23/12/2024

Quân Bình Đời Sống: Bài Suy niệm I

Đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã làm nhiều người trên thế giới và đồng bào Việt Nam mất sự quân bình tối thiểu còn lại trong người. Nỗi lo sợ dịch bệnh, chết chóc, việc phải giãn cách xã hội nhiều tháng không được ra khỏi nhà hay khỏi nơi cư trú, cả ngày không đi học hay đi làm nên chỉ biết xem những kênh giải trí, rong chơi trên mạng, không tập thể dục hay chơi thể thao, ăn uống thất thường, ngủ nghỉ không điều độ. Tất cả đã làm cho đời sống của nhiều người hỗn loạn, suy sụp đến độ trầm cảm, nghiện ngập và nô lệ cho các thú vui.
Vì thế, tìm lại sự quân bình cho đời sống là việc làm hết sức cần thiết hầu như cho tất cả mọi người trong tình trạng hiện nay.

Lời hướng dẫn

Các bạn thân mến,

Cách đây 23 năm, vào năm 1999, chúng tôi đã xuất bản cuốn Thống nhất Đời sống trong Chúa Giêsu Kitô và đã giới thiệu một vài phương cách để giúp các bạn có thể thống nhất nhiều yếu tố như thể lý, tâm thần, tâm lý, tâm linh và các lĩnh vực như văn hoá, kinh tế, xã hội trong đời sống con người.

Trong đời sống cá nhân, chúng ta là những con người có hồn và xác nên cần thống nhất các yếu tố thể lý, tâm thần, tâm lý, tâm linh. Trong đời sống xã hội, chúng ta có nhiều mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình. Trong đời sống tín hữu Công giáo, chúng ta cần thống nhất các yếu tố: nhân bản, tri thức, đạo đức, mục vụ truyền giáo.

Tập sách đó còn rất sơ sài và có nhiều thiếu sót.

Tuy nhiên, trong thời gian 20 năm qua rất nhiều khám phá mới về y học, nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn được con người của mình chịu tác động bởi nhiều thế lực và xu hướng khác nhau. Chúng đều có thể làm ta mất sự quân bình và hài hoà trong đời sống, khiến chúng ta mất đi niềm vui, bình an và hạnh phúc. Rất nhiều hướng dẫn, chỉ dạy trong giáo huấn của Giáo hội Công giáo đã làm sáng tỏ vấn đề và giúp ta tìm lại sự quân bình và thống nhất đời sống trong Chúa Giêsu Kitô.

Hơn nữa, những tác động của cộng đồng xã hội qua những phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, nhất là các mạng xã hội qua điện thoại, máy tính đã làm xáo trộn nặng nề đời sống con người. Đến nơi nào chúng ta cũng thấy người ta sử dụng các phương tiện đó. Chúng làm ta mất đi sự quân bình, tự do cần thiết để nhiều khi bị lệ thuộc hoàn toàn vào chúng và trở thành nô lệ cho chúng.

Đặc biệt đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã làm nhiều người trên thế giới và đồng bào Việt Nam mất sự quân bình tối thiểu còn lại trong người. Nỗi lo sợ dịch bệnh, chết chóc, việc phải giãn cách xã hội nhiều tháng không được ra khỏi nhà hay khỏi nơi cư trú, cả ngày không đi học hay đi làm nên chỉ biết xem những kênh giải trí, rong chơi trên mạng, không tập thể dục hay chơi thể thao, ăn uống thất thường, ngủ nghỉ không điều độ. Tất cả đã làm cho đời sống của nhiều người hỗn loạn, suy sụp đến độ trầm cảm, nghiện ngập và nô lệ cho các thú vui.

Vì thế, tìm lại sự quân bình cho đời sống là việc làm hết sức cần thiết hầu như cho tất cả mọi người trong tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là nhận thức về tình trạng mất quân bình, mà là làm thế nào để tạo lại được sự quân bình hài hoà một cách cụ thể. Vì thế, chúng tôi biên soạn tập tài liệu này để giúp các bạn điều hoà đời sống bằng những việc làm thực tế để cuối cùng đạt tới đích điểm là thống nhất được đời sống mình với Đức Giêsu và hoà nhập thành một với Người.

