COVID-19: Hệ luỵ lớn với sức khoẻ tâm thần
COVID-19: Hệ luỵ lớn với sức khỏe tâm thần
Kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch (11-3-2020) tới nay, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách hay phong toả với tâm lý con người.
Giãn cách xã hội hay phong tỏa là những biện pháp trọng yếu và hiệu quả để phòng ngừa các dịch bệnh lây nhiễm, song với không ít người, tình trạng “trăm ngày như một” bị hạn chế trong một không gian sống nhàm chán với mọi hoạt động bị tối giản hết mức đang khiến sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo BS Phạm Ngọc Thanh – nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn tâm lý cho đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), đại dịch COVID-19 đã gây ra một số vấn đề về sức khỏe tinh thần tùy theo hoàn cảnh sống, tùy tình trạng bệnh F0, F1, F2 hoặc không có F nào.
Tình trạng căng thẳng tinh thần có thể được biểu hiện ở những dấu hiệu như: cảm giác bất an, sợ sệt, cáu giận, buồn rầu, lo âu, chết lặng hoặc ấm ức; ăn không ngon, chán ăn; khó tập trung và khó quyết định; khó ngủ hoặc gặp ác mộng; phản ứng thể chất như đau đầu, đau cơ, đau bụng và ngứa da; gia tăng sử dụng thuốc lá, bia rượu và các chất gây nghiện…
Cũng theo BS Thanh, những rối loạn người dân có thể gặp là rối loạn lo âu, rối loạn tâm lý hậu sang chấn, rối loạn trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cần lưu ý là các rối loạn này có thể kéo dài sau đại dịch và sau khi người bệnh phục hồi sau một thời gian bệnh nặng. Nghiên cứu ở các nước như Bỉ, Pháp, Mỹ cho thấy 30 – 80% người trẻ từ 15 – 24 tuổi có thể bị trầm cảm sau dịch bệnh.
Đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về ảnh hưởng của các biện pháp cách ly, phong tỏa phòng COVID-19 với sức khỏe tâm thần con người. Nghiên cứu của một nhóm tác giả đăng trên tạp chí Diagnosis số tháng 7-2021 là một tài liệu đánh giá khái quát các nghiên cứu đã công bố thời gian qua về vấn đề này. Họ cũng chỉ ra mức độ chịu ảnh hưởng tâm lý khác nhau.
Theo đó, nghiên cứu nhận thấy đã có tình trạng gia tăng số ca bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, nguy cơ tự tử, hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và mất ngủ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Trong số này, ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp vì giãn cách, phong tỏa, còn có nguyên nhân vì nhiều người sợ bản thân họ nhiễm bệnh hoặc lây bệnh cho những người thân.
Đài ABC (Úc) dẫn dữ liệu từ Hiệp hội các nhà tâm lý học Úc cho biết 83% các chuyên gia tâm lý học tham gia khảo sát cho biết khách hàng của họ đều lo lắng, trầm cảm và buồn bã hơn trong các đợt phong tỏa. Giáo sư tâm thần học nổi tiếng người Úc – ông Patrick McGorry – cho rằng người trẻ tại Úc đang gánh chịu những tác dụng phụ đáng kể của COVID-19 với sức khỏe tâm thần. Mức gia tăng thất nghiệp và các khoản nợ cũng góp phần không nhỏ vào tâm lý lo âu.
Gia tăng bạo lực gia đình
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Violence and Gender số mới đây tập trung làm rõ vấn đề tình trạng bạo lực nhằm vào nữ giới, cụ thể là bạo lực gia đình, đã tăng ra sao tại các khu vực, quốc gia áp dụng giãn cách, phong tỏa phòng COVID-19.
Theo đó, tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình được báo cáo đã tăng gấp 3 trong tháng 2-2020 tại một trong những thành phố của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – nơi đại dịch bùng phát đầu tiên. Các nơi khác cũng chứng kiến mức tăng này ở phạm vi toàn quốc là 40 – 50% tại Brazil, 20% tại Tây Ban Nha và 30% ở CH Cyprus.
Các nước Ả Rập cũng đã ghi nhận mức tăng bạo lực gia đình. Tại Palestine, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực nhằm vào phụ nữ ghi nhận mức tăng 50% trong giai đoạn bệnh COVID-19.
Tại Lebanon, theo tổ chức phi chính phủ Kafa, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi nước này bắt đầu phong tỏa chống dịch COVID-19, có 6 trường hợp nạn nhân nữ bị bạo hành qua đời, trong khi số cuộc điện thoại gọi tới đường dây nóng của trung tâm hỗ trợ tăng gấp đôi.