Mỹ sẽ quay lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc?
Mỹ sẽ quay lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc?
Mỹ được dự đoán sẽ quay lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi cơ quan này vào năm 2018.
Theo Hãng tin AFP, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ bầu ra các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong hôm nay (14-10). Các quốc gia sẽ bắt đầu nhiệm kỳ hội đồng 3 năm kể từ ngày 1-1-2022.
Hội đồng có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, giải quyết các vụ vi phạm và đưa ra khuyến nghị về nhân quyền.
Cựu tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hội đồng vào năm 2018, cáo buộc hội đồng đạo đức giả.
Ngày 24-2-2021, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tìm cách trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ 2022-2024. Đầu tháng 2, Mỹ đã quay trở lại hội đồng dưới vai trò quan sát viên.
Động thái này cho thấy chính quyền ông Biden muốn tái tập trung vào LHQ và các tổ chức quốc tế nói chung. Tuy nhiên, khi quay trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Mỹ sẽ phải đối mặt với cục diện mới liên quan tới Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Hãng tin AFP rằng mục tiêu của Trung Quốc rất đơn giản: “phá hủy khái niệm về tính phổ quát của nhân quyền và khẳng định tầm nhìn phù hợp với hệ thống chính trị của nước này”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và các đối tác, bao gồm Belarus và Venezuela, đã đưa ra các tuyên bố chung ủng hộ hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng, đồng thời tố cáo “vi phạm nhân quyền” ở các nước phương Tây.
Một số nhà ngoại giao lo ngại sự trở lại của Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền sẽ củng cố xu hướng phân cực trong hội đồng và khiến hội đồng bị chi phối bởi sự cạnh tranh giữa phe thân Mỹ và thân Trung Quốc.
Ông Marc Limon, giám đốc điều hành Tổ chức tư vấn chính sách nhân quyền quốc tế URG ở Geneva (Thụy Sĩ), cho biết Mỹ “về cơ bản chỉ tập trung vào một thứ duy nhất, đó là Trung Quốc”, kể từ khi tái tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách quan sát viên.
Ông Limon nói những động thái tấn công và trả đũa giữa Mỹ và Trung Quốc đang “hút hết dưỡng khí” của những công việc khác của hội đồng. “Rất nhiều quốc gia đã chán ngấy, vì họ không muốn thấy hệ thống đa phương trở thành con tin của trò chơi quyền lực địa chính trị này”.
Ông Limon kêu gọi Mỹ giành lại sự ủng hộ từ các nước đang phát triển, vốn có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc trong thời gian Mỹ vắng mặt.
Ngày 13-10, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Chen Xu nói ông hy vọng Mỹ sẽ “tiến hành đối thoại mang tính xây dựng và cố gắng không biến nhân quyền thành công cụ chính trị” khi trở lại hội đồng.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) gồm 47 quốc gia thành viên, do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York bầu ra.
1/3 thành viên hội đồng được bầu hằng năm và các quốc gia chỉ có thể phục vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 3 năm.
Các thành viên hội đồng được phân chia theo khu vực địa lý.