Tiêm mũi 3 cho gần 30% dân số, Israel vẫn ghi nhận 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày
Tiêm mũi 3 cho gần 30% dân số, Israel vẫn ghi nhận 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin COVID-19 hoặc thậm chí có nước bắt đầu tiêm liều 3 cho người dân, thì Israel nảy ra sáng kiến: tiêm liều 4.
Ngày 6-9, báo The Independent cho biết đến nay, khoảng 60% dân số Israel đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 nhưng số ca nhiễm vẫn tăng lên, có thể do nhiều nguyên nhân như biến thể Delta – vốn có mức độ lây nhiễm cao.
Nằm trong nhóm nước có tỉ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới nhưng nhiều ngày gần đây, Israel ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Hôm 3-9, Bộ Y tế Israel cho biết nước này ghi nhận 11.210 ca nhiễm mới trong ngày trước đó và đây là ngày thứ 4 liên tiếp trên 10.000 ca. Đến ngày 4-9, số ca nhiễm tăng thêm 9.739.
Cuối tuần trước, giáo sư Salman Zarka, trưởng nhóm đặc trách phòng chống COVID-19 của Israel, đã kêu gọi nước này bắt đầu chuẩn bị cho việc tiêm liều vắc xin thứ 4, theo báo Times of Israel.
“Với việc virus đang hiện diện và sẽ tiếp tục tồn tại, chúng ta cũng cần chuẩn bị cho mũi tiêm thứ 4. Đây là cuộc sống của chúng ta từ nay trở đi, chung với các làn sóng dịch” – ông Salman Zarka cho biết.
Vị quan chức này cho rằng việc tiêm thêm mũi tăng cường tiếp theo sẽ giúp bảo vệ người dân tốt hơn trước các biến thể mới như Delta. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể khi nào có thể tiêm liều thứ 4.
Theo báo Times of Israel, Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức tiêm liều 3, bắt đầu vào ngày 1-8 với những người trên 60 tuổi. Sau đó họ dần mở rộng với các nhóm và giờ áp dụng với những người từ 12 tuổi trở lên. Để được tiêm liều thứ 3, những người này phải tiêm liều 2 cách đó ít nhất 5 tuần.
Tính đến ngày 3-9, hơn 2,5 triệu người Israel (khoảng 28% dân số) đã tiêm liều thứ 3. Dân số của Israel là hơn 9 triệu người.
Israel triển khai chương trình tiêm mũi 3 sau khi Bộ Y tế nước này cho biết 2 liều vắc xin Pfizer giờ đây chỉ có hiệu quả 64% trong ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng, giảm mạnh (so với mức khoảng 95% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng năm 2020) trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh.
Bộ Y tế Israel hy vọng mũi tiêm tăng cường sẽ giúp kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Giáo sư Salman Zarka cho rằng “chúng ta sẽ cần tiêm thêm 1 liều vắc xin cứ 1 năm một lần hoặc 5 hay 6 tháng một lần”.
Việc tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 đang là chủ đề gây tranh cãi, có bên ủng hộ, có bên phản đối. Theo trang Euronews, trong khi một số nước châu Âu bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói những liều vắc xin này nên dành cho các quốc gia nghèo hơn.
Các nước giàu đối diện với sức ép ngày một tăng về việc chia sẻ vắc xin COVID-19 với các nước có thu nhập thấp hơn, những nơi đang thiếu vắc xin. Giới chuyên gia y tế lo ngại tốc độ tiêm chủng chậm chạp sẽ làm kéo dài đại dịch COVID-19 và tăng nguy cơ xuất hiện những biến thể mới đáng lo hơn.