Cần ngưng hiến máu bao lâu sau tiêm vắc xin Covid-19?
Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch và lựa chọn thời điểm phù hợp sau tiêm vắc xin Covid-19 để hiến máu an toàn.
Tùy thuộc loại vắc xin
Theo hướng dẫn ngày 19.1.2021 của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), không cần trì hoãn hiến máu đối với những người được tiêm vắc xin Covid-19 nếu họ cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không có các phản ứng sau tiêm hoặc không có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.
Một số trường hợp sẽ được trì hoãn hiến máu trong thời gian ngắn sau khi tiêm vắc xin Covid-19, phụ thuộc vào hãng sản xuất và loại vắc xin. Khi đó, những người đến đăng ký hiến máu cần cung cấp tên nhà sản xuất vắc xin.
Cụ thể: Những người được tiêm vắc xin Covid-19 có thành phần kháng nguyên không sao chép, bất hoạt hoặc dựa trên RNA (vắc xin của các hãng AstraZeneca, J&J/Janssen, Moderna, Novavax, Pfizer) thì có thể hiến máu sau khi tiêm vắc xin. Những người được nhận vắc xin sống giảm độc lực hoặc không biết chính xác loại vắc xin, cần chờ 2 tuần hoặc lâu hơn mới có thể hiến máu, tùy vào quyết định của từng ngân hàng máu.
Tuy nhiên, FDA vẫn đưa ra khuyến cáo: Cần trì hoãn hiến máu 14 ngày đối với những người có nguy cơ, với các triệu chứng mắc Covid-19 hoặc từng mắc Covid-19, kể từ thời điểm không còn triệu chứng hoặc không còn nhiễm SARS-CoV-2 (vi rút gây dịch Covid-19).
Tại Úc, Hội Chữ thập đỏ Úc đưa ra khuyến cáo sau khi tiêm 7 ngày (không phân biệt loại vắc xin Covid-19) thì có thể hiến máu, hiến huyết tương hay tiểu cầu; đồng thời người hiến máu cân nhắc việc hiến máu trước ngày tiêm vắc xin. Việc trì hoãn này chỉ nhằm để đảm bảo sức khỏe người hiến máu được tốt nhất khi hiến máu, không còn sốt nhẹ (phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin), và tránh cho người hiến máu gặp phải một số phản ứng không mong muốn trong hoặc ngay sau khi hiến máu như choáng, ngất nếu họ không khỏe.
Tại Singapore, cơ quan khoa học sức khỏe nước này đề nghị thời gian trì hoãn là từ 3 ngày đến 4 tuần, tùy thuộc loại vắc xin. Thậm chí thời gian này được tính từ khi hết các triệu chứng hoặc phản ứng không mong muốn sau khi tiêm. Do đó, thời gian để hiến máu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 có thể lâu hơn 4 tuần.
Khuyến cáo về hiến máu an toàn
Bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, phụ trách Trung tâm máu quốc gia, cho biết: Theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT Hướng dẫn hoạt động truyền máu của Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc xin 7 ngày thì có thể tham gia hiến máu (trừ các vắc xin phòng bệnh dại, rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG, cần phải trì hoãn hiến máu từ 4 tuần đến 12 tháng).
Ngoài ra, người hiến máu cần đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và tuân thủ quy định khai báo y tế nhằm đảm bảo thật sự khỏe mạnh, an toàn, không có các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi tham gia hiến máu.
Theo Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, người hiến máu cần đáp ứng các quy định về tuổi (18 – 60 tuổi), cân nặng (42 kg trở lên với nữ, 45 kg trở lên với nam), khoảng cách từ lần hiến máu toàn phần gần nhất là 12 tuần, khoảng cách từ lần hiến tiểu cầu gần nhất là 2 tuần.
Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư lưu ý: Chỉ đến điểm hiến máu khi cảm thấy thực sự khỏe mạnh và không có các hành vi nguy cơ lây nhiễm các vi rút qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến Covid-19. Đeo khẩu trang khi đi hiến máu, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có cồn sát khuẩn trước khi đăng ký hiến máu. Trả lời trung thực khai báo y tế và các câu hỏi của nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Thông báo kịp thời cho đơn vị tiếp nhận máu về các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở… mới xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu hoặc nhớ ra sau khi đã hiến máu.
Chỉ hiến máu sau ít nhất 28 ngày tính từ thời điểm được khẳng định không còn nhiễm SARS-CoV-2.
Chỉ hiến máu sau ít nhất 28 ngày tính từ thời điểm có tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc người mắc Covid-19, cũng như không có triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, khó thở, tiêu chảy…
Chỉ hiến máu sau ít nhất 28 ngày tính từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng dịch/khu vực cách ly.
Không hiến máu và không đến địa điểm tổ chức hiến máu khi:
– Đã được chẩn đoán khẳng định mắc Covid-19.
– Có xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, tiêu chảy…
– Có tiền sử ở/đi du lịch, đi qua các nước có công bố dịch; các tuyến đường/phố/phường/xã/thị trấn được yêu cầu cách ly phòng chống dịch (theo thông tin từ Bộ Y tế cung cấp).
– Có tiếp xúc gần (trong vòng 2 m) với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc Covid-19.
Đơn vị tổ chức hiến máu phải: đảm bảo không tập trung đông người cùng một thời điểm; lựa chọn địa điểm hiến máu thông thoáng khí, vệ sinh sạch sẽ; hạn chế dùng điều hòa trung tâm, nên duy trì nhiệt độ phòng ở 26 độ C; phân luồng và chăm sóc người hiến máu, đảm bảo giãn cách…
(Nguồn: Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư)
NAM SƠN
TNO