Mỹ – Trung ngồi lại nói chuyện giữa căng thẳng
Mỹ – Trung ngồi lại nói chuyện giữa căng thẳng
Không quá nhiều kỳ vọng đột phá nhưng chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tới Trung Quốc vẫn được xem là cơ hội để hai bên duy trì mạch đối thoại giữa hàng loạt bất đồng.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm qua tới thành phố Thiên Tân, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, trong đó có cuộc gặp quan trọng với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bà Sherman là nhà ngoại giao cấp cao nhất của chính quyền Mỹ tới Trung Quốc từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Chuyến thăm được giới quan sát đặc biệt chú ý khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện phủ bóng bởi căng thẳng và nghi kỵ trên nhiều lĩnh vực.
Ngay trước thềm chuyến thăm của bà Sherman, ông Vương Nghị đã cảnh báo rằng Bắc Kinh không chấp nhận Washington ở vị thế cửa trên trong mối quan hệ song phương, theo Reuters. Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ cho hay bà Sherman sẽ nêu rõ quan điểm rằng Washington không muốn sự cạnh tranh gay gắt và lâu dài của hai nước dẫn đến xung đột, đồng thời Mỹ muốn đảm bảo có các “rào chắn” an toàn và quy tắc để quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm.
Một quan chức tháp tùng bà Sherman cho biết mục tiêu chuyến thăm không phải để đàm phán hay bàn sâu về vấn đề cụ thể nào mà nhằm duy trì mạch đối thoại cấp cao giữa hai bên. Còn nhớ cuộc gặp cấp cao song phương diễn ra tại Alaska hồi tháng 3 đã khép lại với màn tranh cãi nảy lửa của quan chức hai bên. Thực tế, quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp và rất thiếu lòng tin lẫn nhau, với những bất đồng chiến lược cả về chính sách lẫn hành vi. Do đó, phạm vi chương trình nghị sự của bà Sherman sẽ rộng và bao gồm nhiều vấn đề cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai bên, như thương mại, tấn công mạng hay chính sách đối ngoại. Đáng chú ý, chỉ vài ngày trước khi bà Sherman tới Thiên Tân, Mỹ và Trung Quốc đã có màn trừng phạt ăn miếng trả miếng liên quan chính sách Hồng Kông.
Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh không thể kỳ vọng kết quả đáng kể nào từ cuộc gặp ở Thiên Tân, tuy nhiên việc Trung Quốc cử Ngoại trưởng Vương Nghị ra nói chuyện với Thứ trưởng Sherman cho thấy Bắc Kinh không coi nhẹ chuyến thăm này. Ở một mức độ nào đó, hai bên vẫn có những cơ hội để đối thoại và hợp tác, bao gồm các lĩnh vực cả hai cùng quan tâm như biến đổi khí hậu hay hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Iran. Thêm vào đó, cuộc gặp tại Thiên Tân nếu diễn ra suôn sẻ cũng có thể tạo tiền đề cho các hội nghị cấp cao hơn giữa hai nước trong tương lai. Chuyến thăm cũng được xem là cơ hội để đánh giá xem liệu các biện pháp ngoại giao có thể mang lại sự ổn định nào cho mối quan hệ Mỹ – Trung hay không.
Bài toán châu Á của Mỹ
Ngay sau chuyến đi Thiên Tân của Thứ trưởng Sherman, quan chức cấp cao Mỹ sẽ cùng lúc có hai chuyến công du tới châu Á, bao gồm chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Antony Blinken. Cả 3 chuyến đi này đều cho thấy sự chú trọng lớn của Mỹ với châu Á, trong đó có việc củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác trong khu vực.
Theo Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Blinken tại Ấn Độ sẽ bao gồm cam kết ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chia sẻ lợi ích an ninh khu vực, cũng như ứng phó đại dịch Covid-19. Trong khi đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ thể hiện tầm quan trọng được chính quyền Biden đặt lên Đông Nam Á và ASEAN như một phần cốt yếu của cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chuyến đi này sẽ đánh dấu cam kết bền vững của Mỹ đối với khu vực, lợi ích của Mỹ trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc cũng như thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN, theo Lầu Năm Góc. Giới quan sát dự báo Trung Quốc cũng sẽ là nội dung quan trọng được cả 2 bộ trưởng Mỹ đề cập.
NGỌC MAI
TNO