em cảm thấy thất vọng, buồn rầu và trầm cảm”… Đặc biệt với thăm dò hành vi “em lặp lại hành vi tiêu cực nhiều lần nếu không đạt được kết quả như mong muốn” thì có đến 87% số học sinh tham gia khảo sát chọn lựa.
Còn với biểu hiện về trầm cảm, ông Vũ cũng thực hiện sàng lọc ở 709 học sinh bậc THCS thì có 482 học sinh có trạng thái căng thẳng, 79 học sinh ở trạng thái trầm cảm nhẹ, 93 học sinh ở thể vừa, 38 học sinh ở thể nặng và 16 học sinh ở trạng thái trầm cảm rất nặng.
Từ đó, chuyên gia tâm lý cho rằng cần có biện pháp phòng ngừa và bắt đầu từ sự phát triển tự nhận thức ở học sinh, phát triển kỹ năng tư duy tích cực để phòng ngừa trầm cảm và hành vi tiêu cực, đồng thời giáo dục một số giá trị sống hướng tới thay đổi nhận thức nhằm phòng tránh trầm cảm và hành vi tiêu cực…
Trước những thực tế mà chuyên gia tâm lý đưa ra, tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, lưu ý các trường học cần nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí yêu thương, an toàn và tôn trọng. Không chỉ học sinh mà cả cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần có môi trường học tập và làm việc hạnh phúc. Ở đó, giáo viên và học sinh có đời sống tinh thần tích cực, giải tỏa áp lực, căng thẳng trong học tập và sinh hoạt.
Giáo viên và phụ huynh học sinh cần đồng hành với học sinh TNO |
Phụ huynh cũng là nhóm đối tượng cần quan tâm
Về phía các lãnh đạo trường học, ông Vũ Bá Luận, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Sơn Hà (quận 3) chia sẻ, trong công tác giáo dục thời nay, nhà trường không chỉ tập trung vào giảng dạy, đảm bảo bán trú mà còn phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của người học.
Bên cạnh đó, nhà trường cần mở rộng đối tượng quan tâm phụ huynh vì họ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý, tính cách của học sinh, theo ông Luận.
Ông Luận chia sẻ: “Đa phần phụ huynh của học sinh bậc tiểu học còn rất trẻ, nhiều trường hợp thiếu kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng như ứng xử với con cái, ứng xử giữa cha mẹ với nhau trong cùng gia đình. Chưa kể ở nhiều gia đình, do bị cuốn vào vòng quay cơm áo gạo tiền nên gửi con cho ông bà chăm sóc. Điều này đôi khi khiến học sinh cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Các em cần một nơi chia sẻ tâm tư tình cảm, trong khi đội ngũ các thầy cô giáo ở trường lại chưa đủ chuyên môn sâu”.
Còn ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3), thì lưu ý, khi có một trường hợp học sinh bị trầm cảm hoặc có hành vi tiêu cực, mọi nguyên nhân thường đổ dồn hết cho trường học với những “chẩn đoán tức thì” như áp lực học tập, thi cử.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, trên thực tế, trường học chỉ là nơi truyền dạy kỹ năng và kiến thức, còn nhận thức, tính cách của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường gia đình. Nỗ lực một phía của trường học không thể nào thay đổi được. “Bên cạnh thầy cô tạo được sự tin tưởng để học trò cảm thấy yên tâm, sẵn sàng tìm đến khi có trở ngại về tâm lý thì gia đình cũng cần có đồng hành, chia sẻ với các con”, ông Khánh nói.
BÍCH THANH
TNO