Hướng dẫn tổ chức khoá học hay tĩnh tâm

Chúng tôi viết tập tài liệu này cho các tu sĩ nam nữ hay các linh mục dùng trong một tuần thường huấn (huấn luyện thường xuyên) 4-5 ngày. Các tín hữu giáo dân, đặc biệt trong các hội đoàn Công giáo tiến hành, như Huynh đoàn Đa Minh, Dòng Ba Cát Minh, Dòng Ba Phan Sinh, Liên Minh thánh Tâm, Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn… cũng có thể tổ chức cho các thành viên của gia đình hay cộng đoàn nhờ linh mục, tu sĩ giảng dạy và điều phối chương trình.

Hơn nữa chúng tôi cũng muốn viết riêng cho bạn là tín hữu giáo dân, với những chỉ dẫn cụ thể, để bạn có thể tự đào luyện chính mình khi dành một vài ngày nghỉ ngơi trong Mùa Chay, Mùa Phục Sinh này, đến một nơi thanh vắng hay một góc nhà yên tĩnh để học hỏi với người Thầy tuyệt vời là Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.

Tài liệu gồm 3 phần:

1. Phần suy niệm Lời Chúa gồm các đề tài suy niệm trong vòng 15-30 phút với các bài đọc Thánh Kinh như là nền tảng để cho ta tìm hiểu sự thật về đời sống quân bình gồm những yếu tố nào. Ta có thể đọc chậm từng phần, dừng lại suy niệm những điểm được Chúa soi sáng và cầu nguyện.

2. Phần suy tư học hỏi trong tài liệu này gồm các đề tài liên quan tới việc quân bình đời sống trong các lĩnh vực khác nhau, dựa vào những khám phá của khoa học, bản hướng dẫn của Công đồng Vaticanô II (1962-1965), sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1983), cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (2004), Docat (2016) và các tài liệu khác của Hội thánh Công giáo.

Các đề tài này bàn đến những giá trị căn bản của đời sống tín hữu như Thiên Chúa Ba Ngôi, sự thật, sự sống, tình yêu, tự do, công bằng, những nguyên tắc hành động và nền nhân bản toàn diện của Giáo Hội Công giáo. Chúng ta cũng sẽ tìm lại sự quân bình đời sống trong việc hít thở, ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, nói năng, làm việc, viết lách, chơi đùa, ăn mặc, trang điểm, tắm rửa và cả ý nghĩa của cái chết như là việc trở về với cội nguồn. Tất cả được trình bày trong cuốn Hội nhập Văn hoá Công giáo ở Việt Nam (2022) được in riêng vì sách dày tới 440 trang. Chúng tôi chỉ trích dẫn một ít bài trong tập sách này.

3. Phần thực hành xen kẽ với phần suy tư học hỏi là để giúp tìm ra những điểm mất quân bình và những phương cách tạo sự quân bình. Công việc cụ thể gồm đo các chỉ số sức khoẻ (dung tích khí thở, huyết áp, nhịp tim, trọng lượng, chiều cao), làm Trắc nghiệm Quân bình đời sống, Trắc nghiệm Cá tính, Trắc nghiệm Chỉ số thông minh IQ, Cách tổ chức và quản lý đời sống mỗi ngày, mỗi tuần, hằng tháng, hằng năm, tập thở khí tự nhiên và siêu nhiên, phục hồi sức khoẻ hậu Covid 19.

Chúng tôi hy vọng tập sách nhỏ này có thể giúp các bạn tìm lại được sự quân bình để cho đời sống thêm khoẻ mạnh, tươi đẹp, hạnh phúc và hiệu quả hơn. Cầu chúc các bạn thành công.

Thân ái,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Phần Suy niệm Lời Chúa

Bài Suy niệm I

(x. Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45)

Phục hồi sức khoẻ – Phục hồi tâm linh

Lời mở

Chúng ta đang ở tuần VIII, tuần cuối cùng của phần đầu Mùa Thường niên, để thứ Tư Lễ Tro bắt đầu Mùa Chay Thánh. Giáo Hội mời gọi chúng ta dành những ngày này để phục hồi sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần. Bài sách Huấn Ca (x. Hc 27,4-7) và bài Tin Mừng (x. Lc 6,39-45) đều nhắc đến một nguyên tắc vàng để biết mình biết người. Đó là “xem quả thì biết vườn cây”, “cây tốt sinh trái tốt”.

