23/12/2024

Đòi nợ sai cách, coi chừng vào tù

Đòi nợ sai cách, coi chừng vào tù

Vay mượn tiền nhưng không trả đúng hạn dẫn đến bức xúc, mâu thuẫn không đáng có giữa người cho vay và người vay. Khi đòi nợ sai cách, hành xử không đúng quy định pháp luật khiến người cho vay tự đưa mình vào vòng lao lý.

 

 

Từ chủ nợ thành bị cáo

Ngày 28.10, TAND Q.6 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Hoàng (37 tuổi, ngụ An Giang), Nguyễn Thị Kim Thắm (39 tuổi, chung sống như vợ chồng với Hoàng) và Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi, em trai của Thắm) về tội “cướp tài sản”.

Đòi nợ sai cách, coi chừng vào tù - ảnh 1

Trước phiên xét xử, bị cáo Hoàng được phép gặp cô con gái 9 tuổi. Trước bục khai báo, Hoàng ôm lấy con gái dặn dò phải ngoan, nghe lời mẹ. Cô con gái lâu ngày mới được gặp cha cũng òa khóc nức nở. Sau đó, Hoàng quay sang xin luật sư cố gắng bào chữa cho bị cáo Thắm là vợ mình được hưởng án treo để về nuôi con nhỏ. Trong vụ án, Hoàng bị tạm giam để đảm bảo việc xét xử và thi hành án, bị cáo Thắm và Tuấn được tại ngoại để nuôi con nhỏ và chữa bệnh. Chỉ vì đòi nợ sai cách, cả vợ chồng của bị cáo Hoàng cùng người em trai vướng vòng lao lý.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 4.2021, anh L.T.A hỏi vay 5 triệu đồng của bị cáo Thắm và Hoàng để làm bánh. Chỗ quen biết và cha của anh A. đứng ra bảo lãnh nên 2 bị cáo đã đồng ý. Vay được 1 tháng, anh A. trả cho Thắm 1 triệu đồng và xin vay thêm 2 triệu đồng. Chừng 1 tháng sau, anh A. trả thêm 500.000 đồng rồi bỏ đi nơi khác, cắt đứt liên lạc.

Đến tối 1.1.2022, sau khi đi ăn tiệc tại nhà bạn trở về, bị cáo Thắm và Hoàng bắt gặp anh A. ngồi uống cà phê trên đường Lò Gốm, Q.6. Nhớ lại khoản nợ 7 triệu đồng, Thắm và Hoàng định đợi anh A. rời khỏi quán sẽ lái xe theo dõi xem “con nợ” đang ở đâu.

Mới đây, Viện KSND H.Bình Chánh (TP.HCM) đã hoàn tất cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ qua TAND H.Bình Chánh để đưa ra xét xử đối với Nguyễn Thị Đẹp (56 tuổi, ngụ Tiền Giang) và Lê Thanh Tuấn (39 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cùng về tội “cướp tài sản”.

Theo cáo trạng, ngày 22.12.2019, Đẹp đã nhờ Nguyễn Thị Thùy Trang, Lê Thanh Tuấn (người sống chung như vợ chồng với Trang) chở ông T.H.N và xe máy của ông này về phòng trọ của Trang để đòi 2,1 triệu đồng tiền nợ. Tại phòng trọ, Đẹp lấy nón bảo hiểm đánh, đe dọa để ông N. giao xe và nhờ Tuấn lái xe của ông N. về phòng trọ của mình ở Q.Bình Tân cất giữ. Đến ngày 24.12.2019, ông N. đến công an trình báo sự việc.

Trong vụ án này, TAND H.Bình Chánh đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, cho rằng Trang và Tuấn biết rõ Đẹp muốn chiếm giữ xe của ông N. nhưng vẫn giúp sức. Đến ngày 30.9.2022, Viện KSND H.Bình Chánh ban hành cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Thị Đẹp và Lê Thanh Tuấn về tội “cướp tài sản”. Đối với Trang do không biết, không có hành vi, lời nói giúp sức cho Đẹp nên hành vi của Trang không cấu thành tội “cướp tài sản” và “che giấu tội phạm”, “không tố giác tội phạm”.

Nhưng khoảng 5 phút sau, Hoàng và Thắm vào quán cà phê. Thắm giật lấy chìa khóa xe, điện thoại của anh A. và hỏi: “Sao thiếu tiền chị mấy tháng nay không trả mà cũng không nghe điện thoại?”. Vừa lúc này, bị cáo Tuấn đi ngang quán cà phê nên vào túm áo, đấm vào mặt anh A. Hoàng liền dùng ly thủy tinh định đánh anh A. nhưng được chủ quán cà phê can ngăn.

Hoàng siết cổ anh A. quật ngã xuống đường, Tuấn tát vào đầu và nhặt viên gạch ống ném anh A. nhưng không trúng. Anh A. xin Thắm và Hoàng đừng lấy điện thoại mà lấy xe. Thắm đồng ý nên lái xe của anh A. về nhà, còn Hoàng lấy bóp của anh A. rồi cùng Tuấn bỏ đi. Mang xe về nhà được một 1 tiếng đồng hồ, các bị cáo bị công an mời lên làm việc.

