Nhà máy thời chống dịch phải ổn trong, vẹn ngoài
Nhà máy thời chống dịch phải ổn trong, vẹn ngoài
Hiện nay các doanh nghiệp tại TP.HCM đã được yêu cầu phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, ‘nếu không tuân thủ sẽ bị rút giấy phép, ngưng sản xuất’, theo khẳng định của ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Ngày 10-6, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã đưa lãnh đạo TP.HCM và báo chí đi tham quan nhiều khu vực sản xuất, nhà ăn của công ty sau khi công ty xuất hiện một ca nhiễm COVID-19. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Công ty PouYuen Việt Nam với 9 xưởng sản xuất đặt tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân) đã “bật” chế độ chống dịch ở tất cả các bộ phận từ cổng ra vào, nhà ăn, xưởng sản xuất.
Phải ổn trong, vẹn ngoài
Một hệ thống đo nhiệt độ hồng ngoại được lắp đặt ở các cổng ra vào với khoảng 30 máy để có thể đo nhiệt độ cho tất cả 56.400 công nhân đang làm việc tại đây mỗi ngày. Không sản xuất mặt hàng khẩu trang nhưng kể từ khi dịch bùng phát, PouYuen đã lắp đặt một dây chuyền sản xuất khẩu trang để cấp liên tục cho toàn bộ 56.400 công nhân.
Tại khu vực nhà ăn của công ty, công nhân xếp hàng để hai nhân viên xịt nước rửa tay trước khi vào ăn; một loa thông báo được bật liên tục nhắc nhở công nhân giữ khoảng cách, sát khuẩn tay trước khi ăn. Bàn ăn đều đã được chia thành nhiều ngăn để mỗi công nhân ngồi ở một chỗ riêng biệt. Tại một xưởng sản xuất giày, mỗi công nhân nhà máy đều được bảo hộ kỹ càng với khẩu trang và nón chắn giọt bắn.
Hiện nay công ty có hơn 600 xe buýt đưa đón công nhân không chỉ ở trên địa bàn TP mà còn đi/về nhiều tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An… Công nhân lên xuống xe đều phải khai báo y tế với thông tin về họ tên, số điện thoại và nơi ở.
Ông Dương Anh Đức đánh giá hiện các phương án chống dịch của PouYuen ở nhà ăn, chuyền xưởng là đầy đủ và được giám sát kỹ bằng hệ thống camera. Nhưng “vòng ngoài” và những nơi khác lại chưa thực hiện tốt, công nhân vẫn dồn đông ở nơi lấy nước, chỗ rửa tay… không chờ nhau, nhường nhau; tan ca vẫn tập trung mua bán đông đúc ở các chợ tạm trước công ty, các điểm ATM.
“Những quy định của công ty là rất cụ thể nhưng việc quản lý, giám sát phải làm tốt hơn nữa và phải tăng cường nhắc nhở công nhân có ý thức tuân thủ. Tôi vẫn lo ngại thời điểm công nhân lên xe, xuống xe vì họ đi gần như cùng một lúc.
PouYuen có hơn 600 xe buýt đưa đón, nếu vài xe tới cùng lúc thì sẽ rất khó. Tôi đề nghị công ty có biện pháp tổ chức việc đưa đón công nhân thực sự trật tự vì đây là hoạt động có nguy cơ cao. Cần có camera, loa nhắc nhở ở khu vực này, nhắc công nhân ngồi trên xe hạn chế trao đổi với nhau”, ông Đức nêu cụ thể.
Ông yêu cầu địa phương phải hỗ trợ công ty quản lý khuôn viên xung quanh như chợ tự phát, hàng rong… để những nơi này cũng an toàn. “Nếu trong tốt mà ngoài không tốt thì công sức cũng đổ sông đổ biển”, ông Đức nhấn mạnh.
Phương án “3 tại chỗ”
Ăn, ở và sản xuất tại chỗ – đó là phương án “3 tại chỗ” đã được Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) xây dựng cụ thể. Ông Đào Quốc Cường – giám đốc thường trực Công ty Juki Việt Nam – cho biết công ty đã lên danh sách cụ thể các đơn hàng nào bắt buộc phải xuất, tương ứng với đó là cần bao nhiêu nhân lực.
“Công ty đã chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho số công nhân tương ứng trong trường hợp phải kích hoạt “3 tại chỗ”. Chúng tôi đã liên hệ các đơn vị cung cấp nhà vệ sinh lưu động, có thể lắp đặt ngay trong vòng 2 ngày khoảng 20 nhà vệ sinh. Nhưng hy vọng sẽ không phải kích hoạt phương án dự phòng này”, ông Cường chia sẻ.
Trước đó, một số nhà máy tại TP.HCM cũng đã xuất hiện ca nhiễm và phải tổ chức “3 tại chỗ”, như Công ty CP thiết bị nhà bếp VINA (Khu công nghiệp Tân Bình), Công ty may thêu M.D.K (quận 12). Hai tuần nay, gần 800 công nhân Công ty thiết bị nhà bếp VINA đã ăn ngủ, sinh hoạt, làm việc tại nhà máy kể từ khi công ty có ghi nhận ca nhiễm hôm 28-5.
Công ty đã nhanh chóng lắp 70 nhà vệ sinh, 80 vòi nước, mua mền chiếu và dụng cụ vệ sinh để phục vụ công nhân ăn ở ngay tại công ty. Nhiều khu vực được tận dụng để mỗi công nhân có 3 – 4m2 khi ngủ. Trong khi đó tại Công ty M.D.K, sau khi khoảng 200 người có nguy cơ tiếp xúc gần với ca nhiễm đã được đưa đi cách ly tập trung, hơn 1.000 lao động còn lại được tổ chức cách ly tại nhà máy vừa thực hiện 5K phòng dịch vừa sản xuất.