24/11/2024

Quân bình Đời sống – Bài Suy niệm V

Từ ngữ “hôm nay” được các bài Thánh Kinh nhắc đến nhiều lần như mời gọi chúng ta đi tìm ý nghĩa của nó để có thể sống trọn vẹn giây phút hiện tại của đời mình trong niềm vui, bình an và hạnh phúc. Vậy “hôm nay” có ý nghĩa gì đối với chúng ta, và sống trọn vẹn giây phút hiện tại là sống như thế nào. Đó là chủ đề đáng ta quan tâm.

Bài Suy niệm V

(Nk 8,2-10; 1Cr12-14.27; Lc 1,1-4; 4,14-21)

Sống trọn vẹn giây phút hiện tại

Lời mở

Từ ngữ “hôm nay” được các bài Thánh Kinh nhắc đến nhiều lần như mời gọi chúng ta đi tìm ý nghĩa của nó để có thể sống trọn vẹn giây phút hiện tại của đời mình trong niềm vui, bình an và hạnh phúc. Vậy “hôm nay” có ý nghĩa gì đối với chúng ta, và sống trọn vẹn giây phút hiện tại là sống như thế nào. Đó là chủ đề đáng ta quan tâm.

1. Ý nghĩa của hôm nay

“Hôm nay” là một từ được người Việt ta sử dụng nhiều trong cả ngàn năm qua. Hôm có nghĩa là khoảng thời gian thuộc về 1 ngày, nay có nghĩa là bây giờ. Vậy hôm nay có nghĩa là ngày này, là giây phút hiện tại mà con người được Thiên Chúa kêu mời sống theo đúng ơn gọi của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vạn vật (x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, mục từ “Hôm nay”, NXB Tôn giáo, 2019, tr.426; GLHTCG, số 2659, 1165, 2837). Trong ngôn ngữ thường ngày ta dùng các từ: hôm kia, hôm qua, hôm nay, ngày mai, ngày kia để chỉ thời gian.

Thời gian cùng với không gian, là hai yếu tố gắn liền với vật chất trong sự vận động và phát triển không ngừng. Còn Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, không phải là vật chất, nên không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ngài hiện diện ở mọi nơi và mọi thời. Thiên Chúa là “Đấng hiện hữu” (Xh 3,14), là “Đấng hiện có, đã có và đang đến” (Kh 1,5), là Đấng vĩnh hằng, nên thời gian đối với Chúa luôn luôn là hiện tại, là hôm nay.

Còn chúng ta là con người, có yếu tố vật chất trong thể xác, nên mới phân chia thời gian thành những khoảng dài ngắn khác nhau để gọi là giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm. Chúng ta định mốc thời gian, lấy hôm nay là hiện tại để coi hôm qua, hôm kia là quá khứ và ngày mai, ngày kia là tương lai.

Nuối tiếc quá khứ, lo lắng cho tương lai, bạn sẽ đánh mất niềm vui ở hiện  tại-Tạp Chí Cuộc Sống

Trong đời sống tâm lý, người trẻ thường hướng về tương lai với những gì sẽ đến, sẽ đạt được để sống trong niềm vui và hy vọng khi mơ ước một tương lai huy hoàng, hay buồn nản, tuyệt vọng khi thấy một tương lai bất định, vô nghĩa. Người đứng tuổi nhìn vào hiện tại với những gì thực tế đang xảy ra để giữ bình thản và an tâm hành động. Người cao tuổi lại hay nhớ về quá khứ để nuối tiếc và ân hận, nếu đó là những thất bại, sai lầm, hoặc sung sướng tự mãn với những thành công để bù trừ mặc cảm tự ti cho hiện tại bất lực của mình.

Chúng ta thấy người Do Thái biểu lộ thái độ đó trong Bài đọc I (x. Nkm 8,2-10). Họ đã khóc lóc, buồn bã, hối hận khi ông Esdras đọc sách luật. Họ nhớ đến quá khứ xấu xa vì đã phản bội Chúa, không tuân giữ các điều luật, giới răn của Ngài. Vì thế ông Esdras nhắc bảo họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Anh chị em đừng mang tang chế, đứng than khóc vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em”.

Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người đã đưa tinh thần vĩnh hằng của Thiên Chúa vào trong thể xác vật chất của mình, để sau cuộc sống lại từ cõi chết, Người biến đổi toàn thể vật chất với không gian và thời gian. Vì thế, Đấng Phục Sinh có thể hiện ra với các môn đệ ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

Nhờ đó, khi kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, “mỗi người chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người” như Bài đọc II (x. 1Cr 12,12-27) diễn tả. Chúng ta cần nhận ra ý nghĩa mới của thời gian, và của “hôm nay” trong dòng đời của mình để sống từng giây phút hiện tại như Đức Giêsu Kitô.

2. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại

Trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được hoà nhập vào “ngày hôm nay” của Người và của Thiên Chúa “vì trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân thể” (1Cr 12,13). Nên từ đây mọi giây phút ta sống đều được thánh hoá cho Chúa Giêsu là Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta không cần phải buồn sầu khóc lóc vì quá khứ tội lỗi của mình như một số người đã hô hào theo những phong trào đạo đức sai lạc. Chúng ta cũng không cần phải lo lắng, sợ hãi vì tương lai bất định với những khó khăn do dịch bệnh gây nên, với khủng hoảng kinh tế lạm phát, với tuổi già mỗi ngày một đè nặng trên mình… Chúng ta chỉ sống thời hiện tại của mình.

Tuy nhiên, sống trọn vẹn giây phút hiện tại cũng không đồng nghĩa với thái độ sống của những người theo chủ nghĩa hiện sinh do các triết gia như Soren Kierkegeard, F. Dostoevsky, J.P.Sartre, F. Nietzsche khởi xướng. Họ cho con người là độc nhất, hoàn toàn tự do trong một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý nên mất định hướng, bối rối lo sợ khi phải đối diện với nó. Vì thế họ chủ trương chỉ sống giây phút hiện tại cách say mê theo sự chọn lựa của mình.

Khi nhìn vào tương lai bất định và chối bỏ Thiên Chúa, là nguồn mọi hiện hữu đồng thời là cùng đích cho mọi hiện hữu, họ không tìm ra ý nghĩa của thời hiện tại và mỗi giây phút sống. Họ buông thả theo những tham vọng và dục vọng của mình, vì nghĩ rằng cuộc sống chỉ tận cùng bằng cái chết phi lý. Vì thế tội gì phải bỏ hết công sức ra học hành, làm việc, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bất cứ ai! Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đang sống theo chủ nghĩa này.

Trái lại, khi sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tạo nên một quá khứ tốt đẹp và mở ra một tương lai huy hoàng. Từng hành động và thái độ sống tích cực của ta, giống như những chấm, những điểm kết nối thành một đường thẳng, thì đường đời của ta cũng hoà nhập thành một với đời sống của Chúa Giêsu. Giống như Đức Giêsu ý thức về sứ mệnh cứu độ của Người, sau khi được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong, Người xây dựng đường đời của mình bằng những hành động rất cụ thể trong từng ngày sống. Đó là “rao giảng Tin Mừng, giải phóng tù nhân, chữa lành những tâm hồn sám hối, giải thoát cho người bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Mỗi ngày sống như thế đều là ngày thánh hoá cho Thiên Chúa, đều tạo nên niềm vui, hạnh phúc và hồng ân cứu độ cho mọi người, mọi vật quanh mình. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe” (x. Lc 4,18-21). Ngày hôm nay của mỗi người chúng ta cũng phải thể hiện bằng những hành động tích cực như vậy.

Do đó, trong những ngày đầu năm mới, Giáo Hội mời gọi ta nhìn lại kế hoạch tổng thể của mỗi người là thể hiện tình yêu cứu độ của Thiên Chúa (x. Docat, chương I). Kế hoạch ấy được thực hiện theo từng ngày tháng của đời người. Sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại là ta đang thực hiện kế hoạch này. Vì thế, ta cần phải biết tổ chức và quản lý ngày sống hôm nay cho tốt đẹp và hiệu quả để thống nhất đời sống của mình trong Chúa Giêsu Kitô.

Muốn tổ chức được ngày sống, ta cần phải lập chương trình sống với các công việc cần làm mỗi ngày như thức dậy, dâng ngày sống cho Chúa, hít thở khí tự nhiên và siêu nhiên, ăn uống, học hành, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí, tắm rửa, thể dục, thể thao, cầu nguyện, tạ ơn, tổng kết ngày sống vào ban tối,…. Khi làm các công việc này với tất cả tình yêu dành cho Chúa và muôn loài, là ta đang sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại rồi. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, ta có thể phạm sai lầm, thiếu sót và tội lỗi, nhưng nếu biết dâng quá khứ đó cho lòng Chúa xót thương, và dâng tương lai cho Chúa Quan Phòng, để tập trung hoàn toàn vào hiện tại, thì ta sẽ giữ được niềm vui và bình an vì “niềm vui của Chúa là đồn luỹ bảo vệ chúng ta” (x. Nkm 8,10).

Lời kết

Nhân dịptĩnh tâm, ta hãy nhìn lại kế hoạch đời mình để điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch của Chúa Cha và của Chúa Giêsu. Chúng tôi cũng đã giới thiệu cách làm kế hoạch sống trong tập sách “Bạn Là Lời Cứu độ”, bắt đầu từ chương trình sống mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Bạn Là Lời Cứu Độ, in lần 4, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.28-65). Anh chị em có thể tra cứu và chuẩn bị cho kế hoạch của mình. Cầu chúc anh chị em luôn bình an và hạnh phúc trong Chúa. Amen.

HKK