 

Hành động vượt quá khuôn khổ pháp luật

Được tại ngoại để nuôi con nhỏ, đến khi ra tòa, bị cáo Thắm mới nhận thức được rằng hành vi của mình vi phạm pháp luật. “Anh A. có nói với bị cáo lấy xe đi, còn điện thoại để liên lạc. Anh A. nói đưa xe nên bị cáo mới đồng ý lấy mang về đến khi nhận đủ tiền nợ sẽ trả lại, không có ý định đe dọa chiếm đoạt xe”, bị cáo Thắm khai và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt vì nếu cả bị cáo và chồng đều nhận án tù thì không còn ai chăm con nhỏ.

 

Đòi nợ thế nào cho đúng cách ?

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), nguyên tắc đòi nợ đúng luật thì người cho vay không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không chiếm giữ tài sản, bắt giữ người vay trái pháp luật.

Trường hợp người vay không trả nợ, người cho vay có thể khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay, thì có thể bị xem xét về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 hoặc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 175 bộ luật Hình sự hiện hành.

“Người cho vay có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan công an có chức năng nhằm điều tra, giải quyết. Theo điều 30 bộ luật Tố tụng hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Do đó, tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đòi nợ của người cho vay trong quá trình xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của người vay”, luật sư Tuấn cho hay.

Phía bị hại cho rằng hoảng sợ do bị 3 bị cáo khống chế, đánh đập nên đưa xe. Sau khi xảy ra sự việc, các bị cáo có bồi thường cho anh 10 triệu đồng, trong đó cấn trừ nợ 7 triệu đồng và đưa tiền mặt 3 triệu đồng. Bị hại thừa nhận mình có một phần lỗi khi vay tiền của các bị cáo nhưng không trả đúng hạn.

HĐXX cho rằng tuy không thể tán thành, đồng tình, cổ súy cho hành vi đòi nợ trái pháp luật của các bị cáo, nhưng nhìn nhận lại, phía bị hại khi đã vay tiền thì phải có trách nhiệm trả tiền.

“Lúc cần tiền làm ăn, nếu không có mối quan hệ giữa bị cáo Hoàng và cha của bị hại thì bị cáo có cho mượn tiền hay không? Cha bị hại là người đứng ra bảo lãnh mượn tiền, nhưng đến khi các bị cáo đến đòi thì lại nói không biết bị hại đã đi đâu. Bị hại không có tiền trả có thể thương lượng. Chính hành động thiếu trách nhiệm của bị hại một phần đưa đẩy các bị cáo vào con đường phạm pháp”, đại diện HĐXX nói.

Trong vụ án, bị cáo Hoàng cầm ly thủy tinh định đánh và bị cáo Tuấn lấy gạch ném vào bị hại, HĐXX từng trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi này của các bị cáo phải bị truy tố thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”.

“Bị cáo Tuấn không liên quan việc cho vay nợ lẽ ra phải khuyên can chị mình, nhưng lại tham gia đánh bị hại, dù chưa nắm rõ được sự việc, bị cáo thấy sai mà còn tiếp tay cho cái sai”, đại diện HĐXX nói.

Tại phần luận tội, Viện KSND Q.6 đề nghị mức án đối với bị cáo Hoàng từ 5 – 6 năm tù, Thắm từ 3 – 4 năm tù và bị cáo Tuấn từ 4 – 5 năm tù cùng về tội “cướp tài sản”.

Luật sư bào chữa đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng bằng thời gian tạm giam; bị cáo Thắm và Tuấn được hưởng án treo để nuôi con nhỏ và chữa bệnh. Luật sư cho rằng các bị cáo không am hiểu pháp luật, một phần lỗi cũng do bị hại vì bị hại chây ì, mượn nợ không trả. Việc các bị cáo chiếm giữ tài sản chỉ để bảo đảm bị hại sẽ mang tiền đến trả nợ.

Tuy nhiên, theo công tố viên, các bị cáo có nhiều cách ứng xử để đòi nợ, nhưng hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản, sức khỏe, tính mạng của bị hại. “Các bị cáo bực tức vì bị hại không trả nợ, gọi điện thoại không nghe máy, nhưng hành vi của các bị cáo vượt quá khuôn khổ, vi phạm pháp luật. Mục đích phiên tòa không chỉ dừng lại ở mức án, khung hình phạt của các bị cáo mà là răn đe, để bị cáo rút ra bài học, hiểu được hành vi của mình là trái pháp luật”, công tố viên nói.

Sau phần tranh luận và bào chữa của luật sư, phiên tòa bước vào giai đoạn nghị án, và dự kiến HĐXX sẽ tuyên án trong tuần tới.

 

SONG MAI

TNO