Dưới ánh sáng của Chúa, chúng ta muốn tìm hiểu xem con người mình hiện nay đang như thế nào, nhất là trong cơn đại dịch Covid-19 này, để có thể phục hồi sức khoẻ, phục hồi tâm linh.

1. Tình trạng suy sụp, mất quân bình về thể lý và tinh thần

Theo tin của Bộ Y tế, tính đến 6 giờ chiều ngày 10/3/2022, Việt Nam có 5,25 triệu ca nhiễm virus Sars-CoV-2 trên tổng số 98 triệu dân. Hơn 41 ngàn người đã chết vì dịch bệnh. Nghĩa là cứ khoảng gần 20 người thì trung bình có 1 người nhiễm. Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ cao hơn. Số ca nhiễm vẫn mỗi ngày một tăng từ sau Tết Nguyên Đán đến nay. Ngoài số người trực tiếp bị nhiễm bệnh và phải chữa bệnh, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng ít hay nhiều trong đời sống. Không ít người cảm thấy suy sụp, mất quân bình về thể xác cũng như tinh thần và cả đời sống tâm linh.

Nếu “xem quả mà biết cây” thì hậu quả trong đời sống đang cảnh báo cho ta biết cây sự sống trong ta đang khô héo cần tưới nước ân sủng, mạch nhựa sống đang khô cạn cần nối kết lại với nguồn sống là Đức Giêsu Kitô. Cây đó cần phải bón phân đủ loại như cầu nguyện, hy sinh, tham dự bí tích, hành động bác ái thì mới hy vọng có trái to, quả ngọt. Đức Giêsu nói: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, cũng không cây nào xấu mà sinh trái tốt”.

Các bước phục hồi sức khỏe tâm thần

Đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua đã làm nhiều người chúng ta suy sụp sức khoẻ tinh thần và mất quân bình trong đời sống. Nỗi lo sợ nhiễm phải dịch bệnh, nhất là nỗi sợ chết, qua những hình ảnh, tin tức trên báo chí, truyền hình, đã làm cho nhiều người hoảng loạn. Rồi những tháng phải ở yên trong nhà để giãn cách xã hội, không được đi học, đi làm, đi chơi hay giao tiếp với cộng đồng khiến nhiều người cảm thấy tù túng, bực bội. Rồi nhiều người không biết làm gì ngoài việc lướt web hay mở các kênh giải trí, các mạng xã hội để xem phim, nghe nhạc… đã rơi vào tình trạng nghiện những trò chơi trực tuyến, nghiện các phim ảnh đồi truỵ, khiến cho tâm trí vẩn đục, lười suy nghĩ, học hỏi, tìm tòi, và làm nô lệ cho các bản năng thấp hèn. Đời sống tri thức khô cạn, tâm trí nhiễm độc. Từ đó có nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, tâm thần hoang tưởng hay phân liệt.

Sức khoẻ thể lý của nhiều người cũng bị mất quân bình trầm trọng do ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ thất thường, thiếu vận động vì không tập thể dục hay chơi thể thao. Một số người bị nhiễm Covid-19 đã dùng những liều thuốc kháng sinh mạnh, có bác sĩ còn cho hai loại kháng sinh mạnh cùng một lúc để diệt virus. Các kháng sinh này đã làm các men vi sinh trong hệ tiêu hoá bị huỷ hoại khiến cho đồ ăn không được chuyển hoá thành các chất bổ dưỡng và hấp thu vào máu. Từ đó dẫn đến các triệu chứng hậu Covid như mệt mỏi, đau đầu, khó thở, rụng tóc, giảm trí nhớ, đau khớp, mất ngủ, rối loạn nhịp tim, rối loạn tiêu hoá, đau nhói ở ngực…

Đời sống tâm linh còn thể thảm hơn vì có người cả 2 năm không đến nhà thờ, không tham dự thánh lễ trực tiếp, không rước lễ để có sự sống kỳ diệu của Chúa Kitô, không xưng tội để thanh tẩy tội lỗi khiến tâm hồn nhơ bẩn, bốc mùi. Các kiểu dự thánh lễ trực tuyến hay xưng tội tập thể từ xa, vừa xem truyền hình vừa chia trí, giống như cơn mưa rào nhẹ không đủ thấm ướt đất để tưới cái cây đang khô héo. Rồi những nghi ngờ về quyền năng và tình yêu Chúa trong cơn dịch bệnh làm cho đức tin, đức mến, đức cậy của ta chao đảo như ngọn gió muốn bật tung cả rễ của cây.

