18/11/2024

Khủng hoảng nhân đạo và những cái tên bị lãng quên

Khủng hoảng nhân đạo và những cái tên bị lãng quên

Khoảng 235 triệu người trên khắp thế giới cần sự hỗ trợ trong năm 2021. Trong khi một số cuộc khủng hoảng nhận được sự chú ý của thế giới, số còn lại dường như chìm vào quên lãng.

 

 

Khủng hoảng nhân đạo và những cái tên bị lãng quên - ảnh 1
Quân chính phủ Colombia đi tuần đêm ở địa bàn thường xảy ra tranh chấp giữa các băng nhóm vũ trang  AFP/GETTY

Tổ chức nhân đạo Care International công bố danh sách thường niên về 10 quốc gia ít được báo đài đưa tin nhất trong năm 2021. Đây là những nước có ít nhất 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc thiên tai do biến đổi khí hậu, theo tờ The Guardian.

Zambia

Quốc gia đầu tiên trên danh sách là Zambia, nước có khoảng 1,2 triệu người suy dinh dưỡng. Khoảng 60% trong số 18,4 triệu người sống dưới mức nghèo đói theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc (LHQ), với mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày (43.000 đồng). Phụ nữ sản xuất 60% nguồn lương thực của Zambia. Tình trạng bất ổn lương thực tại đây chủ yếu do hạn hán kéo dài. Các nguyên nhân khác bao gồm giá bắp gia tăng và mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng.

Ukraine

Trong thời gian gần đây, Ukraine liên tục được báo đài thế giới đưa tin, do căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây. Thế nhưng, ít người chú ý có khoảng 3,4 triệu người dân nước này cần sự hỗ trợ trong năm 2021, chủ yếu tại miền Đông. Theo Care International, tình hình đang báo động dọc theo giới tuyến 420 km tách biệt giữa miền Đông và chính quyền Kiev.

Malawi

Malawi đang đối mặt khủng hoảng an ninh lương thực. 17% dân số của quốc gia Đông Phi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Hạn hán, lũ lụt và lở đất được dự đoán sẽ càng tệ hơn trong những năm tới. Bão Idai trong năm 2019 phá hoại mùa màng nghiêm trọng và đẩy hàng chục nghìn người lâm vào tình cảnh tha hương.

“Con người ở đây hứng chịu hậu quả thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu sớm hơn và dữ dội hơn bất kỳ khu vực nào ở phía bắc của địa cầu”, theo bà Chikondi Chabvuta của Care International.

CH Trung Phi

Tại CH Trung Phi, nơi nội chiến đã thăng cấp thành khủng hoảng nhân đạo, phân nửa dân số đối mặt nguy cơ bất ổn lương thực. Ít nhất 700.000 người phải rời nơi ở, trong số này hơn 50% là trẻ em. CH Trung Phi xếp hạng thứ hai từ dưới đếm lên của Chỉ số Phát triển Con người. Trung bình, trẻ em chỉ có thể đến trường trong chưa đầy 4 năm, và các bé gái chỉ đi học được 3 năm trong cả cuộc đời. Khoảng 30% số trẻ em phải làm việc.

Khủng hoảng nhân đạo và những cái tên bị lãng quên - ảnh 2
Tình trạng thời tiết cực đoan xuất hiện tần suất cao hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  UNICEF

Guatemala

Bạo lực, nghèo đói và khủng hoảng khí hậu đang là những vấn đề hàng đầu ở Guatemala. Quốc gia Trung Mỹ nằm trên tuyến đường di dân đến Mexico và Mỹ. 2/3 dân số sống dưới 2 USD/ngày và 38% số người đối mặt bất ổn lương thực.

Các trại tị nạn chứa di dân bị Mexico trả về luôn trong tình trạng quá tải. Điều này có nghĩa là nhiều người phải sống trên đường phố. Guatemala cũng là một trong những nước nguy hiểm nhất thế giới, với 3.500 vụ án mạng trong năm 2020.

Colombia

Gần 5 triệu người đang sống trong sự kiểm soát của các băng nhóm vũ trang, và 6,7 triệu người phụ thuộc viện trợ nhân đạo từ nước ngoài. Tình trạng bất ổn lương thực đang xảy ra do kinh tế suy thoái sau thời gian chống chọi với dịch Covid-19. Các cộng đồng thổ dân đặc biệt bị ảnh hưởng, cũng như 1,8 triệu di dân Venezuela đang sống tị nạn tại nước này.

Burundi

Burundi là nước ít được chú ý nhất trong năm 2020. Đến năm 2021, thứ hạng của Burundi được cải thiện khi tăng lên hạng 7 trong danh sách. Khoảng 2,3 triệu trong tổng số 12,6 triệu người Burundi cần sự hỗ trợ nhân đạo. Đến nay, nước này mới nhận được 27% trong tổng số tiền hứa viện trợ là 195 triệu USD. Thời tiết cực đoan, nạn đói và bất ổn chính trị là những thách thức mà người dân Burundi phải đối mặt. Sinh kế của 90% số dân dựa vào hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ, nhưng họ chỉ có thể canh tác được trên 1/3 diện tích đất đai. Nguyên nhân là do hạn hán, lũ lụt và lở đất.

Khủng hoảng nhân đạo và những cái tên bị lãng quên - ảnh 3
Dòng người di dân từ Honduras đang đi qua Guatemala đến biên giới Mỹ  REUTERS

Niger

Niger bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài và lũ quét tái diễn đã gây ra những hậu quả thảm khốc: gần 3 triệu người dựa vào viện trợ nhân đạo. Khoảng 1,8 triệu người cần hỗ trợ thực phẩm và gần 50% số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tính đến tháng 9.2021, các băng nhóm vũ trang ở miền đông và miền bắc Niger đã đẩy 313.000 người vào tình trạng phải sống tha hương.

Zimbabwe

Zimbabwe đang đối mặt bất ổn lương thực, một phần do các sự kiện thời tiết cực đoan đến từ biến đổi khí hậu. Khoảng 6,6 triệu người đang cần viện trợ nhân đạo. Hơn 1/3 dân số (5,7 triệu người) thiếu thực phẩm. “Nguồn lương thực đến từ hoạt động canh tác nông nghiệp ở nhiều vùng nông thôn không đủ để đảm bảo nhu cầu lương thực cơ bản và những nhu cầu khác của người dân”, theo báo cáo.

Honduras

Nạn đói nghèo và bạo lực đang làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo ở Honduras, buộc nhiều người phải từ bỏ quê hương tìm đường di cư đến Mỹ. Khoảng 70% dân số sống trong cảnh nghèo đói, theo một báo cáo năm 2020. Nông nghiệp gặp nhiều trở ngại do hạn hán, bão tố và lụt lội. Khoảng 937.000 người mất nhà cửa tại nước này, cao nhất trong khu vực Mỹ La tinh.

“Tại Honduras, nhiều người thường nói với nhau rằng họ sẽ nghèo nếu sinh ra với thân phận phụ nữ, vì chỉ còn phụ nữ ở lại (Honduras) với trẻ con”, theo báo cáo.

THUỴ MIÊN

TNO