Chậm trễ xử lý, ‘núi’ rác khổng lồ gây ô nhiễm

Chậm trễ xử lý, ‘núi’ rác khổng lồ gây ô nhiễm

Nhiều bãi tập kết rác thải sinh hoạt ở Hà Tĩnh đang trong tình trạng quá tải do không được xử lý kịp thời, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.

 

 

“Ngộp thở” vì rác

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 300 bãi tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt và 12 nhà máy, khu xử lý rác. Tuy nhiên, với lượng rác thải phát sinh mỗi ngày quá lớn và việc thu gom, xử lý còn hạn chế, nhiều bãi rác rơi vào tình trạng ứ đọng lâu ngày.

Chậm trễ xử lý, 'núi' rác khổng lồ gây ô nhiễm - ảnh 1

 

Bãi rác ở xã Hồng Lộc (H.Lộc Hà) bị quá tải PHẠM ĐỨC

Tại thôn Thượng Phú (xã Hồng Lộc, H.Lộc Hà) có một bãi tập kết, xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp với diện tích hơn 5 ha, hoạt động từ năm 2015. Đây cũng là bãi rác duy nhất trên địa bàn huyện này thực hiện việc thu gom, xử lý rác cho tất cả 12 xã, thị trấn. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, bãi rác này hiện có lượng rác thải khổng lồ nằm lộ thiên, phơi nắng phơi sương chưa được xử lý.

Ông Lê Viết Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, cho biết lượng rác tập kết về mỗi ngày quá lớn khiến bãi rác ở địa phương bị quá tải. Việc rác không được chôn lấp kịp thời đã khiến môi trường xung quanh ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân sinh sống gần bãi rác.

“Bãi rác này từng được huyện bố trí kinh phí để nâng công suất xử lý, chôn lấp lên cao hơn nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đáp ứng được với lượng rác thải hàng ngày. Trước tình trạng này, huyện cũng đã có chủ trương làm nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt nhưng vẫn chưa có thời gian xây dựng cụ thể”, ông Bình nói.

Tương tự, 2 bãi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân trên địa bàn toàn H.Nghi Xuân đóng ở xã Cương Gián và xã Xuân Thành cũng đang trong tình trạng quá tải. Rác thải tại 2 bãi rác này tồn đọng với khối lượng khổng lồ, thậm chí chất cao như núi.

Theo ông Lê Hữu Phong, cán bộ Phòng TN-MT (H.Nghi Xuân), 2 bãi rác này thu gom, xử lý rác thải cho 17 xã, thị trấn trên địa bàn và có công suất xử lý 35 tấn rác/ngày. Mặc dù các bãi rác đã được đầu tư thêm lò đốt nhưng vẫn không thể xử lý kịp số lượng rác thải thu gom đổ về mỗi ngày.

“Để hạn chế tình trạng quá tải cho các bãi rác, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Huyện cũng đã đề xuất với tỉnh sớm ban hành Đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các địa phương và có cơ chế để thu hút nhà đầu tư về xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại”, ông Phong thông tin.

 

Xây nhà máy xử lý rác hiện đại

Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng TN-MT (H.Lộc Hà), cho hay thời gian qua, đơn vị này đã yêu cầu đơn vị quản lý và vận hành bãi rác ở xã Hồng Lộc thực hiện việc san lấp để hạn chế tình trạng dồn ứ. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ đáp ứng một thời gian ngắn rồi nhanh chóng tái diễn tình trạng quá tải. Hiện, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định về chủ trương cho một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác cho địa phương.

“Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành xong giải phóng bằng và đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của tỉnh để sớm xây dựng nhà máy xử lý rác bằng lò đốt công nghệ hiện đại”, ông Dũng nói.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, khối lượng rác thải phát sinh khoảng hơn 261.900 tấn (tương đương 718 tấn/ngày). Trong đó, rác đô thị khoảng 200 tấn/ngày, rác nông thôn khoảng 518 tấn/ngày. Dự báo năm 2023, lượng rác thải sinh hoạt toàn tỉnh Hà Tĩnh là 774 tấn/ngày và năm 2025 là 835 tấn/ngày.

Trong những năm qua, số lượng rác thải ngoài được thu gom, vận chuyển đưa đến xử lý tại các nhà máy trong tỉnh và chôn lấp, đốt tại các bãi rác, một số địa phương phải tự bỏ kinh phí để vận chuyển rác đi các tỉnh lân cận để xử lý.

Với những bất cập trên, Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó đặt mục tiêu, tỷ lệ rác thải sinh hoạt toàn tỉnh được thu gom, xử lý đúng quy định tăng dần và đạt tỷ lệ tối thiểu 95% vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2032.

“Riêng các bãi tập kết, trung chuyển rác hết công suất sẽ đóng cửa và tiến tới chấm dứt tình trạng đốt, chôn lấp rác thải vào năm 2025. Hiện nay, chúng tôi đã đề nghị với tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua để sớm phê duyệt đề án này”, một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

 

PHẠM ĐỨC

TNO