Quả thật, chúng ta rất đang cần phục hồi sức khoẻ toàn diện con người để tìm lại niềm vui, bình an, hạnh phúc trong đời sống. Nhưng phục hồi bằng cách nào?

2. Những phương cách phục hồi

Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Cr 15,54-58) mang lại cho ta niềm vui hy vọng phục hồi. Chúng ta không còn sợ hãi vì “tử thần đã bị chôn vùi” khi Đức Giêsu Kitô chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh của Người.

Bởi vậy, anh chị em hãy kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh chị em sẽ không trở nên vô ích” (1Cr 15,58).

Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta muốn dành thời giờ để phục hồi toàn diện con người của mình. Chúng ta biết rằng trong đời sống cá nhân, chúng ta là con người có hồn và xác nên cần làm quân bình các yếu tố thể lý, tâm thần, tâm lý, tâm linh. Trong đời sống xã hội, chúng ta có nhiều mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình. Trong tư cách là tín hữu Kitô, chúng ta cần thống nhất các yếu tố trong đời sống nhân bản, đạo đức, tri thức, mục vụ truyền giáo.

Đức Giêsu đang sống trong ta và ở giữa chúng ta, vì tất cả chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, Người sẽ giúp chúng ta hồi phục sức khoẻ nhanh chóng, Người sẽ chữa lành các bệnh tật cho ta. Người sẽ tưới cây sự sống của ta bằng máu và nước từ cạnh sườn Người để ta phát sinh những hoa trái là ân sủng của Chúa Thánh Thần, giúp ta tìm lại được sự sống phi thường và tuyệt vời của chính Thiên Chúa.

Bài giảng Lễ Báp-tem ĐỒNG SỐNG VỚI CHÚA | MỤC SƯ NGUYỄN VĂN ĐẠI - Phan Du  Mục

Tuy nhiên, chính chúng ta phải tích cực cộng tác với Người để tìm lại sức khoẻ toàn diện cho mình bằng những hành động cụ thể:

Để tìm lại sức khoẻ thể lý: ta nên đo lại huyết áp, nhịp tim, cân nặng, chiều cao, nhất là đo dung lượng khí thở để xem mình có bình thường không. Ta cũng cần tìm xem mình có đang mắc tật bệnh hay triệu chứng hậu Covid nào để tìm cách chữa trị. Ta cần sửa lại cách ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc cho điều độ để hiệu quả hơn.

Để tìm lại sức khoẻ tâm thần: không để cho trí não căng thẳng và nhiễm bẩn, ta cần điều chỉnh các giờ lướt web, xem phim. Ta có thể làm một bảng trắc nghiệm để đo chỉ số thông minh (IQ) của mình là bao nhiêu.

Để tìm lại sức khoẻ tâm lý: ta cần biết mình thuộc loại cá tính nào trong 8 loại cá tính thường gặp. Có những điểm mạnh hay điểm yếu nào về cảm tính, hoạt tính, thứ tính? Có những khả năng nào, độ rộng ý thức là bao nhiêu và sửa chữa những mặt yếu trong cá tính bằng cách nào? Nhiều tín hữu chúng ta, sau mấy chục năm sống, vẫn chưa biết mình hay con cái mình thuộc loại cá tính nào thì làm sao làm chủ được đời sống?!

Để tìm lại sức khoẻ tâm linh: chúng ta phải tìm lại các phương thế như cầu nguyện, suy niệm, tham dự thánh lễ, chịu các bí tích, làm việc bác ái để gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí tình yêu của Người.

Chúng tôi có thể giúp anh chị em thực hiện các công việc trên đây qua các bài hướng dẫn trong mục Quân bình Đời sống trên trang web hanhkhatkito.net.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em phục hồi được sức khoẻ toàn diện cho mình cũng như cho những người thân yêu trong Mùa Chay Thánh này. Amen.